Trong chuyến lặn ngoài khơi bờ biển Thụy Điển, nhóm lặn Baltictech từ Ba Lan phát hiện xác tàu đắm cổ bằng thiết bị thủy âm (sonar) dưới Biển Baltic, cách quần đảo Aland khoảng 37 km về phía nam, Independent hôm 26/7 đưa tin. Tàu buồm vẫn trong tình trạng tốt, chở khoảng 100 chai rượu champagne, 100 chai nước khoáng và đồ gốm.
“Tôi đã làm thợ lặn 40 năm và thỉnh thoảng sẽ tìm thấy một hoặc hai chai. Nhưng việc phát hiện xác tàu đắm với nhiều hàng hóa như vậy là lần đầu tiên với tôi”, Tomasz Stachura, trưởng nhóm lặn, chia sẻ.
Nước khoáng được đựng trong bình đất sét, giúp các chuyên gia xác định niên đại của lô hàng là năm 1850 – 1867. Chúng do công ty Đức Selters sản xuất và có thể cung cấp manh mối về chủ sở hữu con tàu. “Thời đó, người ta coi nước khoáng gần như thuốc và thường chỉ dùng trên bàn ăn hoàng gia. Giá trị của nó lớn đến mức các chuyến hàng được cảnh sát hộ tống”, nhóm lặn giải thích.
Stachura đoán rằng lô hàng đặc biệt có thể đang trên đường đến Stockholm hoặc St Petersburg, phục vụ Sa hoàng Nicholas I của Nga, người được cho là đã mất một con tàu ở khu vực này vào năm 1852.
Nhóm lặn đã thông báo cho chính quyền địa phương Thụy Điển về phát hiện mới, nhưng có thể họ vẫn chưa thể mở những chai champagne cổ này. Stachura cho biết, việc thăm dò thêm và trục vớt hàng hóa sẽ cần thời gian do những hạn chế về hành chính. “Chúng đã nằm ở đó 170 năm, vậy hãy để chúng nằm thêm một năm nữa và chúng ta sẽ có thời gian chuẩn bị tốt hơn cho hoạt động này”, ông nói.
Nhưng dù nhóm lặn có cơ hội nếm thử thì chất lượng của rượu champagne cũng sẽ như “một trò may rủi”, theo Leta Bester, giám đốc Học viện Rượu vang London. Ông cho biết, các yếu tố như độ nguyên vẹn của nút bần và điều kiện bảo quản dưới nước có thể ảnh hưởng đến tình trạng của champagne.
“Việc rượu để lâu còn ngon đến mức nào phụ thuộc nhiều vào chất lượng rượu ngay từ đầu. Nếu là rượu champagne vintage chất lượng hàng đầu, thì khả năng một số chai vẫn còn dùng được sẽ cao hơn”, Bester nói. Ông cho biết, phần lớn rượu champagne nonvintage không được sản xuất để ủ lâu dài, vì vậy, nếu không biết chúng là loại rượu gì ngay từ đầu thì không thể đánh giá.
Bester cho biết, nếu các chai vẫn đóng kín và không nhiễm bẩn thì có thể champagne sẽ không gây hại. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng việc thử nghiệm mẫu rượu trong môi trường được kiểm soát là cực kỳ quan trọng, giúp đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn hiện đại. Rượu cũng sẽ mất dần bọt qua thời gian và tình trạng của mỗi chai có thể khác nhau.
Thu Thảo (Theo Independent, Washington Post)