“Bác sĩ nói ca mổ có chỉ có 50% thành công nhưng tôi vẫn quyết tâm vì đây là cơ hội cứu vớt đời mình”, cô gái người Raglai nói về ca phẫu thuật cuối năm 2022.
Sau hơn 15 tiếng phẫu thuật, khối u nặng 3 kg trên khuôn mặt Xinh được bóc tách thành công. Tiếp đó, cô được tạo hình sọ và vá màng não, tái tạo vành tai và khuôn mặt.
Giờ cô gái 31 tuổi ở thôn Ma Dú, xã Phước Thành, huyện Bắc Ái đã có thể tự tin bước ra đường mà không phải trùm khăn kín mặt hay như bị đám trẻ con chạy theo chọc ghẹo như trước.
Khối u bắt đầu xuất hiện sau gáy Pi Năng Thị Xinh khi cô 12 tuổi. Lúc đầu nhỏ bằng hạt đậu nhưng lớn lên nhanh chóng chỉ sau vài tháng. Nhà nghèo, ba mẹ làm việc quần quật nuôi con nên cô không muốn gây phiền phức, nén chịu cơn đau một mình. Trong mắt ba mẹ khi đó, Xinh là một đứa trẻ khỏe mạnh, chăm chỉ và “cả năm không bị cảm lạnh một lần”.
Nhưng rồi những cơn đau xuất hiện thường xuyên hơn. “Nhiều lúc chỉ muốn lấy đá đập vào khối u đó”, Xinh nhớ lại. Đến khi không thể chịu đựng nổi, cô mới nói với bố đưa đến viện khám.
Để có tiền đưa con đi viện, ông Purpu Tiếng (57 tuổi) bán con bò, tài sản lớn nhất của gia đình. Bác sĩ ở bệnh viện tỉnh yêu cầu chuyển gấp đến TP HCM xét nghiệm vì nghi u ác tính. Nhà thuộc hộ nghèo, kinh tế chỉ dựa vào làm rẫy thu nhập 3-4 triệu mỗi năm, người cha ngậm ngùi đưa con về nhà, kiếm thuốc nam, chữa bệnh theo phong tục địa phương. Nhưng khi hết thuốc, hết tiền, gia đình cũng từ bỏ ý định chữa bệnh cho Xinh.
Không được chữa trị, khối u ngày một lớn. Nhiều hôm ông bố ứa nước mắt khi thấy cảnh con gái vừa gùi bắp vừa khóc chạy ngoài đường vì bị lũ trẻ đuổi theo sau trêu là “Đồ ba bị trùm đầu”.
“Nhưng lâu dần tôi mặc kệ, người ta nói mãi cũng chán, sau chẳng gọi nữa”, Xinh kể.
Lời ác ý có thể bỏ qua nhưng những cơn đau luôn bám riết. Xinh kể, có lúc đi ngoài nắng bị khối u hành như hàng ngàn con kiến châm chích cùng lúc. Hết lớp 9, gia cảnh nghèo cũng như sức khỏe dần yếu, cô đành ở nhà trông em, làm rẫy giúp bố mẹ.
Năm 2018, ông Purpu Tiếng một lần nữa bán bò đưa con gái đến TP HCM thăm khám. Bác sĩ kết luận u ác tính và trả về. Xinh lục tung sách báo tìm người có tình trạng tương tự, hy vọng ai đó đã chữa khỏi bệnh. Nhưng càng tìm càng tuyệt vọng.
“Dường như nỗi sợ hãi làm khối u lớn nhanh hơn. Nó giống như một con quái vật ăn thịt”, cô ví von. Chỉ trong vài năm, khối u xâm lấn khiến khuôn mặt bên trái dần biến dạng, gò má nhô ra kéo tai trái bị lệch theo, mất dần thính giác. Khối u to đến mức như mọc thêm một cái đầu bên cạnh, không thể nuốt nổi cơm mà phải ăn cháo. Những lúc đau đớn nhất, Xinh nằm liệt giường, đi đâu cũng nhờ bố mẹ cõng.
Thường xuyên bị cơn đau giày vò, cô gái từng nghĩ đến việc tự kết thúc cuộc đời. Cô đã tưởng tượng ra rất nhiều cái kết cho mình, nhưng hàng ngày nhìn thấy mẹ chăm sóc vết thương, ba lầm lũi làm việc để mua thuốc giảm đau, lại không đành.
