Một số khảo sát khác cho thấy tình hình trầm trọng hơn. Rất nhiều trẻ phải đến trường với chiếc balô hơn 10 kg.
Gần 30% trẻ em được khảo sát cảm thấy đau nhức cơ thể. Một số địa phương đã kêu gọi các biện pháp giảm tải để thay thế phương pháp “okiben” nghĩa là để sách vở ở trường vì nhiều em cuối cùng vẫn phải mang sách về nhà.
Số trẻ “luôn luôn” hoặc “thường xuyên” cảm thấy ba lô nặng tăng từ 50% năm 2021 lên 60% năm 2022. Những trẻ phải mang theo túi hoặc hành lý khác cũng chiếm 60% và 27% cảm thấy đau ở vai, hông, lưng hoặc các bộ phận cơ thể khác.
Theo Takeshi Shirado, giáo sư tại Đại học Taisho, người giám sát cuộc khảo sát, trọng lượng của một chiếc cặp sách dành cho học sinh nên trong khoảng 2 đến 3 kg, nhưng tình hình thực tế vượt xa con số này.
Shirado cho rằng nguyên nhân là sự gia tăng số lượng trang và kích thước của sách giáo khoa. Thêm vào đó là việc sử dụng các thiết bị kỹ thuật số trong học tập khi giáo dục lập trình trở thành điều bắt buộc ở các trường tiểu học từ năm 2022.
Nhu cầu đáp ứng việc học trực tuyến do đại dịch đã đẩy nhanh việc triển khai các thiết bị kỹ thuật số cho trẻ. Nhiều học sinh cũng mang theo chai nước, và số lượng vật dụng mang đến trường và về nhà tăng lên đáng kể.
Một học sinh lớp 5 ở Tokyo cho biết đã sử dụng một thiết bị kỹ thuật số nặng khoảng một kg từ khi học lớp 3 nhưng vì nó không vừa với ba lô đi học nên em cũng mang theo một chiếc túi nhỏ hơn. Vào những ngày đến trường luyện thi, em thậm chí còn mang thêm một chiếc túi nữa.
Cô bé chỉ nặng 40 kg nhưng phải mang theo hành lý tổng cộng 9 kg. Vào những ngày luyện thi sẽ vượt quá 10 kg.
Trước tình hình này, Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ đã kêu gọi các trường linh hoạt hơn bằng cách cho phép học sinh để lại đồ dùng học tập không sử dụng trong quá trình học ở nhà, nhưng điều này không đủ hiệu quả.
Kể từ tháng 2, Hội đồng Giáo dục thành phố Kobe đã ủng hộ phương pháp mới, “karu-sta” (kết hợp giữa hai từ “nhẹ nhàng” và “học tập”). Sáng kiến này không tập trung vào “những gì nên để lại ở trường” mà tập trung vào “những gì tối thiểu cần mang về nhà” nhằm nỗ lực giảm tải đồ đạc và làm cho việc học ở nhà trở thành một phương pháp tích cực hơn.
Ví dụ, vào những ngày học sinh mang máy tính xách tay về nhà, các em tập trung vào việc học ở nhà bằng máy tính và để sách vở ở trường. Tuy nhiên, nhiều trường không có đủ chỗ chứa.
Theo Shirado, nếu không có biện pháp nào, hành lý của học sinh có thể sẽ ngày càng nặng hơn. Ông cũng gợi ý rằng người giám hộ và giáo viên cần chú ý đến đồ đạc của học sinh và tạo thói quen để đồ dùng học tập không cần thiết ở nhà hoặc ở trường.
Đức Anh (Theo Maichini)