Một tấm biển được dựng lên ở lối vào khu rừng: “Cuộc sống là món quà quý giá từ cha mẹ; hãy nghĩ về cha mẹ, anh chị em và vợ con của bạn; đừng ôm nỗi buồn một mình, trước tiên hãy chia sẻ”. Bên dưới những dòng chữ này có số điện thoại của cảnh sát địa phương và tổ chức phòng chống tự sát.
Để kịp thời giải cứu những người tự tử, chính quyền địa phương còn lắp đặt camera giám sát ở lối vào và có cảnh sát tuần tra thường xuyên.
Trong một cuộc tổng kiểm tra rừng Aokigahara năm 2005, cảnh sát đã tìm thấy 73 thi thể. Ghi nhận đỉnh điểm năm 2003, có tới hơn 34.000 người tự chấm dứt mạng sống của mình, tức trung bình mỗi ngày có 93 người. Đây là mức cao nhất kể từ khi cảnh sát nước này ghi nhận nạn tự sát vào năm 1947. Các năm gần đây con số này đã được kiểm soát, nhưng năm 2020 lại tăng mạnh với 21.000 người tìm đến cái chết, nguyên nhân được cho liên quan tới Covid-19.
Ở phía bắc của tỉnh Fukui, có một vách đá tên là Tojinbo, với những cột đá dựng đứng cao 25m so với mực nước biển. Tiếng sóng vỗ vào đá rất lớn và mọi âm thanh bị nuốt chửng. Cảnh sát nghỉ hưu Yukio Shige thường tuần tra ở đây. Bất cứ khi nào nghi ngờ ai đó sắp tự tử, anh sẽ tiếp cận và cố gắng thay đổi suy nghĩ của họ. Đến nay, Yukio Shige đã giải cứu hàng trăm người, trong đó nam nhiều hơn nữ và lý do thường liên quan đến công việc.
Yukiko Nishihara, người điều hành đường dây nóng ngăn chặn tự tử trong hơn 20 năm, cho biết ngày càng có nhiều người trẻ tìm tới cái chết. “Ngay cả khi tốt nghiệp trường đại học tốt nhất, cũng không đồng nghĩa kiếm được việc làm tốt. Không có việc làm như ý, nhiều thanh niên chọn cách rút lui khỏi xã hội, họ được gọi là hikikomori”, Yukiko nói. Hiện nước này có 1,5 triệu hikikomori.
Nhật Bản từng được biết đến là “quốc gia việc làm trọn đời”, song nền kinh tế trì trệ kéo dài khiến hệ thống việc làm không bền vững. Để tồn tại và lợi nhuận, các doanh nghiệp đã chuyển từ tăng lương truyền thống theo thâm niên sang đánh giá hiệu quả công việc, cắt giảm các vị trí toàn thời gian, tăng các vị trí tạm thời.
Takayuki Umeshita, 41 tuổi, sống trong một quán cà phê Internet ở Tokyo một thời gian dài sau khi mất việc làm thợ hàn. Các quán cà phê Internet ở Nhật Bản là những nơi trú ẩn tiện lợi, có đầy đủ vòi hoa sen và nước nóng để nấu mì ramen. Tất cả đồ đạc của anh đóng gói vào một túi nhỏ, sẵn sàng để có thể nhận bất kỳ công việc nào. Tại quán cà phê Internet trên khắp Nhật Bản tràn ngập người tìm việc như Takayuki.
Giáo sư Jeff Kingston, Đại học Temple ở Tokyo, cho biết đằng sau số lượng người thất nghiệp khổng lồ là ngày càng nhiều người lao động nghèo và nhiều người lo lắng mất việc làm. Đây là một trong những nguyên nhân khiến số vụ tự tử gia tăng. Một chuyên gia y tế khác phân tích gần một phần ba số vụ tự tử có thể là do khó khăn tài chính, lo sợ vết nhơ thất nghiệp hoặc phá sản.
Đóng góp cho xã hội thông qua việc làm toàn thời gian là một phần quan trọng trong bản sắc của một người trong văn hóa Nhật Bản. “Ý chí sống của tôi biến mất và tôi đánh mất danh tính của mình”, Taro, một người đàn ông trung niên, đã mua vé một chiều đến khu rừng Aokigahara sau khi bị sa thải khỏi một công ty sản xuất thép, trong một cuộc khủng hoảng kinh tế những năm trước, chia sẻ.
