Cô gái 30 tuổi ở Hà Đông (Hà Nội) được bạn bè gửi cho bài viết chê khoản tiền mừng quá ít, “không đủ tiền cỗ” của chú rể trên mạng xã hội. Dù không nêu đích danh nhưng Mai Loan biết chú rể đang nói mình. “Hồi tôi cưới, cậu ấy mừng 300.000 đồng, giờ tôi mừng lại đúng từng đó, sao lại trách móc?”, cô nói.
Quan điểm của người bạn là “nhà hàng không nhận thanh toán cỗ cưới bằng tình cảm”, mỗi suất tối thiểu 500.000 đồng nên người đi dự cần “biết điều” để gia chủ không lỗ.
8 năm trước, Bảo Ngọc, 32 tuổi, ở Hải Dương mừng cưới cô em họ một chỉ vàng (trị giá 3,5 triệu đồng) với mong muốn giúp vợ chồng trẻ thêm kinh phí tổ chức và ổn định cuộc sống. Cô cho rằng sau này mình cưới cũng được trả lễ bằng vàng như vậy.
Sau đám cưới hồi cuối tháng 8, Ngọc nói “sốc” khi nhận phong bì của em họ là 3,5 triệu đồng. Cô đoán người mừng đã tính toán rằng hiện tại vàng có giá 8 triệu đồng một chỉ, nếu mừng sẽ thiệt thòi lớn.
Bảo Ngọc cho rằng mừng cưới cũng nên theo quy tắc như vay tiền, “vay gì trả nấy” nên đáng lẽ ra cô em họ phải mừng lại một chỉ. “Nếu kinh tế quá khó khăn, cô ấy nên giải thích chứ không thể mừng theo kiểu ‘ăn miếng trả miếng’ như vậy”, Ngọc nói.
Vào mùa cưới, số bài viết trên các nền tảng mạng xã hội đề cập đến chủ đề “Mừng cưới bao nhiêu là hợp lý” luôn nhận được nhiều sự quan tâm.
Trên một nền tảng video ngắn, với cùng câu hỏi này có hàng nghìn nội dung liên quan. Mỗi bài đăng đều có hai luồng ý kiến. Một nửa cho rằng tiền mừng nên tính theo thời giá của tiệc cưới, trung bình 5 triệu đồng cho mâm 10 người (ở thành phố). Nếu có lòng tặng thêm là chuyện cá nhân còn không ít nhất cũng phải đảm bảo để gia chủ “không lỗ”. Luồng quan điểm còn lại cho rằng, mừng cưới là tùy tâm, không phải một vụ kinh doanh để tính toán lời lỗ, trượt giá. Nếu so đo, tốt nhất không nên tổ chức tiệc.
“Mục đích của đám cưới là để mọi người chúc phúc cô dâu chú rể chứ không phải sự kiện huy động vốn”, người dùng tên Tuấn Tú nêu quan điểm.
Theo chuyên gia văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ, Đại học quốc gia Hà Nội, mừng cưới là nét thú vị trong văn hóa người Việt, xuất phát từ tinh thần tương thân tương ái. Tiền mừng cưới vừa là lời chúc phúc, vừa là đóng góp một phần kinh phí cho ngày vui của cô dâu, chú rể. Ở mỗi giai đoạn, cách mừng cưới cũng khác nhau. Thời bao cấp, cô dâu chú rể được mừng đồ dùng thiết yếu như xoong nồi, phích, cốc chén. Kinh tế phát triển, mọi người quy quà mừng thành tiền.
“Dù thay đổi về hình thức nhưng hành động này vẫn mang mục đích gửi lời chúc phúc tới vợ chồng mới cưới”, chuyên gia nói.
Cùng quan điểm, chuyên gia văn hóa Nguyễn Ánh Hồng, nguyên giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nói trước đây khách dự tiệc cưới thường phải trăn trở chọn đồ dùng nào thiết thực với cặp vợ chồng son. Hiện nay khi nhận thiệp, nhiều người lại băn khoăn “Mừng bao nhiêu tiền để gia chủ không lỗ vốn?”.
Bà Hồng cho rằng câu hỏi này xuất phát từ tâm lý không hài lòng khi nhận số tiền bằng mức cách đây nhiều năm mình đã từng mừng, hoặc lấy vàng làm vật ngang giá chung để tính toán thiệt hơn tại thời điểm hiện tại.
“Tâm lý này xuất phát từ tính thực dụng, coi trọng vật chất của một số cá nhân”, chuyên gia nói. Đây cũng là nguyên nhân gây ra nhiều mâu thuẫn, khúc mắc xung quanh việc mừng cưới.
Mai Loan đã cắt đứt quan hệ với người bạn (chú rể) viết bài ám chỉ trên mạng xã hội. Cô cho rằng mừng cưới giống như tiền lì xì cần dựa trên tinh thần tự nguyện, không phải tiền đầu tư nên không thể đặt kỳ vọng về hiệu quả kinh tế. Chưa kể khách mời có thể gặp khó khăn về tài chính hoặc phải chi số tiền lớn đến địa điểm cưới nếu ở xa.
“Mừng cưới không phải khoản gửi tiết kiệm mà đòi lãi”, cô nói.
Còn Bảo Ngọc khó chịu ra mặt với hành động “tặng vàng nhưng trả tiền” của cô em họ. Sau đám cưới, cô không tiếp chuyện dù người em liên tục mở lời.
Để tránh mâu thuẫn không đáng có về tiền mừng cưới, bà Hồng khuyên mỗi cá nhân không nên tính toán khi mừng hoặc nhận tiền mừng. Về phía khách mời nên xác định mức độ thân thiết, điều kiện tài chính để quyết định đi dự hay không và mừng cưới bao nhiêu cho hợp lý. Trong trường hợp không đi, nên báo trước với gia chủ, tránh thừa cỗ gây lãng phí. Về phía cô dâu, chú rể nên tổ chức hôn lễ đầm ấm, gắn kết các thành viên trong gia đình và quan khách, tránh gây áp lực cho khách mời.
“Đặc biệt, không nên biến ngày cưới thành cơ hội kinh doanh, xem tiền mừng là thước đo đánh giá mối quan hệ”, chuyên gia nói.
Đây cũng là phương châm của Thùy Dương, 27 tuổi, ở TP HCM. Cô cho rằng tiền mừng cưới do bản thân tự quy định dựa vào mối quan hệ thân thiết, không cần “theo giá thị trường”. Đặc biệt cô luôn dự đám cưới trong tâm thế chúc phúc cho cặp vợ chồng trẻ, góp thêm chi phí lo cỗ bàn không màng đến việc đối phương phải “trả lễ”.
Tuấn Hưng ở Nam Định nói khi tổ chức hôn lễ anh chỉ quan tâm số khách đến chung vui, không quan tâm ai mừng ít, nhiều. “Tôi không muốn biến đám cưới của mình thành một cơ hội kiếm tiền”. Hưng nói.
Anh khẳng định đám cưới là ngày vui còn tiền mừng cưới giống như một món quà. “Mà ý nghĩa cao nhất của món quà là tinh thần, không nên đặt nặng vật chất”, anh nói.
Hải Hiền – Quỳnh Nguyễn