Mới nhất là ngày 16/4, một thiếu niên đã phát trực tiếp cái chết của mình lên Instagram. Những nội dung tương tự từng xuất hiện tại một số quốc gia, nhưng đây là trường hợp đầu tiên ghi nhận tại Hàn Quốc. Đến ngày 5/5, hai cô gái tuổi teen ở nước này may mắn được cảnh sát kịp thời ngăn chặn khi cố gắng tự kết liễu đời mình trên live stream. Đáng chú ý, cả 3 trường hợp này đều hoạt động tích cực trên một diễn đàn trực tuyến với tên gọi “phòng trưng bày trầm cảm”.
Trong khi các quan chức và chuyên gia luôn nói về những thách thức để kiểm duyệt nội dung trên mạng xã hội những lời kêu gọi đóng cửa hay ngăn chặn các hội nhóm độc hại cũng đang gia tăng.
Park Ji-huyn, cựu đồng lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập Hàn Quốc, nói rằng các hội nhóm trên mạng xã hội cần phải đóng cửa ngay lập tức. “Hàn Quốc có tỷ lệ tự tử cao nhất trong số các quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Thanh thiếu niên bắt đầu tìm kiếm sự giải tỏa trong cộng đồng trực tuyến sau khi bị xã hội siêu cạnh tranh đẩy ra rìa. Nhưng không dễ để bảo vệ các em ở những trang web như vậy”, ông Park viết trên trang cá nhân hôm 8/5.
Theo cảnh sát, “phòng trưng bày trầm cảm” được quản lý bởi một diễn đàn ẩn danh có tên DC Inside. Mục tiêu ban đầu khi lập diễn đàn năm 2015 là giúp người tham gia vượt qua chứng trầm cảm bằng cách chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc lên mạng xã hội. Nhưng chúng dường như đã trở thành nơi để những người lạ cùng nhau lên kế hoạch tự sát, hoặc cố gắng bóc lột tình dục của những đứa trẻ vị thành niên dễ bị tổn thương.
Sau vụ tự sát của thiếu nữ hồi giữa tháng 4, cảnh sát bắt giữ bốn người dùng diễn đàn – tất cả đều ở độ tuổi 20, vì tội tấn công tình dục một số người dùng nữ tuổi teen. Những người này đã lợi dụng trạng thái tinh thần dễ bị tổn thương của các cô gái để thực hiện ý đồ xấu.
Cảnh sát cũng yêu cầu Ủy ban Tiêu chuẩn truyền thông Hàn Quốc (KCSC) chặn quyền truy cập vào diễn đàn. Nhưng đến ngày 9/5, trang web này vẫn được truy cập. Trước thông tin trên, KCSC giải thích đang hoãn quyết định đóng trang web vì cần thêm thời gian để xem xét sự cấp thiết của hành động.
Một số chuyên gia cũng chỉ ra rằng Hàn Quốc đang thiếu mạng lưới diễn đàn an toàn cho các thanh niên chia sẻ những vấn đề của bản thân.
Lee Soo-jung, giáo sư tâm lý học pháp lý tại Đại học Kyonggi, nói rằng các diễn đàn muốn hỗ trợ những người trong việc chia sẻ cảm xúc. Nhưng lại không có khả năng ngăn chặn những kẻ có ý định lạm dụng người mắc bệnh tâm thần.
“Trẻ em và thanh thiếu niên dễ trở thành nạn nhân bởi không đủ tỉnh táo nhận ra những nguy hiểm tiềm ẩn khi bản thân chỉ cảm thấy bị phản bội và tổn thương tinh thần”, Lee nói.
Tự tử ở thanh thiếu niên là một vấn đề lớn ở Hàn Quốc. Theo cơ quan Thống kê tỷ lệ tự tử của người dưới 17 tuổi vào năm 2021 là 2,7/100.000 người, cao nhất kể từ năm 2000.
Nhìn chung, quốc gia này ghi nhận tỷ lệ tự tử là 26/100.000 người trong cùng thời kỳ, cao nhất trong số các nước OECD. Bệnh tâm thần cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tự sát.
Cảnh sát cũng cho biết trong một tuần sau cái chết của nữ sinh được phát trực tiếp hôm 16/4, số lượng các cuộc gọi báo cáo liên quan đến tự tử đã tăng hơn 30% so với 16 ngày đầu tiên của tháng.
Minh Phương (Theo Koreaherald)