Một trong các lý do chính khiến ngày càng ít thành phố trên thế giới tham gia đấu thầu đăng cai Olympic là gánh nặng chi phí. Các kỳ thế vận hội gần đây đầu tiêu tốn hơn hàng chục tỷ USD và hầu như không có lời.
Ví dụ, nghiên cứu của Đại học Oxford chỉ ra Olympic London đòi hỏi đầu tư 16,8 tỷ USD hay Tokyo 2020 cũng hơn 13,7 tỷ USD. Trong khi đó, Olympic Rio ngốn 23,6 tỷ USD, vượt chi hơn 350%.
Theo ước tính gần nhất, ngân sách cho cơ sở vật chất và hoạt động của Olympic và Paralympic Paris năm nay là 8,9 tỷ euro, tương đương khoảng 9,7 tỷ USD. “Kế hoạch ngay từ đầu là tiết kiệm tiền và không đầu tư vào những thứ không hữu ích”, Étienne Thobois, Tổng giám đốc điều hành Ủy ban tổ chức Olympic Paris 2024 nói trên Washington Post. Theo ông, thế vận hội thích ứng với thành phố, chứ không phải ngược lại.
Từ khi nhận quyền đăng cai, Pháp đã hướng đến một thế vận hội giảm 50% lượng phát thải carbon so với mức trung bình của London 2012 và Rio 2016. Điều này có nghĩa Olympic Paris 2024 là thế vận hội đầu tiên phù hợp với Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, cũng như “Chương trình nghị sự 2020” của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) về cách tiếp cận tiết kiệm và xanh hơn. Nhờ định hướng hợp xu hướng xanh này, Pháp kỳ vọng có kỳ thế vận hội bền vững, bớt tốn kém.
Biện pháp giảm chi phí đầu tư hàng đầu là tận dụng cơ sở vận chất có sẵn. 95% địa điểm thi đấu là có sẵn hoặc tạm thời. Ví dụ, sân vận động Stade de France, ban đầu được xây dựng cho World Cup 1998, là nơi tổ chức hầu hết các sự kiện. Khu liên hợp quần vợt Roland Garros sẵn sàng phục vụ.
Hay như các vận động viên triathlon (3 môn phối hợp bơi – đạp – chạy) thi đấu trên sông Seine, môn bóng chuyền bãi biển diễn ra bên cạnh Tháp Eiffel, đấu kiếm tại Grand Palais và thi cưỡi ngựa trong khu vườn của cung điện Versailles.
Vì vậy, các dự án chính cần tốn tiền xây mới gồm làng Olympic (1,6 tỷ USD), trung tâm thể thao dưới nước (190 triệu USD), khu thể dục dụng cụ và cầu lông (150 triệu USD).
Các hạ tầng này cũng được tận dụng lại sau khi kết thúc thế vận hội để đạt hiệu quả. Cụ thể, làng Olympic sẽ được chuyển đổi thành một khu dân cư – thương mại, cung cấp căn hộ cho 6.000 người. Một phần tư số căn dùng làm nhà ở xã hội, phục vụ cho 40% cư dân hiện tại ở vùng Saint-Denis mà nó tọa lạc. Một phần ba khác sẽ dành cho thuê làm nhà ở giá rẻ của sinh viên và người lao động thu nhập thấp, do các cơ quan trực thuộc chính phủ quản lý.
Một số trang thiết bị nội thất của các công trình hạ tầng là vật liệu tái chế để đảm bảo tính bền vững và tiết kiệm. Ví dụ, tại làng Olympic, các vận động viên sẽ ngủ trên nệm làm từ lưới đánh cá tái chế và giường làm từ bìa cứng. Thay vì lắp điều hòa, ban tổ chức sử dụng hệ thống địa nhiệt dẫn nước mát dưới sàn nhà để giúp vận động viên tránh nóng.
Năng lượng tái tạo cũng được tận dụng để phục vụ. Trung tâm thể thao dưới nước xây mới ở Saint-Denis và làng Olympic dùng điện mặt trời. Ngoài sử dụng 100% năng lượng tái tạo trong suốt thế vận hội, Paris còn giảm thiểu dùng máy phát điện diesel. Một số ít máy phát điện được sử dụng sẽ chạy bằng nhiên liệu sinh học, hydro hoặc pin.
Theo ban tổ chức, từng địa điểm diễn ra sự kiện đều có bản đồ chi tiết các nguồn lực cần thiết, nhằm giảm thiểu và kiểm soát vòng đời của chúng trước, trong và sau thế vận hội. Từ chỗ ngồi của khán giả đến lều, giường, ghế, bàn và thậm chí bóng tennis đều được lên kế hoạch tỉ mỉ. Cách tiếp cận này đã giúp ban tổ chức giảm số lượng đồ nội thất cần thiết cho thế vận hội từ 800.000 mặt hàng ước tính ban đầu xuống còn 600.000.
Trong số 2 triệu thiết bị thể thao, ba phần tư được các liên đoàn thể thao thuê hoặc cung cấp. Hơn ba phần tư thiết bị điện tử như màn hình, máy tính và máy in cũng được thuê. Tất cả gian hàng, lều và nhà gỗ cũng là đi thuê. Với chiến lược này, ban tổ chức ước tính 90% trong số 6 triệu tài sản thiết bị sẽ được các đối tác lấy lại và tái sử dụng. “Paris đang đi đúng hướng”, chuyên gia Alexander Budzier của Đại học Oxford nhận xét.
Tuy nhiên, có những chi phí tăng lên mà Pháp vẫn phải dốc túi triển khai. Chi phí an ninh và nhân sự có thể cao hơn vào thời điểm toàn cầu đặc biệt căng thẳng. Pháp triển khai 45.000 cảnh sát và binh lính, cùng 50.000 nhà thầu tư nhân để bảo vệ thế vận hội tại khu vực Paris. Để tránh các cuộc đình công của công nhân viên chức, chính phủ đồng ý đưa ra tiền thưởng và các ưu đãi khác.
Ngoài ra, kinh phí làm sạch sông Seine để nơi đây đủ điều kiện thi đấu môn bơi khoảng 1,5 tỷ USD và 3,8 tỷ USD mở rộng tuyến tàu điện ngầm số 14. Số chi phí này không nằm trong ngân sách của thế vận hội. Các quan chức cho biết đó là những dự án mà họ lên kế hoạch và được đưa vào khoản ngân sách khác.
Đến nay, Pháp đã chỉ khoảng 3,26 tỷ USD cho Olympic Paris, tương đương 0,1% GDP nước này. Trong khi đó, IOC – đơn vị nhận tiền từ các hợp đồng tài trợ lớn và quyền phát sóng – đang đóng góp 1,31 tỷ USD. Paris cũng kiếm doanh thu từ bán vé, cấp phép và tài trợ trong nước. Chính quyền có thể yêu cầu khoản thuế ngắn hạn đột xuất trong sự kiện từ khách sạn và các khoản chi tiêu du lịch khác.
Ông Étienne Thobois tự tin ban tổ chức Olympic Paris 2024 “chi tiêu không vượt trên số tiền có thể kiếm được” và hy vọng chiến lược của họ sẽ thiết lập một tiêu chuẩn mới cho mô hình tổ chức thế vận hội trong tương lai.
Phiên An (theo IOC, WP, WEF)