Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Gói bảo hiểm ‘tăng ca đến chết’ gây phẫn nộ

Sản phẩm có tên “Bảo hiểm chăm chỉ không lo lắng 996” vừa được giới thiệu cuối tháng 11.

“Đừng sợ làm thêm giờ. Hãy mua bảo hiểm thức khuya để cổ vũ cho giấc mơ của bạn”, lời giới thiệu của gói bảo hiểm viết, kèm hình ảnh người đàn ông làm việc trên máy tính, ngoài cửa sổ là bầu trời đêm và đồng hồ đã chỉ quá 10h đêm.

Theo tài liệu quảng cáo, khách hàng cần trả ít nhất 18 tệ (63.000 đồng) mỗi năm để được hưởng quyền lợi bảo hiểm lên đến 600.000 tệ cho các tình huống liên quan đến đột tử hoặc tai nạn do tăng ca.

Một đại lý bảo hiểm giấu tên lưu ý rằng những bảo hiểm tử vong và tai nạn đột ngột trong chính sách rất phổ biến trong các sản phẩm khác. “Nhưng vấn đề của gói bảo hiểm này là cách quảng cáo đang gây khó chịu cho khách đặt hàng. Nhất là khi dịch vụ này cổ xúy văn hóa làm thêm giờ trái luật”, đại lý nói.





Công ty dịch vụ Trung Quốc quảng cáo gói bảo hiểm tăng ca đến chết gây phẫn nộ. Ảnh minh họa: iStock

Công ty dịch vụ Trung Quốc quảng cáo gói bảo hiểm “tăng ca đến chết” gây phẫn nộ. Ảnh minh họa: iStock

“Văn hóa 996” là cách gọi tắt của lịch làm việc từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày một tuần, rất phổ biến trong các doanh nghiệp Trung Quốc. Làm việc quá nhiều, áp lực quá lớn hoặc nhân viên bị ép phải làm thêm giờ “vô tội vạ” trở thành vấn nạn nhức nhối tại Trung Quốc, đặc biệt là sau nhiều vụ việc người lao động đột tử.

Tòa án Tối cao Trung Quốc cùng Bộ Nguồn nhân lực và An sinh xã hội đã tuyên việc ép nhân viên phải làm thêm giờ là bất hợp pháp vào năm 2021. Tuy nhiên hoạt động này vẫn phổ biến trong các doanh nghiệp công nghệ và công ty khởi nghiệp – nơi người lao động được khuyến khích hoặc bị ép phải kéo dài giờ làm việc.

Vài năm gần đây, ngày càng nhiều người trẻ tham gia phong trào tẩy chay văn hóa tăng ca khốc liệt, vốn bị công chúng và phương tiện truyền thông dán nhãn là hệ thống độc hại, hút máu người lao động.

Đầu tháng 11, một người đàn ông 39 tuổi qua đời vì bệnh tim tại một nhà máy ở tỉnh Sơn Đông. Qua điều tra, người này đã làm thêm 41 giờ trong 8 ngày liên tiếp trước khi mất.

Những vụ việc này càng khiến gói bảo hiểm 996 nhận sự chỉ trích rộng rãi trên mạng xã hội khi dường như ngầm khích lệ văn hóa “tăng ca đến chết”.

Hầu hết người dùng mạng cho rằng sản phẩm bảo hiểm này chỉ làm tăng sự gia tăng cạnh tranh tại nơi làm việc. Người lao động không phải công cụ kiếm tiền. Các công ty nên tập trung vào việc cải thiện môi trường làm việc và tăng lương thay vì chuyển rủi ro cho đơn vị bảo hiểm.

“Hệ thống làm thêm giờ 996 là bất hợp pháp. Chính sách bảo hiểm này ủng hộ một hành vi sai trái”, một người viết trên mạng xã hội.

Minh Phương (Theo Beijing News Shell Finance, Xiaoxiang Morning Herald)



Leave a Comment

0.0/5