Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Manh mối lần ra sai phạm trong hệ thống Đăng kiểm Việt Nam

Từ manh mối này, Công an TP HCM lần ra sai phạm của Cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam Đặng Việt Hà, người tiền nhiệm Trần Kỳ Hình, cùng hơn 200 người khác tại 14 trung tâm đăng kiểm ở thành phố, tỉnh Long An, Bến Tre và Sóc Trăng. Ngoài ra, công an 48 địa phương cũng khởi tố tổng cộng hơn 110 vụ án, hơn 800 bị can.

Riêng tại TP HCM, dự kiến tòa án phải mất 4 ngày làm việc mới hoàn tất thủ tục khai mạc phiên xét xử và công bố bản cáo trạng hơn 400 trang, truy tố 254 bị cáo về hàng loạt tội danh.

Cựu cục trưởng Đặng Việt Hà tại phiên tòa hôm 18/7. Ảnh: Trần Quỳnh

Cựu cục trưởng Đặng Việt Hà tại phiên tòa hôm 18/7. Ảnh: Trần Quỳnh

Cáo trạng thể hiện, hành vi tiêu cực – nhận hối lộ trong hoạt động kiểm định phương tiện bắt đầu diễn ra tại các trung tâm đăng kiểm ít nhất từ 10 năm trước tại nhóm khối V (thuộc Cục Đăng kiểm quản lý). Sau đó, việc này mở rộng ra một số trung tâm đăng kiểm khối D (tư nhân), khối S (do Sở Giao thông Vận tải địa phương quản lý) và hình thành một đường dây tham nhũng có tổ chức từ trên xuống dưới, len lỏi ở mọi quy trình: đăng kiểm phương tiện (trên cả đường bộ lẫn đường thuỷ); cấp phép cho trung tâm tư nhân; can thiệp phần mềm đăng kiểm….

Tuy nhiên, phải đến cuối năm 2022 các hành vi sai phạm này mới được phát hiện. Vào các ngày 26-28/10/2022, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, tổ công tác Phòng CSGT Công an TP HCM phát hiện hai ôtô cơi nới thành thùng khác với quy chuẩn nên dừng phương tiện kiểm tra.

Kết quả xác định, số đo kích thước thành, thùng xe trùng khớp với số đo kích thước trong Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện xe cơ giới đường bộ, song sai lệch so với thông số kỹ thuật của xe trên cơ sở dữ liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Từ dấu hiệu tội phạm này, Công an TP HCM đã điều tra, xác định đây là hành vi phạm tội có tổ chức xuyên suốt từ Cục Đăng kiểm Việt Nam đến các Trung tâm đăng kiểm phương tiện cơ giới, Chi cục đăng kiểm phương tiện thủy nội địa tại TP HCM và nhiều địa phương trên cả nước.

Trong phạm vi vụ án đang được TAND TP HCM xét xử, cựu cục trưởng Đặng Việt Hà, Trần Kỳ Hình được xác định có vai trò cầm cầu, quan trọng nhất. Ông Hà bị truy tố về tội Nhận hối lộ; ông Hình ngoài tội này còn bị cáo buộc hành vi Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Theo cáo trạng, trong thời gian giữ chức Cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam, ông Hà đã buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra giám sát để các Phòng trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, Trung tâm Đăng kiểm, Chi cục Đăng kiểm trên cả nước xảy ra sai phạm, tiêu cực có hệ thống trong suốt thời gian dài.

Khi phát hiện, ông này không chấn chỉnh, xử lý mà “vì vụ lợi cá nhân” tiếp tục đưa ra các chủ trương, chỉ đạo cán bộ Phòng kiểm định xe cơ giới, các Trung tâm Đăng kiểm nhận hối lộ. Số tiền này sẽ được chia mức hưởng lợi theo nguyên tắc “phải đảm bảo lợi ích của ông Hà là cao nhất”.

Cơ quan công tố xác định, cựu cục trưởng Hà phải chịu trách nhiệm hình sự về tổng số tiền nhận hối lộ là hơn 40 tỷ đồng. Trong đó, các đơn vị Phòng kiểm định xe cơ giới (từ tháng 8/2021 đến 9/2022) là hơn 31 tỷ đồng; 4 trung tâm đăng kiểm (Khối V, thuộc Cục, tại TP HCM từ 1/4 đến tháng 11/2022) là hơn 7,6 tỷ đồng; 5 trung tâm đăng kiểm Khối V tại Hà Nội nhận 780 triệu đồng và tiền hối lộ của các Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm khối D là 680 triệu đồng. Riêng ông Hà hưởng lợi gần 8,8 tỷ đồng và 13.000 USD.

Cựu cục trưởng Trần Kỳ Hình tại phiên tòa hôm 18/7. Ảnh: Trần Quỳnh

Cựu cục trưởng Trần Kỳ Hình tại phiên tòa hôm 18/7. Ảnh: Trần Quỳnh

Ông Trần Kỳ Hình cũng bị cáo buộc vì động cơ vụ lợi cá nhân đã nhận tiền hối lộ tổng cộng hơn 6,5 tỷ đồng và 23.000 USD của các doanh nghiệp, các đơn vị đăng kiểm, bỏ qua các sai phạm trong việc cấp phép đủ điều kiện hoạt động Trung tâm Đăng kiểm, sai phạm trong quá trình kiểm định phương tiện.

Ngoài ra, ông Hình còn lợi dụng chức vụ quyền hạn vị trí công tác làm trái quy định, duyệt cấp đủ năng lực cho các cơ sở không đủ điều kiện, tạo điều kiện cho cơ sở đóng tàu hoạt động trái pháp luật, làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các chi cục đăng kiểm và Cục đăng kiểm Việt Nam.

Đối với hơn 250 bị cáo còn lại, VKS truy tố về các tội danh: Giả mạo trong công tác; Sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật; Xâm phạm trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông, hoặc phương tiện điện tử của người khác; Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Tham ô tài sản…

Đây là vụ án có số lượng bị cáo đông nhất từ trước đến nay. Ngày mai, 22/7, phiên tòa tiếp tục với phần công bố cáo trạng; dự kiến 3 tháng sau mới xét xử xong.

Hải Duyên



Leave a Comment

0.0/5