Cho rằng số phận đã vậy, Xinh muốn dành thời gian cuối đời phụng dưỡng ba mẹ. Trừ những lúc quá đau đớn, cô vẫn gắng gượng lên nương làm rẫy, nhặt phân bò. Cô cũng không kêu than thêm một câu nào nữa bởi hiểu ba mẹ đã đủ phiền lòng.
Năm 2022, một YouTuber tình cờ phát hiện hoàn cảnh của Xinh đứng ra kêu gọi cộng đồng ủng hộ. Nhờ tiền của các nhà hảo tâm, cô được đến TP HCM thăm khám lại, lần này chẩn đoán u lành tính, nhưng do khối u quá to, bám vào xương sọ nên không mổ được.
Lúc tuyệt vọng nhất, cô nhận cuộc gọi từ bác sĩ Võ Thái Trung, Trưởng đơn nguyên Chấn thương chỉnh hình 2, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương nói có thể xử lý đồng thời miễn phí hoàn toàn ca mổ.
“Cuộc gọi của bác sĩ như ánh sáng lóe lên cuối đường hầm”, Xinh nói. Tháng 12/2022, hai bố con đưa nhau đến Bình Dương, thăm khám và thực hiện phẫu thuật.
Bác sĩ Thái Trung cho biết, Pi Năng Thị Xinh là bệnh nhân bị u sụn sọ thể lành tính. Vì không được chữa trị kịp thời nên xâm chiếm vào não, vùng xoang mặt, mạch máu thần kinh của toàn bộ vùng đầu mặt cổ. Khi phẫu thuật, chỉ cần sơ xuất nhỏ cũng có thể khiến bệnh nhân tử vong.
Ông Trung từng hỏi Xinh, sợ rủi ro hay không nhưng cô dứt khoát: “Cháu không muốn trì hoãn nữa”. Lần này, cô đặt cược cuộc đời mình vào ca phẫu thuật.
Nhưng ba mẹ cô không dám chấp nhận thực tế có thể không còn được gặp lại con. Bởi vậy, trước khi lên bàn mổ, Xinh nhắn tin cho bạn thân, nhờ chuyển lời tới mẹ: “Nếu mình có mệnh hệ gì, nhờ bạn nói với mẹ đừng khóc, vì đó là lựa chọn của mình, và mình cảm thấy hạnh phúc vì lựa chọn đó”.
Xinh nhớ lại, sau ca phẫu thuật, dù nửa tỉnh nửa mê nhưng vẫn cảm nhận được tiếng khóc và sự run rẩy của cha mỗi khi ôm con gái. Trước đây ông ít giao tiếp với cô nhưng giờ ngày nào cũng túc trực bên giường hỏi han không biết mệt “Con muốn ăn gì, thích gì?”. Mặc dù vẫn sốt và đầu đau như búa bổ nhưng Xinh nói rằng đó là những ngày hạnh phúc nhất cuộc đời, bởi khối u không còn và bản thân vẫn được sống tiếp.
Hiện tại, Xinh ví cuộc sống của mình “đẹp như một giấc mơ” bởi ra ngoài đường không còn phải trùm khăn kín đầu cũng như chịu ánh mắt dò xét xen lẫn sợ hãi từ mọi người. Cô cũng nhận ra rặng cây bên cửa nhà nở hoa rất đẹp – điều mà hơn 20 năm nay không bao giờ để ý tới.
Một tháng trước, cô gái Raglai viết một bức thư nêu nguyện vọng muốn quay lại bệnh viện Bình Dương xin làm việc để đền đáp công ơn. “Nay em khỏi bệnh và khỏe mạnh vào lại Bình Dương. Em xin được làm hộ lý hay bất kỳ công việc gì phù hợp để đền đáp một phần ơn giúp đỡ và tái sinh của bệnh viện”, Xinh viết trong thư.
Nhận được thông tin, bác sĩ Thái Trung rất bất ngờ. Ông đề xuất trường hợp của Xinh tới ban giám đốc và nguyện vọng của cô được đáp ứng.
“Xinh đã coi bệnh viện là nhà, chúng tôi cũng coi cô như người thân, luôn dang tay chào đón”, vị bác sĩ nói.
Hiện tại, Xinh đang tất bật với công việc của một hộ lý chuyên hỗ trợ, chăm sóc bệnh nhân nặng. Cô giúp họ rửa mặt, rửa tay, vận động, đồng thời cổ vũ vượt qua nỗi đau bệnh tật.
“Tôi mong những bệnh nhân sẽ may mắn như mình. Dù trải qua nhiều khó khăn, đau khổ ban đầu nhưng rồi cuộc đời sẽ sớm nở hoa”, Xinh nói.
Hải Hiền