Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Dân công sở học giải bài toán ‘không có gì để mặc’

Người phụ nữ ở Xuân Mai, Hà Nội có ba thói quen mua sắm. Cô thường chạy theo xu hướng, cứ thấy các hãng mình yêu thích ra đồ mới là sẽ mua. Mỗi dịp đi chơi hoặc sự kiện quan trọng không biết mặc gì, cô luôn chuẩn bị vài lựa chọn. Thích thời trang, tháng nào cô tự thưởng những bộ đồ đặt từ nước ngoài.

“Có lần tôi đã mua hết 200 triệu đồng”, Phương Anh kể.

Trong nhà cô có hai tủ quần áo nhưng nhiều lần mất đến 30 phút để tìm ra bộ ưng ý. “Và mỗi lần như vậy, tôi lại khuân về một loạt để tha hồ mặc”, cô nói.





Chuyên gia phong cách Dương Vy tư vấn cho Thanh Nhàn nên ăn mặc như thế nào để tốt khoe xấu che, tại workshop Biến hình phong cách nơi công sở ở Hà Nội hôm 15/11. Ảnh: Phan Dương

Chuyên gia phong cách Dương Vy tư vấn cho Thanh Nhàn nên ăn mặc như thế nào để “tốt khoe xấu che” tại workshop Biến hình phong cách nơi công sở ở Hà Nội hôm 15/11. Ảnh: Phan Dương

Mỗi khi buồn, Thanh Nhàn, 31 tuổi, hay đi mua sắm. Song do hay mua cùng một kiểu ôm dáng nên đồ chất đống. Có những sản phẩm nhìn rất đẹp, bộ sưu tập theo xu hướng giới hạn nên mua vì sợ hết nhưng mang về lại chưa thể phối được. Cô cũng hay mua online với số lượng nhiều, ngược lại chất lượng không tốt.

“Dạo này tôi đang tham gia một khóa học kinh doanh, trước mỗi ngày đi học, tôi lại nhắn với người bạn không biết mặc gì, rồi xin họ tư vấn”, Thanh Nhàn ở Hà Nội cho biết.

Nhiều người đang trong tình trạng giống Phương Anh và Thanh Nhàn: Sở hữu cả “núi quần áo”, nhiều món thậm chí còn nguyên nhãn mác nhưng vẫn thường trực cảm giác thiếu thốn.

Tại workshop “Biến hình phong cách nơi công sở”, ở Hà Nội hôm 15/11, chuyên gia phong cách cá nhân Dương Vy (Hà Nội), người có hơn 10 năm kinh nghiệm làm stylist chuyên nghiệp, cho biết nguyên nhân của tình trạng này nằm ở 5 sai lầm phổ biến: Mua theo cảm xúc, quá nhiều loại trang phục, kiểu dáng, chất liệu nhưng không phù hợp với phong cách sống; Tủ đồ sắp xếp lộn xộn gây khó tìm kiếm; Không đầu tư vào các món đồ cơ bản và không có gu thời trang riêng.

“Tôi cũng trải qua giai đoạn như vậy, cho đến khi học được về cách sắp xếp tủ đồ và phối kết hợp các món với nhau”, cô nói.

Thông thường chúng ta chỉ thường xuyên sử dụng 20% quần áo trong tủ. Các nhà tâm lý học tìm ra nguyên nhân phụ nữ luôn thấy “không có gì để mặc” là do khi mua sắm giúp não bộ giải phóng dopamine, một chất dẫn truyền thần kinh mang lại cảm giác hưng phấn. Đồng thời phụ nữ cũng chịu áp lực xã hội và các kỳ vọng về ngoại hình.





Chuyên gia màu sắc cá nhân Hương Giang (giữa) tư vấn khách hàng có tông da sáng, phù hợp với màu trắng, hồng hơn cam, đen tại workshop Biến hình phong cách nơi công sở ở Hà Nội hôm 15/11. Ảnh: Phan Dương

Chuyên gia màu sắc cá nhân Hương Giang (giữa) tư vấn khách hàng có nước da trắng sáng sẽ phù hợp với màu trắng, hồng hơn cam, đen tại workshop Biến hình phong cách nơi công sở ở Hà Nội hôm 15/11. Ảnh: Phan Dương

Là người chuyên tư vấn xây dựng tủ đồ cho chị em công sở, chuyên gia Dương Vy khuyên nên áp dụng quy tắc mua sắm 80/20, trong đó 80% là các món đồ cơ bản (như sơ mi, áo thun, quần xuông, áo hai dây…) Những món đồ này không quá đắt, nhưng lại dùng nhiều, dễ mặc, dễ phối. 20% còn lại mới là mua theo sở thích và xu hướng.

Tiếp đến là xác định màu chính. Việc này sẽ giúp tiết kiệm thời gian, tiền bạc, dễ phối và mặc được nhiều lần. Một người chỉ nên có trong tủ đồ tối đa 5 màu chính, trong đó cần có 3 màu cơ bản (đen, trắng, be).

Đặc biệt, chị em cần xây dựng phong cách cá nhân. Có rất nhiều phong cách ăn mặc khác nhau nhưng khi xây dựng gu cho mình chỉ nên có hai, ba phong cách chính, phù hợp với môi trường sống và làm việc.

