Người đàn ông này sống một mình từ những năm 2000, thời điểm đó, anh thường phải mua cả quả. Qua nhiều năm, các cửa hàng đã chia chúng thành những phần nhỏ hơn, ban đầu là nửa quả sau đó là một phần tư và thậm chí là tám miếng để bán cho người dùng.
“Tôi thích chiến lược này, nó hoàn toàn phù hợp cho người sống độc thân như tôi”, Park nói. Khách hàng tìm được kích thước phù hợp thay vì mang cả quả về và nhìn nó hỏng dần trong tủ lạnh.
Park đại diện cho phân khúc khách hàng đang nhanh chóng phát triển ở Hàn Quốc là hộ gia đình một người. Họ góp phần làm tăng nhu cầu về thực phẩm và tạp hóa bán lẻ trong những năm gần đây.
Hộ gia đình một người chiếm 27,2% trong tổng số các cấu trúc gia đình Hàn Quốc, theo Cục Thống kê năm 2015. Tỷ lệ này vượt mốc 30% vào năm 2019, tăng lên 31,7% vào năm 2020 và đạt mức kỷ lục 34,5% vào năm ngoái.
Sự gia tăng diễn ra trong bối cảnh cấu trúc dân số thay đổi, tỷ lệ kết hôn giảm và tuổi thọ tăng. Cục Thống kê cũng lưu ý xu hướng này sẽ không dừng lại. Trong những hộ gia đình kiểu này, người trẻ chiếm đa số, độ tuổi 20 chiếm tỷ lệ nhiều nhất với 19,2%, tiếp sau độ tuổi 70 là 18,6% và độ tuổi 30 chiếm 17,3%.
Trước tình hình này, các công ty bán lẻ đã thu nhỏ kích cỡ của các loại thực phẩm và hàng tạp hóa, bao gồm thịt, gạo, hoa quả, rau củ, thậm chí là bánh pizza.
Đại diện chuỗi Lotte Mart cho biết doanh thu từ các bịch táo cắt lát nặng 150 gram đã tăng 70% vào năm ngoái. Dưa hấu miếng nhỏ, bán theo lát đã tăng gấp 5 lần trong tháng 6.
Việc thu nhỏ kích cỡ cũng biểu hiện rõ rệt ở các cửa hàng tiện lợi, nơi người sống một mình thường đến.
Thương hiệu GS25 cho biết họ đã tăng trưởng doanh thu 22,1% so với cùng kỳ năm trước cho sản phẩm cốc salad trái cây. Ngoài ra, doanh thu món ăn nhẹ đóng trong gói nhỏ đã tăng 28,9% trong nửa đầu 2024.
Ngọc Ngân (Theo Korea Times)