Định kiến rằng những người thức khuya khó làm tốt công việc trong ngày cần phải xem xét lại.
Nghiên cứu mới của nhóm chuyên gia thuộc Đại học Hoàng gia London khi phân tích các dữ liệu của Ngân hàng sinh học Anh với 26.000 người đã hoàn thành các bài kiểm tra trí thông minh, lý luận, thời gian phản ứng tình huống và trí nhớ.
Kết quả cho thấy những người thức khuya có thể tăng sức mạnh của não bộ và có xu hướng thông minh hơn người ngủ sớm.
Theo đó họ đã kiểm tra thời lượng, chất lượng giấc ngủ và kiểu thời gian nghỉ ngơi (nhằm xác định thời điểm trong ngày mà họ cảm thấy tỉnh táo và năng suất nhất) của những người tham gia ảnh hưởng thế nào đến hoạt động của não bộ.
Nhóm nghiên cứu phát hiện ra những người thức khuya có “chức năng nhận thức vượt trội”, trong khi những người dậy sớm lại có điểm số thấp nhất.
Các chuyên gia nhận thấy đi ngủ muộn có mối liên hệ chặt chẽ với những người sáng tạo. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng phát hiện ra thời gian ngủ cũng rất quan trọng đối với chức năng não. Những người ngủ từ 7-9 tiếng mỗi đêm có kết quả tốt nhất trong các bài kiểm tra nhận thức.
Tiến sĩ Raha West, tác giả chính và nghiên cứu viên lâm sàng tại khoa phẫu thuật và ung thư tại Imperial College London nói việc hiểu và thích nghi với thói quen ngủ tự nhiên là điều cần thiết. Nhưng quan trọng hơn là ngủ đủ giấc, không quá dài hoặc ngắn để giữ cho não của bạn khỏe mạnh và hoạt động tốt nhất.
Giáo sư Daqing Ma, đồng trưởng nhóm nghiên cứu, làm việc tại khoa phẫu thuật và ung thư Imperial, cho biết nhóm đã phát hiện rằng thời gian ngủ có tác động trực tiếp đến não và việc chủ động quản lý các kiểu ngủ thực sự quan trọng để thúc đẩy, bảo vệ cách não bộ của hoạt động.
“Lý tưởng nhất là chúng tôi muốn thấy các biện pháp can thiệp về chính sách để giúp cải thiện giấc ngủ cho toàn dân số”, giáo sư Ma nói.
Tuy nhiên một số chuyên gia cũng kêu gọi cần thận trọng khi diễn giải kết quả của nghiên cứu trên.
Jacqui Hanley, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Viện nghiên cứu về bệnh Alzheimer, cho biết nếu không có bức tranh chi tiết về những gì đang diễn ra trong não sẽ rất khó để biết kiểu “cú đêm” hay “chim sâu dậy sớm” có ảnh hưởng đến trí nhớ và suy nghĩ hay không; hoặc sự suy giảm nhận thức có gây ra những thay đổi trong thói quen ngủ hay không.
Jessica Chelekis, giảng viên cao cấp và chuyên gia về giấc ngủ tại Đại học Brunel London, cho rằng nghiên cứu trên vẫn còn những hạn chế vì không tính đến trình độ học vấn; không đề cập đến thời điểm trong ngày mà các bài kiểm tra nhận thức được thực hiện.
Chuyên gia cho rằng giá trị chính của nghiên cứu này là thách thức các khuôn mẫu và định kiến xung quanh giấc ngủ.
Minh Phương (Theo Guardian)