Mùa thu 2003, thầy giáo Lương Triệu Diễn đeo balô, cầm quyết định công tác đi bộ ngược con dốc lên Sán Sì Tủng – bản xa nhất của xã Sà Phìn (huyện Đồng Văn).
Bản nơi cư ngụ của 28 gia đình người Mông cách đường biên giới 5 phút đi bộ. Đường lên bản chỉ là lối mòn với hàng loạt khúc cua tay áo.
Giữa tháng 8, Đồng Văn đã trở lạnh. Vén lá ngô, thầy giáo Diễn tìm lên đến đầu bản khi mặt trời tắt nắng. Những mái nhà trình tường xiêu vẹo, lợp ngói âm dương hiện ra sau chỏm núi. Bí thư, trưởng bản cùng vài thanh niên đứng đợi từ chiều. Người vội đỡ ba lô, xách đồ đạc, đón thầy giáo trẻ lên thay cô giáo về thị trấn Đồng Văn lấy chồng.
“Gần ba mươi năm dạy học, cứ rời đi rồi trở lại bản này như duyên số”, thầy giáo 53 tuổi hôm nay, đứng trước cửa lớp học vốn là nhà văn hóa thôn Sán Sì Tủng nói.
Lớn lên ở Đồng Văn, thầy Diễn đi học sư phạm rồi trở về dạy ở khắp các xã Sính Lủng, Sảng Tủng, Tả Phìn, Sà Phìn… Thầy nói cả đời dạy học cũng chưa chắc đi được hết cao nguyên đá nhưng muốn lũ trẻ đi xa hơn mình, xuống Hà Giang hoặc về Hà Nội. Nhưng hiện diện của ngành giáo dục ở điểm trường vùng biên những năm ấy na ná nhau: không điện, không đường, không trường.
Buổi học đầu tiên, thầy giáo nghiêng người bước qua cửa lớp để tránh cụng đầu, dõi mắt nhìn một lượt 40 đứa trẻ ngồi chung một phòng học 25 m2 lợp mái lá lẫn thân ngô. Bàn học được phụ huynh gia cố bằng những chiếc cọc gỗ mới đóng xuyên nền đất, đặt tấm ván lên trên. Thầy Diễn biết nhiệm vụ của mình trong ba năm tới là phổ cập tiếng Việt và không để em nào trong số 40 học sinh nghỉ học. Thầy không dám nghĩ đến thành tích nào khác.
Năm ấy, cô Thụ vợ thầy Diễn cắm ở điểm trường phụ bên kia đồi, cuối ngày luôn nấu cơm đợi chồng qua ăn. Nhưng nhiều hôm mâm cơm nguội ngắt bởi chồng cô chọn ở lại sau giờ dạy hoặc soi đèn pin đến nhà vận động học sinh đến lớp. Ở nơi mà bữa ăn trông cả vào cây ngô lớn lên từ hốc đá, những đứa trẻ “cao chạm bắp ngô” thường theo bố mẹ lên nương hoặc ở nhà trông em, công việc được cho là quan trọng hơn đến trường học chữ.
Muốn gặp học trò và nói chuyện với phụ huynh, thầy luôn phải canh buổi tối khi đồng bào đã đi nương về. Những cuộc trò chuyện lặp lại, kéo dài bằng tiếng Mông chen lẫn tiếng phổ thông. Thầy nói rát cổ họng, phụ huynh chỉ gật gù, bảo về đi, chờ bẻ ngô xong sẽ cho con đi học. Thầy ngồi ngẩn ra, xong mùa thu hoạch cũng là cuối năm, vội xua tay kêu “không được” rồi bảo học trò mang em đến lớp. Thành ra lớp của thầy lít nhít trẻ con từ một đến 8 tuổi.
Thầy Diễn đi cùng với lũ trẻ Sán Sì Tủng qua ba mùa đông với gần nửa số ngày dưới 10 độ C. Thầy trò vừa học vừa canh đống củi để không bén lên mái nhà. Có hôm động trời nổi giông gió, thầy giáo chỉ kịp hô học sinh chui hết xuống gầm bàn tránh trú.
