Người phụ nữ 40 tuổi ở TP HCM biết mình đang bị con bắt nạt nhưng không có cách giải quyết. Từ đầu học kỳ 2 lớp 9, vợ chồng chị được giáo viên chủ nhiệm thông báo con học hành sa sút.
Trước giờ cậu bé Tuấn đều trong nhóm học sinh xuất sắc nhất lớp nên tin này khiến vợ chồng chị Thúy Hạnh rất sốc. Họ mắng, thậm chí đánh con nhưng không cải thiện. Ngược lại, Đức Tuấn không giao tiếp, bỏ ăn. Càng bị mắng, cậu càng hung hăng, thậm chí đánh trả và trốn học.
Cặp vợ chồng chuyển sang nhượng bộ con. Chị Hạnh xin lỗi và đáp ứng mọi nhu cầu của con để mong Tuấn lo học. “Nhưng cảm giác con đang quay lại trừng phạt bố mẹ”, chị nói. Tuấn yêu cầu mẹ phải nấu những món cậu thích mới ăn, đòi mua những bộ đồ đắt tiền, cắt tóc ở salon có thương hiệu nếu không sẽ bỏ học.
Gia đình có thu nhập khá hạn chế nên chị Thúy Hạnh lo nếu con tiếp tục đòi hỏi sẽ không đủ sức đáp ứng. Chị cố chiều theo ý con chỉ mong Tuấn tốt nghiệp được cấp 2. Giải pháp duy nhất chị có là lên một nhóm kín trên mạng xã hội xin lời khuyên.
Ở Cầu Giấy, Hà Nội, chị Hoàng Hà (34 tuổi) cũng đang rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan khi nuôi dạy con gái Hà An, 16 tuổi. Đầu năm nay, chị Hà phát hiện bị ung thư nên vừa điều trị, vừa dồn tiền cho con đi học trường quốc tế ở trung tâm thành phố. Người mẹ hy vọng con sẽ có môi trường học tập tốt hơn, quen được nhiều bạn có gia thế, mối quan hệ xã hội sẽ tốt hơn nếu chẳng may mẹ qua đời.
Nhưng cô con gái trở nên ham chơi, thích trưng diện, từ học sinh giỏi trở thành yếu kém. Đặc biệt, con còn hút và buôn bán thuốc lá điện tử. Chồng chị từng bắt gặp con đi khách sạn cùng bạn trai. Sự thay đổi của con như con dao đâm vào tim chị Hà.
“Mình vừa chịu bệnh tật, vừa chạy vạy lo cho con, nhưng hành động của con như kẻ phản bội”, chị nói. Trong phút không kiểm soát, chị dùng những lời lẽ xúc phạm Hà An. Cô bé tuyệt giao với mẹ, khóc, đập đầu vào tường thậm chí còn dọa “làm điều kinh khủng hơn”.
Nghĩ mình chẳng sống được bao lâu, chị Hà quyết định sửa sai bằng cách dùng tiền dành chữa bệnh cùng con đi ăn những món ngon, đi du lịch, chiều chuộng những sở thích đắt đỏ của Hà An. Sự phục tùng đó biến thành thói quen, khiến cô bé lớp 10 luôn đòi hỏi. Chị nhận ra con đang quá đà nên giải thích về thực tế gia đình, nhưng cô bé lại tiếp tục khóc lóc, nói muốn bỏ học đi làm. Không nỡ nhìn con tổn thương, chị lại đáp ứng trong mệt mỏi và hoang mang.
”Tôi biết mình đang ở thế bị thao túng nhưng không biết làm gì để giành lại quyền kiểm soát”, chị thừa nhận.
Chuyên gia tâm lý Hồng Hương (Hội bảo vệ quyền lợi trẻ em) cho biết, tình trạng trẻ bắt nạt, thao túng tâm lý bố mẹ phổ biến ở trẻ cuối cấp một và cấp hai, sau đó giảm dần khi bước qua độ tuổi dậy thì.
Khảo sát của VnExpress với hơn 200 độc giả, 72% cho biết thường xuyên bị con bắt nạt, thao túng tâm lý. Gần một nửa trong số đó thừa nhận, trong một số tình huống, họ giống bố mẹ Hà An và Đức Tuấn, buộc phải chiều theo ý con.
