Căn phòng của cụ bà 84 tuổi ở Hong Kong không có cửa sổ, được ngăn bằng những tấm ván cũ kỹ với bốn phòng khác. “Tôi đổ mồ hôi cả ngày nhưng không muốn phải vạ vật trong trung tâm thương mại nên bật quạt và xem tivi cả ngày để quên đi cái nóng”, bà Chun, nữ nhân viên gác cổng nghỉ hưu, nói.
Căn hộ bà Chun đang thuê ở khu vực Cửu Long, giá khoảng 2.000 HKD (hơn 6 triệu đồng). Đây là giải pháp nhà ở rẻ tiền rất phổ biến ở Hong Kong – một trong những nơi có thị trường nhà ở đắt đỏ nhất thế giới.
Cụ bà 84 tuổi này đã chờ suốt 6 năm với hy vọng sở hữu một căn nhà ở xã hội nhưng sẽ phải đợi thêm khá lâu bởi trong 10 năm nữa chỉ có 430.000 căn hộ được hoàn thiện trong khi nhu cầu mua lớn nhưng diện tích đất có hạn và giá bất động sản tăng gấp ba lần. Điều này khiến giải pháp nhà giá rẻ cho những lao động thu nhập thấp như bà Chun trở nên xa vời.
Điều tra dân số năm 2021 của Hong Kong cho thấy có 215.000 người sống trong những căn phòng chật chội với tên gọi “hộp giày”, chiếm gần 2% dân số.
Lam Chiu-ying, nhà hoạt động môi trường ở Hong Kong, cho biết rất khó để không khí có thể lưu thông trong các căn hộ siêu nhỏ. Do vậy, dù có bật hết quạt cũng chỉ có một luồng khí nóng tỏa khắp phòng.
Các chuyên gia cảnh báo 2024 có thể là năm nóng nhất trong lịch sử được ghi nhận. Điều này khiến những người cao tuổi sống trong căn hộ nhỏ, thông gió kém như bà Chun phải đối mặt với nhiều rủi ro.
“Điều tệ nhất là tình trạng kín hơi sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn, mầm bệnh và nấm mốc phát triển, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con người”, ông Lam Chiu-ying nói. Cũng theo chuyên gia, biến đổi khí hậu tiềm ẩn nhiều rủi ro với những người cao tuổi sống trong những căn hộ “hộp giày” ở Hong Kong.
Một nghiên cứu năm 2020 của Đại học Trung Quốc Hong Kong cho thấy những đêm nóng liên tiếp với nền nhiệt trên 28 độ C sẽ làm tăng nguy cơ tử vong lên gần 7%.
Wong Hung-hung, giám đốc điều hành Hiệp hội An toàn gia đình cho biết cư dân cao tuổi thuộc nhóm dễ bị tổn thương nhất bởi thời tiết nóng. Nhiệt kéo dài cũng có thể có tác dụng chậm đối với những người lớn tuổi mắc các bệnh mãn tính như huyết áp cao và bệnh tim.
Mỗi ngày, đường dây nóng khẩn cấp 24/7 của hiệp hội tiếp nhận hơn 1.800 cuộc gọi. Số ca liên quan đến người cao tuổi được đưa đến bệnh viện cũng tăng hơn 20% so với cùng kỳ với các triệu chứng bao gồm chóng mặt và đau nhức cơ thể.
“Nắng nóng gay gắt có thể gây kiệt sức do sốc nhiệt và say nắng. Nó cũng có thể dẫn đến chóng mặt, đau đầu, mất nước, suy giảm chức năng nhận thức hoặc khiến mọi người cảm thấy cáu kỉnh, gây mất ngủ, ảnh hưởng đến trạng thái tinh thần” giám đốc Wong nói. Cô cũng khuyên người cao tuổi nên uống nhiều nước hơn, đội mũ, tránh tiếp xúc kéo dài với thời tiết nóng ngoài trời và duy trì thông gió tốt ở nhà.
Minh Phương (Theo HKFP)