Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Cuộc đời mới của những tù nhân Ukraine cầm súng chiến đấu

Volodymyr Prysiazhniuk năm ngoái đã xung đột với bố vợ trong lúc cả hai đang say. “Tôi đã uống khoảng một lít bia”, Prysiazhniuk nhớ lại.

Cuộc cãi vã ngày càng càng trở nên gay gắt. Trong một khoảnh khắc thiếu kiềm chế, Prysiazhniuk đã đấm hai phát vào đầu bố vợ, khiến ông ngã ra đất và tử vong.

Tại tòa, Prysiazhniuk thừa nhận hành vi phạm tội của mình và cho biết đã gọi xe cứu thương cho ông cụ. Anh bị tuyên phạt 8 năm tù vì tội ngộ sát.

Người đàn ông này đã chấp nhận rằng mình sẽ ngồi rất lâu sau song sắt. Nhưng vào tháng 6, Prysiazhniuk bước ra khỏi nhà tù số 67 ở thị trấn Sokyriany tại miền tây Ukraine, nơi anh bị giam, và bước lên xe buýt. Đi cùng anh còn có một số bạn tù. Họ được đưa tới một doanh trại quân đội ở đông nam đất nước.

Prysiazhniuk là một trong 3.800 tù nhân được trả tự do sớm theo chương trình tuyển quân mới của Ukraine, nhằm lấp đầy khoản trống về nhân lực trong quân đội.

Volodymyr Prysiazhniuk. Ảnh: Guardian

Volodymyr Prysiazhniuk sau khi nhập ngũ. Ảnh: Guardian

Lực lượng vũ trang Ukraine đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm tân binh, do hầu hết những người sẵn sàng cầm súng chiến đấu đều đã nhập ngũ từ trước. Trong bối cảnh đó, chính phủ nước này hồi tháng 5 đã thông qua đạo luật cho phép tù nhân được gia nhập quân đội, dù ý tưởng này từng bị bác bỏ.

Đạo luật cho phép ân xá những tù nhân đồng ý ký hợp đồng nhập ngũ và có thời hạn tù còn dưới ba năm. Những người phạm tội hiếp dâm, giết người hàng loạt hoặc phạm các tội danh liên quan đến an ninh quốc gia sẽ không được phép gia nhập lực lượng vũ trang.

Nhiều đơn vị quân đội Ukraine đang phải cạnh tranh với nhau để có thể tuyển mộ tù nhân phù hợp. Bộ Tư pháp nước này cho biết đã có khoảng 5.900 tù nhân bày tỏ quan tâm tới đạo luật mới của chính phủ, một số đã bị từ chối vì lý do sức khỏe.

Prysiazhniuk đăng ký tham gia chương trình sau khi hai đại diện của Tiểu đoàn Cơ giới Độc lập số 1 tới thăm trại giam của anh hồi cuối tháng 5. Anh khẳng định đó là quyết định đúng đắn.

“Mọi người lập tức đối xử với tôi một cách tôn trọng hơn. Cảm giác ấm áp đó thật tuyệt vời”, Prysiazhniuk nói. “Khi ở trong tù tôi chẳng là gì cả. Bây giờ tôi mới được quay lại làm con người”.

Theo số liệu của giới chức Ukraine, khoảng 31.000 binh sĩ nước này đã thiệt mạng sau khi xung đột với Nga bùng phát cuối tháng 2/2022. Nhiều người tin rằng thương vong thực tế có thể cao hơn nhiều.

Khi được hỏi có sợ sẽ phải bỏ mạng trên chiến trường không, Prysiazhniuk nói: “Không ai có thể đoán trước số mệnh cả. Bạn phải hy vọng mọi thứ sẽ ổn”.

Cách đây một tháng, nhóm 58 tù nhân đầu tiên đã có mặt tại trại huấn luyện của Tiểu đoàn Cơ giới Độc lập số 1 ở tỉnh miền nam Zaporizhzhia, cách tiền tuyến khoảng 20 km.

Ngôi nhà mới của họ là một khu trại ngoài trời, ẩn mình dưới những tấm lưới ngụy trang và các tán cây. Gần đó là những cánh đồng hoa dại, có rất nhiều loại bướm và những bông hoa hướng dương vàng.

Các tân binh được cấp đồng phục, ủng, súng trường và ngủ trên giường gỗ dưới hầm. Sáng hôm sau, họ bắt đầu ngày mới bằng việc học các kỹ năng chiến đấu cơ bản: bò qua bụi rậm theo hàng và lẩn tránh sự giám sát của kẻ địch. Cả Nga và Ukraine đều sử dụng thiết bị bay không người lái (drone) với tần suất lớn, nên binh sĩ thường phải đi bộ hàng km vào ban đêm, thời điểm drone ít khi hoạt động, để đến vị trí tiền phương.

Ngoài ra, các tân binh còn được dạy phương pháp sử dụng súng, cũng như học cách nhận biết mìn, bẫy và cách đặt chúng.

Các tân binh của Tiểu đoàn Cơ giới Độc lập số 1 Ukraine. Ảnh: Guardian

Các tân binh của Tiểu đoàn Cơ giới Độc lập số 1 Ukraine. Ảnh: Guardian

Vladyslav Vasyliev, một trong các tù nhân nhập ngũ, cho biết cuộc đời anh đã thay đổi hoàn toàn sau khi gia nhập quân đội.