May mắn khi đang hấp hối đã được một du khách tìm thấy và báo cảnh sát. Trong một năm sau khi tự tử, Taro sống trong một nơi trú ẩn dành cho người vô gia cư của chính phủ. Thỉnh thoảng anh vẫn có ý định tiêu cực.
Người Nhật hiếm khi bộc lộ sự tức giận hay thất vọng và việc nhờ giúp đỡ bị coi là điều đáng xấu hổ. Vì vậy tư vấn tâm lý không phổ biến. Khi những cảm xúc tuyệt vọng, đau đớn lên men và phình to trong hộp kín, con người sẽ bị áp bức đến mức nổ tung.
Nhưng trong mắt nhiều người Nhật Bản, tự tử không bị coi là tội lỗi mà là một giải pháp cho vấn đề. Các samurai thời phong kiến đã tự mổ bụng như một cách chịu trách nhiệm cho sự thất bại, giữ tự tôn và xin lỗi.
Sự cô lập, bất lực trước cuộc sống khiến một số người tìm đến cái chết nhằm tìm kiếm sự công nhận. Bác sĩ tâm thần người Nhật Bản Yoshitomo Takahashi phân tích, nguyên nhân khiến nhiều người từ vùng khác đến rừng Aokigahara để tự tử là vì họ muốn “ở cùng một chỗ với những người khác và thuộc cùng một nhóm”.
Trong nỗ lực giảm tỷ lệ tự sát, Nhật Bản đã ra nhiều giải pháp. Ngay từ cuối những năm 1990, chính phủ đã nhận ra tự tử không phải là vấn đề cá nhân mà là xã hội. Đến năm 1997, chính phủ đã công bố “Đề cương đối phó với tự tử”.
Không lâu sau, Bộ Y tế và Phúc lợi Nhật Bản đã phát động “Chiến dịch Y tế Quốc gia Thế kỷ 21”, đề xuất rằng số vụ tự tử nên được giảm xuống dưới 22.000 trong vòng 10 năm tới. Một cơ quan chuyên phòng chống tự tử được ra đời. Kinh phí dành cho việc ngăn ngừa tự sát đã tăng từ 350 triệu yen lên khoảng 780 triệu yen, vào năm 2005.
Năm 2006 một bộ luật ra đời với yêu cầu “cả nước hưởng ứng” coi tự tử là một vấn đề xã hội. “Gương tự tử” được lắp đặt trên các sân ga tàu điện ngầm ở Nhật Bản. Những người có ý nghĩ xấu nằm trên đường ray có thể nhìn thấy khuôn mặt của chính họ qua tấm gương này trước khi tự sát, từ đó có thể khơi dậy khát khao sống của họ.
Các công ty bảo hiểm hủy bỏ bảo hiểm cho tự tử, bởi thực tế trước đó rất nhiều người chọn chết để người ở lại được hưởng bảo hiểm. Cảnh sát Nhật Bản đã tăng cường nỗ lực trấn áp nhiều trang web không lành mạnh liên quan đến tự tử và các nhà cung cấp Internet cũng được yêu cầu chặn các thông tin liên quan tới hai từ này.
Ngoài ra họ có nhiều tổ chức, các hội thảo, chuyên ngành để giảm tình trạng này. Năm 2008, Đại học Akita mở chuyên ngành đầu tiên về phòng chống tự sát tại Nhật Bản. Tại các trường đại học thậm chí in lên giấy vệ sinh những lời và hình ảnh động viên cùng số điện thoại để trợ giúp.
Anh Koji Tsukino, một cư dân Tokyo từng nhiều lần định tự tử khi còn trẻ đã trở thành một trong những người hoạt động sôi nổi nhằm ngăn chặn nạn này. Những năm qua anh tổ chức nhiều buổi tuyên truyền trên mạng. Tại một buổi nói chuyện ở quận Kabukicho (Tokyo) anh đưa những người từng có ý định tự tử lên sân khấu và kể câu chuyện cuộc đời của họ.
“Tôi tin rằng chia sẻ trước công chúng là một cách tốt để ngăn ngừa tự tử và cho khán giả biết cách chúng tôi đã vượt qua khó khăn nhường nào”, Koji Tsukino nói.
Bảo Nhiên (Theo Zhuanlan)