Sự hiện diện của thầy giáo duy nhất trong thôn đôi khi còn mang ý nghĩa nhiều hơn công cuộc phổ cập giáo dục. Cuối năm 2004, khi những cuộc họp liên miên về việc kéo đường dây điện không ngã ngũ, trưởng bản tìm thầy Diễn mời góp ý. Dù nhà nước hỗ trợ 2/3 kinh phí, nhân dân đối ứng 1/3 nhưng một số hộ vẫn không đồng tình đóng góp.
Giữa cuộc họp, thầy giáo phân tích thêm có điện trước cho con cái học bài, sau người dân đun nước, nấu cơm, xay xát ngô, xem tivi, nghe đài. Một hộ không thể kéo điện về nhưng nhiều nhà cùng đóng góp sẽ sáng cả thôn.
Sau gần 20 ngày nghỉ Tết, thầy giáo quay lại điểm trường cũng là lúc Sán Sì Tủng lần đầu có ánh sáng của điện lưới quốc gia. Thầy biết, năm ấy có gia đình đã mang lợn xuống chợ Đồng Văn bán để lấy tiền đóng góp.
Hai mươi năm sau những đợt luân chuyển, thầy Diễn ba lần đi rồi lại về cắm bản Sán Sì Tủng, lần gần nhất cuối năm 2022. Số hộ trong thôn đã tăng ba lần. Nhiều đứa trẻ thay vì ngược biên giới làm thuê đã xuống thủ đô vào đại học, như Sùng Mí Pó nhà ông Say theo ngành luật. Không còn phải soi đèn pin đi vận động học trò đến lớp, thầy Diễn cũng coi là một bước tiến với giáo dục vùng cao.
Nhưng bục giảng ở Sán Sì Tủng hôm nay vẫn là chiếc bảng gỗ kê tạm vào nền phông bạt trong nhà văn hóa thôn, cạnh bục gỗ phát biểu của người lớn khi họp hành. 34 học sinh lớp 1, lớp 2 học cách phòng lắp ghép của mầm non 300 mét để tránh tiếng ồn khi mẫu giáo tập múa, hát. Đặc điểm để người ngoài nhận biết lớp học là những đứa trẻ đeo khăn quàng đỏ chơi đuổi bắt ngoài hiên. Trước khai giảng, thầy Diễn đã lên sớm hai ngày cùng dân làng dọn dẹp bàn ghế cũ để vào góc, đấu nối đường dây điện bị chuột cắn nát.
Chương trình học thi thoảng vẫn gián đoạn hoặc lùi sang buổi khác khi thôn có việc. Lần gần nhất vào đêm cuối tháng 2, thầy giáo nhận điện thoại của trưởng thôn báo ngày mai có đoàn phổ biến chính sách bảo vệ rừng và cột mốc biên giới cho dân bản.
“Học quan trọng mà bảo vệ rừng cũng quan trọng không kém”, thầy Diễn không thể nào từ chối lời đề nghị của người đứng đầu thôn, đành nhắn cho các phụ huynh dặn con đi học buổi chiều, sáng nghỉ. Và những tiết học đôi lúc tạm ngừng không phải để tránh giông lốc mà khi thầy giáo thấy học trò nhấp nhổm. Thầy biết ý, cho một lượt chạy đi vệ sinh nhờ bên khối mầm non.
Sau hai mươi năm, thầy giáo 53 tuổi có thể kể ra những đổi thay ở nơi này trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Nhưng Sán Sì Tủng hôm nay vẫn chưa có một phòng học đúng nghĩa, không nhà lưu trú cho giáo viên, thậm chí là nhà vệ sinh để học trò có thể giải quyết những nhu cầu cơ bản.
“Mình vài năm nữa nghỉ hưu rồi, nhưng các đồng nghiệp trẻ mới ra trường sẽ tiếp tục về đây dạy học, học sinh năm nào cũng phải đến lớp. Cứ thế này mãi thì khổ quá”, thầy Diễn nói.
Tiếp thêm động lực cho trẻ em ở vùng xa có cơ hội cải thiện cuộc sống, Quỹ Hy vọng – báo VnExpress tiếp tục nhận quyên góp trong chương trình Ánh sáng học đường. Mỗi sự chung tay của quý độc giả là thêm một tia sáng gửi thế hệ tương lai. Quý độc giả có thể xem thông tin về chương trình tại đây.
Hồng Chiêu