- Tôm chọn mua tôm tươi với các dấu hiệu như vỏ màu trong, trơn bóng, ấn vào chắc. Phần đầu dính chặt vào thân, râu càng còn nguyên vẹn. Tôm mua về nên sơ chế, rút bỏ phần chỉ đen ở lưng, rửa sạch. Thịt ba rọi chọn phần nạc mỡ đan xen, chà xát chanh và muối hạt cho sạch rồi rửa sạch.
- Đu đủ gọt vỏ, bào sợi ngâm vào nước đá lạnh có vắt chanh và chút muối để loại bỏ bớt mủ và đắng. Cà rốt cũng bào sợi. Dưa chuột rửa sạch, lấy phần vỏ cắt sợi. Ớt chuông đỏ thái sợi ngâm nước. Bắp cải tím cắt lát mỏng, rửa sạch. Rau thơm rửa sạch, cắt rối. Tùy theo khẩu vị mà điều chỉnh rau củ quả trộn gỏi cho thêm màu sắc bắt mắt bên cạnh đu đủ là nguyên liệu chính. Làm nước sốt trộn gỏi: Có thể làm sẵn để tủ lạnh, dùng dần khi có món gỏi rất tiện lợi. Tỷ lệ mắm: đường: giấm và chanh thường là 1:1:1 (2 thìa canh mắm, 2 thìa canh đường: 2 thìa canh giấm + chanh) khuấy tan cho sanh sánh lại, thêm tỏi, ớt bằm nhuyễn. Nêm nếm lại cho vừa miệng với vị chua ngọt mặn hài hòa. Nếu làm nhiều thì nên nấu hỗn hợp mắm, đường, giấm cho sanh sánh rồi để nguội, bỏ vào hũ lọ rồi dùng dần khi làm món gỏi bất kỳ.
- Thịt và tôm đem luộc chín cùng chút hành, gừng đập dập cho thơm, thêm chút muối, hạt nêm cho ngọt thịt. Để nguội, thái thịt lát mỏng vừa ăn. Tôm bóc bỏ vỏ.
- Trộn gỏi: Cho tôm và thịt luộc vào âu, thêm nước sốt vào đảo cho thấm vị. Sau đó mới cho đu đủ cùng các loại củ quả phụ vào sau rồi đeo găng tay trộn dong tay hoặc đảo nhẹ. Sau vài phút thì chắt bỏ nước cho nộm khô ráo. Cuối cùng thì cho 1/2 rau thơm, 1/2 lượng đậu phộng rang giã dập vào đảo đều. Trình bày nộm ra đĩa, rắc thêm đậu phộng còn lại lên trên cùng hành phi tùy chọn và thưởng thức.
- Yêu cầu thành phẩm: Đĩa nộm khô ráo, màu sắc bắt mắt. Khi ăn, cảm nhận rõ đu đủ giòn giòn, thấm vị chua cay mặn ngọt hài hòa, tôm ngọt thịt, ba chỉ béo quyện với rau thơm, đậu phộng bùi bùi rất hấp dẫn. Món ăn này giúp kích thích vị giác ngày hè.
Chú ý:
-
Theo nhiều nghiên cứu, bên cạnh đu đủ chín giúp giải nhiệt ngày hè, trái đu đủ xanh có nhiều lợi ích cho sức khỏe như chứa hai enzyme mạnh papain và chymopapain giúp phân hủy chất béo, protein và carbohydrate từ thực phẩm giúp giảm cân. Ngoài ra, đu đủ xanh còn giúp cải thiện tiêu hóa, giảm lượng đường trong máu, lợi sữa, giảm đau bụng cho phụ nữ khi tới chu kỳ… Tuy nhiên với người bị bệnh dạ dày hạn chế ăn nhiều.
-
Ngoài nộm thì đu đủ còn được chế biến thành nhiều món ngon như: Canh đu đủ hầm móng giò, canh đu đủ thịt bò, đu đủ xào thịt heo…
-
Tùy theo khẩu vị mà điều chỉnh nước sốt vị chua cay mặn ngọt cho vừa miệng.
-
Nên trộn thịt, tôm với nước sốt trước cho thấm rồi mới trộn đu đủ và các củ quả sau. Chắt bỏ nước nộm cho khô ráo rồi mới cho rau thơm, lạc để không bị ỉu, mất đi độ bùi thơm.