Năm nay khi cậu bé tròn 17 tuổi, vợ chồng chị Trần Thị Hằng ở xã Lộc An, huyện Bảo Lâm đã chứng minh bác sĩ nói sai khi Trần Như Gia Huy giành giải Nhì cuộc thi Vô địch Tin học văn phòng thế giới và học sinh giỏi tiêu biểu của trường THPT Lộc An.
“Tự kỷ không phải chấm hết. Gia đình tôi đã đồng hành cùng Huy với tâm thế của những chiến binh, không để nước mắt hay sự rên rỉ làm mình gục ngã”, chị Hằng nói.
Từ khi con trai còn nhỏ, chị Hằng – một giáo viên tiếng Anh – đã nhận ra nhiều điểm khác biệt giữa Huy với những đứa trẻ bình thường.
Gia Huy thường thích ở một mình hoặc nhìn chằm chằm, xoay quả bóng đồ chơi suốt nhiều giờ. Mỗi khi không vừa ý cậu lại bật mạnh ra sau đập đầu xuống nền nhà ăn vạ. Lớn hơn ra ngoài đường, nếu khát Huy sẽ lao vào giật chai nước của người lạ.
Chị Hằng cùng chồng đưa con xuống khám ở TP HCM. Sau một hồi quan sát cậu bé 27 tháng, bác sĩ kết luận “Có nét tự kỷ về nhà theo dõi”. Người mẹ được phát thêm một chiếc đĩa VCD nói về hội chứng tự kỷ nhưng chỉ nêu dấu hiệu mà không có hướng dẫn nên làm gì tiếp.
Xem một lần duy nhất, chị Hằng bẻ đôi đĩa vì thấy tương lai tăm tối. Không tin kết luận của bệnh viện, hai vợ chồng gom tiền đưa con sang Singapore chụp não với hy vọng thằng bé mắc loại bệnh có thể chữa trị. Kết quả không như ý muốn, gia đình đành chấp nhận sự thật: Gia Huy thuộc nhóm trẻ cần hỗ trợ.
Sau nhiều tháng nghiên cứu tài liệu trong và ngoài nước cũng như học hỏi từ chuyên gia, vợ chồng chị Hằng quyết định sẽ đồng hành cùng con bởi suy nghĩ “Bố mẹ phải thấu hiểu trẻ nhất, không thể đẩy việc này cho người khác”. Từ chối đưa Huy đến trung tâm tự kỷ, cả hai thay nhau can thiệp cho con toàn thời gian và thống nhất người thực hiện chính phải giỏi chịu đựng và dẻo dai hơn. Người mẹ ban đầu nhận trách nhiệm này về mình.
Mong con hòa nhập với các bạn bình thường, Huy được mẹ đưa tới trường mẫu giáo. Ngay buổi đầu, cậu phá tung đồ đạc trong lớp rồi lao thẳng ra đường như tên bắn. Trường thứ nhất, thứ hai rồi thứ ba, từ công lập sang tư thục giáo viên đều lắc đầu trả về.
Có lần vì không kịp ngăn cản, Huy lao ra cổng rồi xô lấn chen đẩy với đàn bò đang đi giữa đường trong sự bất lực của mẹ. Chạy được vài km, cậu dừng lại yêu cầu được cõng nhưng vì đuối sức nên chị Hằng không thể đáp ứng. Giữa đường, Huy lăn lóc ăn vạ trong khi người mẹ chỉ biết ôm con khóc nức nở.
“Khi chồng đến đón, chúng tôi nhìn nhau với ánh mắt tuyệt vọng, không ai nói với ai câu nào”, chị Hằng nhớ lại. Người phụ nữ này ví, thời điểm đó hai vợ chồng như sống trong vực thẳm tối đen, hoàn toàn không có lối thoát.
Biết vợ không đủ sức khỏe để theo sát con mỗi ngày, anh Trần Như Huấn quyết định nghỉ việc.
Để bước vào thế giới của con, người cha dành nhiều thời gian quan sát từng cử chỉ, sở thích cũng như những việc Huy ghét làm. Phát hiện mỗi khi được ngồi lên xe máy hoặc ôtô, con trai rất phấn khích và biết nghe lời nên ban đầu anh dạy Huy cách phân biệt bên trái, bên phải hay thực hiện những hành động đơn giản như “Giơ tay lên”, “Đưa chân lên” hoàn toàn trên yên xe.
Một lần đến nhà người thân thấy chiếc bảng trắng trong phòng khách, anh Huấn viết số 1-10 rồi yêu cầu Huy đọc theo. Không ngờ cậu bé 4 tuổi đọc vanh vách theo chỉ dẫn. Đây là lần đầu Huy cất tiếng nói mà có ý thức. Ngoài con số, người cha còn phát hiện con trai cũng yêu thích bảng chữ cái.
Hiểu được sở thích của con, anh Huấn dạy thêm về màu sắc khi đưa cho Huy chữ cái hoặc con số với nhiều màu khác nhau. Cũng từ phương pháp này, người cha tiếp tục dạy con mệnh lệnh đơn như “Đưa chữ A cho ba” rồi đến mệnh lệnh kép “Đặt số 7 lên hộp bút rồi đưa tới cho ba”. Dần dà, Huy hiểu và làm theo yêu cầu.
