Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Ký ức không ngủ yên của các nạn nhân cháy nhà

Vụ bốn bà cháu thiệt mạng trong đám cháy nhà ở Hà Nội sáng 13/5, khiến người đàn ông 38 tuổi, quê Ninh Giang, Hải Dương thêm một lần đau xót. “Chỉ những người đã trải qua mất mát vì cháy nhà mới hiểu nỗi đau này như thế nào”, anh nói.

Một đêm tháng 8/2018, vợ chồng anh tỉnh giấc vì khói lửa từ bếp bốc lên nghi ngút. Phía sau nhà là bờ sông, chỉ cần nhảy qua cửa sẽ thoát nhưng trong phút bấn loạn, không ai nhớ chìa khóa chuồng cọp để ở đâu.

Phía trước lửa đã giăng kín. Anh bế con trai lao qua lửa ra ngoài, miệng hô hoán xóm làng rồi lại xông vào bế vợ đang mắc kẹt. “Hai chân tôi cháy ngùn ngụt nhưng vẫn bước. Ra được bên ngoài tôi bất tỉnh”, anh kể.

Ba người được đưa đến Viện Bỏng quốc gia (Hà Nội). Con trai vì sức yếu và hít phải khí độc nên đã mất sau hơn một tháng điều trị. Chị Hồng Hạnh, vợ anh nằm viện hai năm mới hồi phục nhưng phải định kỳ phải tái khám. Sau vụ cháy, sức khỏe sa sút, chỉ có thể ở nhà chăm sóc hai con để chồng lo kinh tế.





Tầng 1 nhà ông Trần Trọng Đức, Nam Đồng, Đống Đa bị lửa thiêu rụi tháng 1/2018.

Tầng 1 nhà ông Trần Trọng Đức, Nam Đồng, Đống Đa bị lửa thiêu rụi tháng 1/2018. Ảnh nhân vật cung cấp

Gia đình ông Trần Trọng Đức (65 tuổi) cũng gặp hỏa hoạn hồi đầu năm 2018. Chiều hôm đó, ông Đức đi làm về đến nhà thấy tầng một và hai nghi ngút khói, ngọn lửa bốc cao cả chục mét. Trong nhà có ba đứa cháu gồm một tuổi, 5 tuổi và 9 tuổi cùng con dâu. Tất cả người xung quanh đã nghĩ đến tình huống xấu nhất.

Nhà ông nằm ở cuối ngõ hẹp, cách đường lớn khoảng 200 m, xe cứu hỏa bình thường không thể vào. May mắn là thời điểm đó lực lượng PCCC số 2 (Hà Nội) có sáng kiến chế tạo xe máy cứu hỏa có thể qua ngõ hẹp nên tiếp cận hiện trường rất nhanh. Cứu hỏa phối hợp với người dân đu bám theo tường từ nhà hàng xóm lên tầng tum, phá cửa từ phía ngoài giải cứu các nạn nhân. Cả bốn người trong gia đình thoát nạn.

“Nếu không nhanh phá cửa chuồng cọp thì có lẽ gia đình tôi đã không được đủ đầy như bây giờ”, ông nói.

Một lý do nữa giúp bốn người thân của ông thoát nạn là trước đó chính quyền đã tập huấn kiến thức phòng cháy chữa cháy cho người dân. Con dâu ông đã đưa ba con lên tầng tum, tránh hít phải khói độc.

Gia đình đã trải qua một cái Tết toàn bộ gia sản tiêu tan, phải đi ở nhờ người thân vài tháng. Bốn năm sau họ mới đủ tiền làm nhà mới. “Nhưng vẫn may là con cháu tôi sống sót, nếu không cả đời này tôi không một ngày nào yên ổn”, ông nói.





Ông Trần Trọng Đức, 65 tuổi, bảo vệ một trường tiểu học ở Nam Đồng, Đống Đa kể lại chuyện thoát khỏi hỏa hoạn của gia đình 5 năm trước. Ảnh: Phan Dương

Ông Trần Trọng Đức, 65 tuổi, bảo vệ một trường tiểu học ở Nam Đồng, Đống Đa kể lại chuyện thoát khỏi hỏa hoạn của gia đình 5 năm trước. Ảnh: Phan Dương

Theo thống kê của Bộ Công an, trong 5 năm, tính đến năm 2022, toàn quốc xảy ra hơn 17.000 vụ cháy, làm 433 người chết. Địa bàn xảy ra cháy chủ yếu ở thành thị (60%) và nguyên nhân phần lớn do sự cố hệ thống, thiết bị điện (45% số vụ).

