GDP nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng 2,8% trong quý II. Tốc độ này cao hơn quý đầu năm (1,4%) và nhỉnh hơn dự báo của các nhà kinh tế học trong khảo sát của Dow Jones (2,1%).
Tiêu dùng tăng 2,3% quý trước, mạnh hơn so với mức 1,5% quý I. Chi cho hàng hóa và dịch vụ đều đi lên. Đầu tư của doanh nghiệp cũng thêm 11,6%. Chi tiêu của chính phủ cũng nhích lên trong quý II.
Ngược lại, xuất khẩu tăng 2% và nhập khẩu tới 6,9% – lớn nhất kể từ đầu năm 2022. Thâm hụt thương mại là yếu tố kéo giảm GDP quý trước. Thị trường bất động sản nước này cũng chưa hồi phục nhiều.
Joseph Brusuelas, kinh tế trưởng tại RSM, nhận định các động cơ tăng trưởng đều cải thiện. Báo cáo cho thấy kinh tế Mỹ vẫn ở giai đoạn bùng nổ trong trung hạn. Mức sống trên cả nước vì thế được nâng lên khi lạm phát hạ nhiệt, tỷ lệ thất nghiệp thấp và lương thực tế tăng lên.
Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) – thước đo lạm phát ưa thích của Fed – tăng 2,6% trong quý II, giảm so với 3,4% quý I. Không tính giá năng lượng và thực phẩm vốn hay biến động, chỉ số này tăng 2,9% – thấp hơn so với 3,7% quý đầu năm.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết báo cáo GDP khẳng định “chúng ta đang trên đà tăng trưởng và giảm lạm phát ổn định”. Quan chức Fed được dự báo giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp chính sách tuần tới và chờ đến tháng 9 mới giảm lãi. Các phát biểu gần đây của Fed cũng cho thấy họ đã sẵn sàng hành động.
Ngày 25/7, Bộ Lao động Mỹ cũng công bố số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu là 235.000 tuần trước. Số liệu này thấp hơn dự báo và giảm 10.000 so với tuần trước đó.
Giá dầu thô thế giới sáng nay bật tăng sau số liệu GDP Mỹ, do nhà đầu tư kỳ vọng nhu cầu dầu tăng lên. Mỹ hiện là nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới. Dầu Brent và WTI cùng tăng 0,01%, lên lần lượt 82,4 USD và 78,3 USD một thùng.
Trên thị trường chứng khoán, chỉ số DJIA chốt phiên 25/7 tăng 0,2% lên 39.935 điểm. Trong khi đó, S&P 500 và Nasdaq Composite giảm lần lượt 0,5% và 0,9% do nhóm cổ phiếu công nghệ bị bán tháo.
Hà Thu (theo Reuters, CNBC)