“Đây là lần đầu em cho phép mình được khóc sau tang lễ bố”, chàng trai 22 tuổi ở TP Biên Hòa, Đồng Nai, nói trong lễ tốt nghiệp đại học hôm 8/8. “Cảm giác như bố vẫn ở đây và tự hào về em”.
Lễ tốt nghiệp của Trần Vũ Bảo, thủ khoa kép (đứng đầu kỳ thi đầu vào và đầu ra) ngành Tài chính Ngân hàng trường Đại học Văn Lang TP HCM trùng lễ 49 ngày của bố anh, ông Trần Xuân Vương, người đã qua đời vì ung thư gan.
Hôm tốt nghiệp Bảo quyết định mang cả ảnh bố đến trường vì nghĩ ông đã dành cả đời nuôi con nhưng lại bỏ lỡ khoảnh khắc con tốt nghiệp. “Em muốn bố được ‘chứng kiến’ khoảnh khắc đứa con của mình ăn học thành tài”, anh nói.
Vũ Bảo sinh ra ở Cà Mau. Sau khi ông bà ngoại mất, anh cùng bố chuyển đến Đồng Nai, quê nội sinh sống. Bố anh làm tài xế xe buýt, nuôi Bảo trong khi mẹ chăm sóc chị gái ở Cà Mau, đợi chị hết lớp 12 thì gia đình đoàn tụ.
Tuổi thơ Bảo là những lần ngủ chập chờn trên xe buýt, đợi bố tan làm. Lương của ông thấp nên cuộc sống thiếu trước hụt sau. Dẫu vậy, ông Vương luôn dành phần tiền nhiều nhất cho việc học của con. Giai đoạn khó khăn nhất là năm Bảo lên 12 tuổi, bố con triền miên những ngày chia đôi hộp cơm tối ở trạm xe buýt.
Hai năm sau, gia đình sum họp về một mối ở TP Biên Hòa (Đồng Nai). Mẹ Bảo làm nội trợ nên cuộc sống không dư dả hơn là bao. Nhưng bố chưa bao giờ để anh thiếu hụt trong chuyện học. Ông quan niệm bản thân học không cao, làm việc vất vả nên luôn động viên con theo đuổi học hành để có cuộc sống tốt hơn.
“Chị em tôi đến trường bằng sự vất vả ngày đêm của bố”, Bảo kể. Ông Vương chuyển sang làm tài xế xe tải, lương 8-10 triệu mỗi tháng. Hàng ngày, ông tan làm, lúc 18h nhưng lại tiếp tục đi làm thêm nghề gia công miếng xốp, có hôm ngủ qua đêm ở xưởng.
Năm 2017, trong một lần khám sức khỏe, ông phát hiện mình mắc ung thư gan. Bác sĩ tiên lượng thời gian còn lại khoảng ba đến bốn năm.
Bảo như rơi xuống vực thẳm nhưng bố lại cố tỏ vẻ lạc quan, ăn uống, trò chuyện như bình thường để gia đình không nặng lòng. Sau hai tháng hóa trị, ông quay lại làm việc.
“Bố nói còn nước thì còn tát, cỡ nào bố cũng lo được hai đứa vào đại học”, anh nhớ lại. Nhưng Bảo biết quỹ thời gian bên bố đang cạn dần nên lao vào học để đỗ vào đại học.
Thay vì thuê trọ, Bảo chọn chạy xe 30 km mỗi ngày từ TP Biên Hòa đến Đại học Văn Lang (quận Gò Vấp, TP HCM) để có thời gian ở với bố và tiết kiệm chi phí. Sau 5 tiết học sáng, Bảo ở lại thư viện trường tự học hết giờ chiều. Suốt bốn năm đại học, Bảo luôn nhận được 50-100% học bổng, giúp nhẹ gánh tiền nong cho bố.
Ông Vương không đặt nhiều áp lực điểm số cho con, chỉ thi thoảng hỏi “con học có tốt không, con đừng để mình đói nhé”. Người đàn ông đã chứng kiến con gái tốt nghiệp đại học, kết hôn năm 2022 và sinh con.
Đầu 2024, Bảo nằm trong danh sách sinh viên được xét tốt nghiệp sớm. Cậu mừng rỡ chạy xe về nhà khoe với bố khiến ông xúc động. Ông Vương nói với vợ, cảm giác mọi cực khổ đều được đền đáp và chờ được dự tốt nghiệp con.
Nhưng giữa tháng 6, ông bị sụt cân nghiêm trọng, đau quặn bụng, tràn dịch gan. Bảo đưa bố đi cấp cứu, biết tiên lượng xấu. Lúc được chuyển về nhà, ông nắm tay con trai, tỏ ra mình ổn, cũng không trăn trối điều gì.
“Tôi biết ngày này rồi cũng đến nhưng nó đến quá nhanh”, Bảo kể. Ngày 21/6, ông trút hơi thở cuối cùng.
Hôm nhận được thông báo đến lễ tốt nghiệp, cậu ngước nhìn lên bàn thờ bố, ước ông có thể chứng kiến khoảnh khắc mình đội mũ, mặc áo cử nhân.
Bà Phạm Thị Nga, trợ lý công tác sinh viên Khoa Tài chính Ngân hàng Trường Đại học Văn Lang TP HCM, đã đến thắp nhang chia buồn với Bảo. Bà cho biết Vũ Bảo là sinh viên giỏi ở khoa, tham gia nghiên cứu khoa học và nhiều hoạt động Đoàn hội sinh viên.
Bảo đã đạt điểm trung bình tích lũy 8.82/10 (GPA 3.53/4.0) và nhận được nhiều học bổng của nhà trường. Trong suốt thời gian đó, em vẫn đi về giữa TP HCM và Đồng Nai để chăm sóc bố.
“Một em sinh viên giỏi, nghị lực và hiếu thảo”, bà Nga nhận xét.
Hôm 8/8, trước khi bước lên sân khấu, Bảo dặn mẹ để ảnh bố trên bệ kính, để ông được “thấy” anh nhận bằng tốt nghiệp. Lúc sinh thời, người đàn ông này chỉ cần con trở thành người tốt, học hết đại học nhưng Bảo đã trở thành thủ khoa đầu vào lẫn đầu ra.
“Đâu đó trên thế giới này, ba chắc sẽ hạnh phúc lắm”, anh nói.
Ngọc Ngân