“Ai cũng nên học cách sắp xếp lại tủ đồ và phối kết hợp các món đồ với nhau. Từ khi tôi làm được việc này, tủ đồ đã bỏ đi được 80% quần áo, giúp cuộc sống nhẹ nhõm”, Dương Vy nói.

Chuyên gia màu sắc cá nhân (personal color) Hương Giang bổ sung thêm rằng sở dĩ chị em “không có gì để mặc” do mua sai màu sắc, mặc lên khiến mình trông đen hơn, “dừ” hơn.

Tại Hàn Quốc, màu sắc cá nhân là một dịch vụ thịnh hành trong đời sống lẫn phim ảnh. Khi một diễn viên muốn trẻ hơn họ sẽ được mặc đồ, trang điểm, màu tóc hợp với mình. Ngược lại khi muốn đóng các vai già, nghèo, khổ, sẽ được sử dụng các gam màu làm nổi bật khuyết điểm.

Cụ thể, yếu tố “đẹp” là sự hài hòa màu da, tóc, mắt với màu trang phục, phụ kiện, trang điểm. Màu sắc phù hợp sẽ làm nổi bật ưu điểm (như làm gò má ửng hồng, mắt sáng và long lanh hơn) và che đi nhược điểm (như giảm bớt sự nhợt nhạt hoặc quầng thâm, vết ửng đỏ của mụn cũng dịu hơn), khiến tổng thể trông hài hòa hơn. Còn “trẻ” là các màu sắc tươi sáng, ấm áp hoặc các tông màu pastel nhẹ nhàng có thể giúp một người trông trẻ trung hơn, đồng thời giảm cảm giác “lão hóa”.

Trong quá trình tư vấn cho 300 khách hàng Việt, Giang nhận thấy đa số người Việt chủ yếu mặc màu tối nên trông sẽ hơi “dừ”, mệt mỏi, lộ vết nhăn cũng như quầng thâm khiến đôi mắt trở nên sâu hơn.

Chuyên gia cho biết người có tông da ấm sẽ hợp nhất mặc các màu đất, cam, đỏ gạch, san hô, hồng đào. Những người có tông da lạnh hợp với các màu navy, tím, đỏ hồng, hồng dâu. Còn người có da trung tính sẽ hợp với cả màu ấm và lạnh, tiêu biểu nhất là xanh ngọc, hồng và vàng chanh.

“Nên ưu tiên mặc các màu hợp gần với khuôn mặt nhất, màu không hợp mặc xa như quần, chân váy hoặc áo khoác”, Hương Giang gợi ý.

Thùy Dương, 35 tuổi cho biết trước đây nhận được nhiều lời khen khi theo đuổi phong cách nhẹ nhàng, có chút hoài cổ với các gam màu pastel, váy dài và xòe. Tuy nhiên đôi khi phong cách này rườm rà và không phù hợp với các sự kiện sang trọng.

Sau được hai chuyên gia tư vấn, cô nhận ra việc định hình gu ăn mặc nhất quán theo một phong cách không chỉ giúp nhanh chóng chọn được những món đồ phù hợp, tối ưu tủ đồ, còn xây dựng một phong cách cá nhân rõ ràng và “có gu” hơn.

“Từ giờ tôi sẽ nâng cấp phong cách trước đây của mình theo hướng đơn giản và sang trọng hơn để phù hợp với công việc phải tiếp xúc với nhiều khách hàng”, Thùy Dương, người vừa nghỉ công việc văn phòng chuyển ra quản lý công ty riêng, chia sẻ.





Thanh Nhàn (phải) lần đầu tiên mặc màu xanh cốm - một trong các màu được chuyên gia màu sắc cá nhân gợi ý phù hợp, tại workshop Biến hình phong cách nơi công sở ở Hà Nội hôm 15/11. Ảnh: 1688+media

Thùy Dương (trái) và Thanh Nhàn (phải) được chuyên gia màu sắc cá nhân gợi ý màu phù hợp với tông da tại workshop Biến hình phong cách nơi công sở ở Hà Nội hôm 15/11. Ảnh: 1688+media

Trước khi tham gia workshop, Phương Anh là người có gu lộn xộn, lúc thích lịch sự, khi lại lòe loẹt, bánh bèo. Sau buổi học, cô hiểu được việc lựa chọn đồ theo vóc dáng cơ thể và đang nghiên cứu thêm để theo đuổi phong cách đơn giản mà tinh tế (Minimalism và Casual Chic).

“Áp dụng quy tắc mua sắm 80/20, cái lợi lớn nhất với tôi là tiết kiệm được khá nhiều tiền”, cô nói.

Khi được các chuyên gia tư vấn, Thanh Nhàn hiểu được hơn về vóc dáng cơ thể mình. Ví như trước đây cô không hiểu tại sao khi mặc áo cổ tim lại đẹp hơn áo cổ tròn, nay hiểu ra cổ tim giúp cô khắc phục được nhược điểm cổ ngắn, bắp vai to. Trước đây vì sợ béo nên cô mặc nhiều trang phục màu đen, vì thế khiến mình trông bị già.

“Vì không thích bánh bèo nên trước đây tôi chưa bao giờ mặc màu xanh cốm, không ngờ lại hợp với mình đến vậy”, cô nói.

Phan Dương



Leave a Comment

0.0/5