Chỉ tính riêng bốn tháng đầu năm, toàn quốc xảy ra 522 vụ cháy, trung bình hơn bốn vụ mỗi ngày, làm chết và bị thương 46 người.

Trong báo cáo hồi tháng 9/2022, thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Công an cho biết tình trạng hỏa hoạn liên tiếp xảy ra do nhiều bất cập chưa được khắc phục như Bộ Xây dựng chưa có cơ chế quản lý, giám sát lắp đặt thiết bị điện phù hợp để giảm nguy cơ cháy, nổ; Bộ Công Thương chưa có kết quả cụ thể về rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định về sử dụng điện an toàn phòng cháy tại cơ sở, hộ gia đình; Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa hoàn thiện nội dung về phòng cháy, cứu hộ vào chương trình; 11 địa phương chưa công khai dự án, công trình vi phạm về phòng cháy chữa cháy. Ngoài ra, phương tiện, thiết bị chuyên dụng cho lực lượng phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn còn thiếu nhiều so với yêu cầu.





Một gia đình ở Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm trang bị bình cứu hỏa gia đình sau một trận hỏa hoạn khiến 4 người suýt chết năm 2022. Ảnh: Phan Dương

Một gia đình ở Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm trang bị bình cứu hỏa gia đình sau một trận hỏa hoạn khiến 4 người suýt chết năm 2022. Ảnh: Phan Dương

Ông Trần Trọng Đức cho biết nhà mình cháy do chập điện. Từ sau tai nạn, ông luôn nhắc nhở con cháu ra khỏi đâu phải tắt đèn ở đó, rút các thiết bị điện khi không dùng, khóa gas ngay khi sử dụng. Mỗi tối trước khi đi ngủ ông có thói quen kiểm tra một lượt các tầng có thiết bị điện nào không sử dụng phải tắt.

Khi xây lại nhà, gia đình ông cũng phân vân giữa làm chuồng cọp để đảm bảo an ninh hay để thoáng có đường thoát khi chẳng may hỏa hoạn. “Cuối cùng nhà tôi quyết định không xây chuồng cọp, lắp đặt toàn bộ bằng kính để lỡ có cháy còn đập ra mà chạy”, ông nói. Biết rằng mỗi tầng cần có một bình chữa cháy mini, nhưng ông cũng thừa nhận “chưa có kinh phí nên chưa sắm được”.

Anh Thành cho biết, ngôi nhà bị cháy trước đây thuê lại của người thân nên xây tạm bợ theo dạng nhà ống. Phía trước họ tận dụng làm cửa hàng cơ khí, phía sau gia đình sinh hoạt. Nhà chỉ có hai lối thoát là cửa trước và cửa sau.

Cửa chuồng cọp sau nhà không bao giờ mở do sợ trộm đột nhập nên anh chị cũng chẳng nhớ chìa khóa để đâu. Đường điện trong nhà anh thuê thợ làm, vài chỗ tự đấu nối. Đêm định mệnh, nhà anh bị chập điện ở bếp, làm tủ lạnh, bình gas bốc cháy nên lan khắp nhà.

Năm ngoái, anh mua lại mảnh đất từng thuê để xây nhà, vẫn thiết kế dạng nhà ống nhưng các phòng đều có cửa thoát hiểm, dẫu vẫn sợ trộm nhưng anh không làm chuồng cọp. Hệ thống đường điện được thợ lắp đặt điện âm tường thay vì manh mún như trước. Gia đình anh hình thành thói quen ra khỏi nhà tắt hết hệ thống điện, nấu xong khóa gas.

Bộ Công an đưa ra bốn khuyến cáo khi gặp hỏa hoạn. Đầu tiên, phải bình tĩnh tìm ngọn lửa và nơi bùng phát khói. Thứ hai, nhanh chóng xác định lối thoát hiểm hoặc trú ẩn an toàn. Thứ ba, hạn chế tối đa tiếp xúc với lửa hoặc khí độc. Thứ tư, nhà có lồng sắt cần trang bị búa, rìu, kìm cộng lực.

Từ bài học phải đánh đổi bằng mạng sống của gia đình mình, anh Đặng Văn Thành khuyên mọi người khi xây nhà phải có cửa để thoát hiểm. Nếu làm chuồng cọp cần nhớ chìa khóa để đâu, để lúc chẳng may hỏa hoạn còn kịp mở thoát thân.

“Đừng để phải ân hận như tôi”, anh nói.

Phan Dương – Phạm Nga

* Tên nhân vật trong bài đã thay đổi

Leave a Comment

0.0/5