“Tôi cảm thấy tự hào về bản thân và tự tin hơn trước nhiều. Nếu tôi không thể sống sót, ít nhất lũ trẻ cũng có thể cảm thấy tự hào về tôi. Tôi muốn bảo vệ chúng và đất nước này”, Vasyliev khẳng định.

Anh cho biết bản thân bị tuyên 5 năm tù vì tội trộm cắp và đã thụ án được ba năm trước khi gia nhập tiểu đoàn. “Khi đó tôi còn trẻ và rất ngu ngốc”, Vasyliev nhớ lại.

Người này cho rằng mình và các bạn tù khác có tinh thần chiến đấu cao hơn so với những công dân bình thường không sẵn sàng cầm súng bảo vệ đất nước.

Theo đạo luật tuyển tù nhân vào quân đội của Ukraine, họ sẽ được xóa án tích sau một năm gia nhập lực lượng vũ trang, nhưng sau đó vẫn phải tiếp tục chiến đấu. Họ cũng không được hưởng chế độ nghỉ phép hai lần mỗi năm, mỗi lần 15 ngày, như các quân nhân bình thường.

Bù lại, Tiểu đoàn Cơ giới Độc lập số 1 tuyên bố sẽ cho phép vợ hoặc người yêu của các cựu tù nhân có biểu hiện tốt đến thăm họ. Nếu đào ngũ, họ sẽ phải nhận thêm 5-10 năm tù ngoài bản án ban đầu.

Vasyliev cho biết vợ anh, Natalia, yêu cả “cái xấu và cái tốt” của anh, thêm rằng người em gái vốn xa cách cũng đã nối lại liên lạc.

Tuy nhiên, không phải người thân của cựu tù nhân nào cũng tán thành ý tưởng gia nhập quân đội của họ. Prysiazhniuk nói vợ anh, Boghdana, đã ngừng nói chuyện với anh từ tuần trước.

“Cô ấy rất bực và cho rằng tôi sẽ không thể trở về. Chúng tôi có hai bé gái, một đứa ba tuổi và một đứa một tuổi”, anh cho biết.

Khác với Ukraine, Nga đã áp dụng chính sách cho phép tù nhân gia nhập quân đội từ năm 2022 và tới nay đã tuyển được khoảng 100.000 người. Rất nhiều trong số đó đã gia nhập tập đoàn quân sự tư nhân Wagner.

Một lượng lớn cựu tù nhân Nga được cho là đã thiệt mạng trên chiến trường. Ước tính trung bình mỗi ngày có hàng chục người chết trong chiến dịch kéo dài gần một năm của Nga tại “cối xay thịt” Bakhmut ở tỉnh miền đông Donetsk, nơi lực lượng Wagner đóng vai trò nòng cốt.

Oleksii Dukh, phát ngôn viên Tiểu đoàn số 1, khẳng định quân đội Ukraine không dùng các cựu tù nhân để áp dụng chiến thuật tấn công kiểu “biển người”. Dukh nhận xét tốt về các tân binh, thêm rằng tinh thần chiến đấu của họ giúp mọi người nhớ lại tâm trạng hứng khởi, lạc quan vào mùa xuân năm 2022, khi hàng nghìn thanh niên yêu nước xếp hàng dài bên ngoài các trung tâm tuyển quân để tình nguyện nhập ngũ.

Denis Kravchenko, huấn luyện viên của tiểu đoàn, cho rằng quân đội Ukraine cần làm tốt hơn công tác truyền thông, cũng như phải đưa ra mức lương cao hơn để có thể giải quyết vấn đề thiếu hụt tân binh.

Denis Kravchenko huấn luyện các tân binh của Tiểu đoàn. Ảnh: Guardian

Denis Kravchenko huấn luyện các tân binh của tiểu đoàn. Ảnh: Guardian

Các cựu tù nhân hiện hưởng mức lương cơ bản của quân đội là 500 USD/tháng, cộng thêm 2.500 USD nếu họ trực tiếp chiến đấu trên tiền tuyến.

Kravchenko nhận định một số người sẽ cần phải rèn luyện thể chất để có thể đáp ứng yêu cầu tác chiến. Vào mùa hè này, họ sẽ được điều đến gia nhập các đơn vị xung kích, lực lượng có nhiệm vụ dẫn dầu những cuộc tấn công vào cứ điểm của Nga. Do đó, thương vong là không thể tránh khỏi.

“Tiểu đoàn của chúng tôi đã mất 20 người trong hai tháng qua. Tính trên toàn bộ tiền tuyến thì khoảng 50 người một ngày”, Kravchenko nói. “Chúng tôi đã quen rồi. Chết vài người có thể là thảm kịch, song chết một nghìn người thì chỉ còn là con số thống kê”.

Dù vậy, không cựu tù nhân nào cảm thấy hối hận về quyết định gia nhập quân đội.

“Mọi người đều hiểu rằng bản thân đang ở trong tình cảnh sống nay chết mai. Tôi biết mình chỉ là con cá nhỏ giữa đại dương rộng lớn, nên nếu mọi người đều góp sức bảo vệ đất nước, mọi thứ sẽ dễ dàng hơn nhiều”, Vasyliev nói.

Phạm Giang (Theo Guardian)



Leave a Comment

0.0/5