Bà Hồng Hương cho rằng những đứa trẻ thao túng cha mẹ thực chất là đứa trẻ không được thấu hiểu, thiếu tình thương hoặc muốn thể hiện tình thương nhưng sai cách. “Mọi cái sai của trẻ đều bắt nguồn từ người lớn. Quá cứng nhắc hay luôn thỏa hiệp đều là làm hại con”, bà nói.
Theo thạc sĩ tâm lý Lã Linh Nga, giám đốc trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học Tâm lý- Giáo dục (Hà Nội), có ba nguyên nhân khiến phụ huynh trở thành đối tượng bị con mình bắt nạt.
Thứ nhất, do tính cách của đứa trẻ hung hăng, thích lấn lướt người khác hoặc gặp vấn đề tâm lý như rối loạn hành vi. Thứ hai là do giáo dục gia đình, cha mẹ quá nuông chiều, đáp ứng mọi ý muốn của con dù không phù hợp với hoàn cảnh gia đình. Yếu tố thứ ba là môi trường xã hội. Trẻ bắt chước những bạn xung quanh có hành vi tiêu cực, thách thức cha mẹ hoặc học theo các clip trên mạng.
Bà Linh Nga cảnh báo, nếu tiếp tục duy trì hành động bắt nạt bố mẹ, trẻ sẽ dần trở nên ích kỷ, nổi loạn, thậm chí trở thành tội phạm gây hệ lụy cho xã hội. “Khi bị tấn công, nhất là từ chính con mình, cha mẹ sẽ rất bức xúc, vô thức tấn công lại, không thể giáo dục con đúng phương pháp, tạo thành một vòng luẩn quẩn”, bà Nga cho hay.
Hà An, con gái chị Hoàng Hà tâm sự với chuyên gia, khi được mẹ chuyển từ trường công sang trường quốc tế, cô bé bỗng thấy mình như ”cóc ghẻ”. Xung quanh em toàn những bạn nhà giàu, nói tiếng Anh như gió, cha mẹ làm lớn, trong khi cô bé gia thế bình thường, mẹ lại mắc ung thư. ”Cháu lạc lõng nên muốn trưng diện cho sành điệu, buôn bán thể hiện mình có tố chất doanh nhân, để không khác biệt”, Hà An nói.
Bà Hồng Hương đưa ra giải pháp 5 bước để trẻ thôi “bắt nạt” cha mẹ.
Đầu tiên, hãy thống nhất với người trong gia đình không ai nâng đỡ, che chở nếu trẻ có hành vi sai trái. Cha mẹ cũng phải vạch rõ ranh giới, dứt khoát về việc gì được làm và không được làm với con. Quan sát kỹ tâm lý và hành động của trẻ, trong trường hợp trẻ làm hành vi không mong muốn hãy nhớ bình tĩnh theo tiêu chí “cứ để xảy ra rồi xử lý hậu quả”. Mục đích chính là để con hiểu nếu không nghe lời, điều gì sẽ phải đến.
Nếu trẻ phải gánh hậu quả vì hành động đó rồi, cha mẹ khẳng định luôn yêu thương con, không đánh mắng, bỏ mặc, chăm sóc con bình thường và cũng không nhắc chuyện cũ. Cuối cùng, cha mẹ phải quan sát hành vi của con để sửa đổi cách dẫn dắt của chính mình. Quan sát con không phải để bắt lỗi mà để kiểm chứng cách dạy con của mình đã đúng hay chưa.
“Là con người ai cũng muốn mình là người tốt và có giá trị. Cha mẹ hãy để trẻ thấy chúng là con người có giá trị, khiến người khác muốn sống cùng. Khen ngợi con khi trẻ làm được điều tốt, tôn vinh sự khác biệt có giá trị, đừng so sánh”, bà Hồng Hương nói.
Sau khi tham khảo ý kiến của phụ huynh trên mạng xã hội, chị Thúy Hạnh rơi vào ma trận lời khuyên. “Người bảo tôi cứng, người bảo nên mềm. Tôi bối rối và vẫn bị con bắt nạt”, chị nói.
Phạm Nga
* Tên nhân vật đã thay đổi.