Dù vậy, có những thời điểm cậu bé không kiểm soát được hành vi. Biết trước con thường đập đầu xuống sàn nhà nếu không vừa ý, anh Huấn nhanh tay túm lại rồi ôm chặt vào lòng, siết chặt để Huy cảm thấy khó chịu. Khi con nguôi cơn giận mới thả lòng dần. Đây là cách mà người cha dần thiết lập kỷ luật cho con, nhắc nhở những việc không nên làm.
“Dạy một lần chưa được, dạy 1.000 lần sẽ phải được”, anh Huấn kể về cách đồng hành cùng con. Người đàn ông này cho rằng với những đứa trẻ như Huy ngoài sự kiên nhẫn và bao dung sẽ không có bất kỳ phép màu nào. “Đừng tự dồn ép mình và trẻ khiến ai cũng căng thẳng. Điều quan trọng là biết chấp nhận con mình không bình thường”, anh nói.
Với sự đồng hành của bố mẹ, 6 tuổi Huy vào tiểu học. Để con đến trường an toàn, người mẹ bố trí một buổi đi làm, một buổi theo Huy tới lớp, phòng xảy ra sự cố sẽ can thiệp kịp thời.
Những ngày đầu đến lớp, cậu bé không phân biệt được dòng kẻ, một trang giấy cũng chỉ viết một chữ. Cô giáo sợ nếu cứ như vậy Huy có thể bị đúp. Lúc này, hai vợ chồng lại thay nhau rèn luyện cùng con mỗi tối. Sau vài tháng, cậu bé đã viết đúng dòng kẻ, dù chữ vẫn to và nguệch ngoạc.
Kết thúc lớp 1, tại lễ tổng kết, Gia Huy đạt học sinh xuất sắc. Được gọi lên sân khấu nhận quà, lần đầu cậu bé biết bộc lộ cảm xúc vui sướng khi đứng bật lên rồi cười.
“Lúc đó bất ngờ đến nỗi hai vợ chồng chỉ biết nhìn nhau khóc”, chị Hằng kể lại. Trong những năm tiếp theo, từ sự hỗ trợ của bố mẹ, cậu bé này liên tục đạt học sinh giỏi. Năm lớp 3, Huy còn đạt giải nhất tỉnh Lâm Đồng và giải Ba quốc gia cuộc thi giải toán qua mạng Internet (ViOlympic).
Từ khi biết đọc, Gia Huy đã thích sách Tin học, thường mua về tự mày mò trên máy tính. Cậu đam mê Tin học đến nỗi cứ đứng trên lớp là lại luyên thuyên nói về lập trình hay các hệ điều hành. Lên cấp hai, Huy rất tích cực chỉnh sửa các sản phẩm Power Point, video của nhóm học tập, làm poster cho lớp để tham gia các cuộc thi khác nhau.
Năm lớp 10, vì hiểu nhầm với một người bạn mà Huy bị khủng hoảng tinh thần. Đúng thời điểm này, trường thông báo có cuộc thi về Power Point chương trình Tin học văn phòng quốc tế, chị Hằng động viên con trai tham gia bởi hiểu mỗi khi ngồi trước máy tính, Huy sẽ quên hết những thứ xung quanh. Dù chỉ đạt 875/1.000 điểm, nhưng là động lực để cậu tham gia cuộc thi Word lần sau và đạt điểm tuyệt đối. Nhờ thành tích này, Huy được chọn vào đội tuyển của trường.
Năm 2024, vượt qua hơn 2.000 thí sinh trên cả nước, Gia Huy đã giành giải Nhì cuộc thi Vô địch tin học văn phòng thế giới, được cùng mẹ ra Hà Nội nhận giải.
Nhắc tới Huy, cô Trần Thị Thu Hương, giáo viên chủ nhiệm lớp 11A4 luôn nhớ tới tinh thần tự học và tình yêu công nghệ của chàng trai trẻ.
“Huy chưa từng đi học thêm nhưng thành tích học tập rất đáng nể. Học sinh này còn luôn chủ động trong mọi kế hoạch của bản thân, nhiệt tình tham gia công tác trường lớp”, vị giáo viên chia sẻ.
Ở tuổi 17, Gia Huy đang tập dần cách trở thành người lớn. Không còn nhiều hành động tự làm tổn thương mình, không cáu giận mỗi khi không vừa ý, cậu đã chững chạc, yêu thương và cởi mở với mọi người. Mỗi khi gặp phải ánh mắt thiếu cảm thông hoặc câu hỏi ác ý về mình, Huy đều dõng dạc: “Tự kỷ không phải là bệnh, đừng kỳ thị những người như con”.
Còn với chị Hằng và anh Huấn, họ vẫn đang tiếp tục đồng hành cùng con trên hành trình tự đặt tên “Đi về phía mặt trời, bỏ lại bóng tối sau lưng”. Ước mơ của hai vợ chồng là thấy Gia Huy trưởng thành, sống hạnh phúc, thiện lương và có thể tự nuôi sống bản thân.
“Tự kỷ không gì phải sợ, chúng ta sẽ chiến thắng nếu đủ tình yêu và sự cố gắng”, người mẹ khẳng định.
Hải Hiền