Ông Kim, một chủ cửa hàng kem không nhân viên ở thành phố Daejeon, cho biết mỗi tháng bắt quả tang 10 vụ trộm chưa kể những vụ không phát hiện được. Số tiền thất thoát dù vậy vẫn ít hơn so với chi phí nhân công. “Biết là sẽ bị mất cắp nhưng ngày càng nhiều người chọn mở cửa hàng không nhân viên”, ông Kim nói.
Năm 2018, Hàn Quốc có 267 hàng kem không nhân viên. Năm 2021, hơn1.400 cửa hàng như vậy đã được mở, theo số liệu từ Ủy ban thương mại. Các cửa hàng không người phục vụ đã tăng gấp 5 lần trong thời gian ba năm, thậm chí còn tăng mạnh hơn nếu gộp cả những cửa hàng tư nhân.
Nguồn tin trong ngành tiết lộ với tờ JoongAng Ilbo, dù chưa có thống kê chính thức về số lượng cửa hàng không nhân viên, quy mô tăng trưởng có thể ngang với các cửa hàng nhượng quyền. Dù vậy, vấn đề trộm cắp cũng gia tăng cùng với sự tăng trưởng của mô hình này. Theo cảnh sát Hàn Quốc, từ tháng 3/2021 đến tháng 6/2022, có hơn 6.300 vụ trộm cắp tại các cửa hàng không nhân viên xảy ra, trung bình 13 vụ mỗi ngày.
Đây là đối tượng của nhiều đạo chích tuổi teen. Báo chí thường xuyên đưa tin về các vụ thanh thiếu niên đột kích cửa hàng không người phục vụ tại Busan vào sáng sớm. Một số lấy trộm tiền, nhưng nhiều nhất là lấy cắp đồ ăn, bánh bao hay bỏ túi vài que kem, Lee, một chủ cửa hàng tại Sejong, cho biết.
Lý do ngày càng nhiều người chọn mở cửa hàng không nhân viên dù dễ bị trộm cắp là chi phí nhân công tăng cao. Năm nay, lương tối thiểu theo giờ tại Hàn Quốc là 9.620 won (gần 177.000 đồng), tăng 15% so với năm 2019.
Hai công đoàn lớn nhất là Liên đoàn công đoàn Hàn Quốc (FKTU) và Liên minh công đoàn Hàn Quốc (KCTU) đang yêu cầu tăng lương tối thiểu thêm 25% vào năm 2024. Lee, ông chủ 37 tuổi của hàng kem không nhân viên tại Seoul, chia sẻ đã nghĩ về việc thuê nhân viên bán thời gian nhưng cuối cùng đã từ bỏ vì không thể nghĩ ra cách bù chi phí nhân công.
“Trộm cắp khiến tinh thần căng thẳng nhưng ngay cả như vậy, tôi cũng không có kế hoạch tuyển dụng với chi phí nhân công hiện tại”, Lee than thở.
Đây là quan điểm chung của 4,27 triệu người vừa làm chủ vừa làm phục vụ tại Hàn Quốc vào năm 2021, con số lớn nhất kể từ năm 2008, theo số liệu của cơ quan thống kê.
Ủy ban lương tối thiểu đang bàn bạc các biện pháp để thi hành mức lương tối thiểu cho mỗi một ngành nghề, phần nào giải tỏa cho các chủ cửa hàng nhỏ. Tuy nhiên, người lao động lại phản đối đề xuất và tranh luận mức lương theo từng ngành làm hỏng mục đích chính của hệ thống tiền lương.
Lee Jung Hee, Giáo sư kinh tế học Đại học Chung-Ang, chỉ ra, số lượng tuyển dụng mới sẽ giảm nếu mức tăng lương quá cao. Số lượng các cửa hàng và ki-ốt không nhân viên tăng đột biến là một dấu hiệu của điều đó. Theo giáo sư, lương tối thiểu phải cân nhắc cả về chi phí sinh hoạt lẫn tuyển dụng.
Huy Phương (Theo Korea Joongang Daily)