Hơn 4h chiều, chị Mai An ở phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy rủ con trai ra đường đi bộ ven sông Tô Lịch tập thể dục, điều trước giờ chị hiếm khi thực hiện. Trước đây mỗi khi ra đường người phụ nữ 47 tuổi phải đeo hai lớp khẩu trang, cố gắng nín thở mỗi hôm trời nóng bởi mùi nước thải bốc lên từ dòng nước đen đặc.
“Nhà tôi cách bờ sông 100 m nhưng mỗi khi gió lùa là mùi bay vào tận nhà, nhức đầu. Ngày mưa, mát trời mới dám mở cửa chứ ngày nóng, nước cạn phải đóng chặt”, chị An kể.
Nhưng khoảng ba ngày nay, chị chủ động đi dạo trên đường ven sông bởi thấy nước dâng cao, chuyển trong xanh và đặc biệt không có mùi hôi. Chị An nói rất lâu mới có cảm giác thoải mái như thế này.
Ông Trường Quang, 70 tuổi, ở phường Láng Thượng, quận Đống Đa, thường xuyên chở cháu gái đi học qua sông Tô Lịch, cho biết dòng nước bắt đầu đổi màu xanh lục và sạch hơn sau cơn bão số 2, khi liên tiếp xảy ra mưa lớn trên địa bàn Hà Nội. Ông áng chừng nước sông dâng lên hơn một mét, tình trạng mùi hôi thối giảm đáng kể.
“Lâu lắm rồi nước sông mới chuyển sang màu xanh giống như nước ở hồ Gươm khiến khung cảnh ven sông thay đổi nhiều, rất nên thơ và trữ tình”, ông Quang nói. Nhưng người đàn ông này cũng cho biết vẫn có những khu vực tồn tại điểm ô nhiễm, có rác thải.
Anh Đức Tùng, 35 tuổi, ở phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy cho biết đây là lần thứ hai nước sông chuyển màu, trước đó vào khoảng cuối tháng 6/2024.
“Dù không biết là do mưa lớn hay là kết quả của đợt nạo vét lòng sông và đường ống dẫn nước thải hoạt động nhưng với tôi đây là dấu hiệu đáng mừng. Chỉ mong nước sông giữ màu trong xanh mãi, môi trường sống cũng được cải thiện”, anh Tùng nói.
Đại diện Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết nước sông Tô Lịch trong xanh trong không phải hiện tượng bất thường, năm nào cũng xảy ra, đặc biệt trong mùa mưa lũ của miền Bắc từ đầu tháng 5 đến cuối tháng 10.
Người đại diện giải thích do các đợt mưa lớn liên tiếp đổ xuống thành phố khiến nước sông Tô Lịch được pha loãng, cải thiện rõ rệt độ trong và mùi hôi. Bên cạnh đó, gần đây nước Hồ Tây cũng được xả vào sông Tô Lịch sau thời gian mưa lớn và cơn bão số 2.
“Tuy nhiên, lịch xả nước không cố định mà sẽ căn cứ vào lượng mưa đổ xuống thành phố, mực nước sông và hồ trong thời gian tới. Điều này để tránh trường hợp xả nước quá mức cho phép sẽ khiến nước sông dâng cao, dễ làm ngập úng các khu vực liên quan”, người đại diện nói.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ sáng 29/7 đến 31/7 ở khu vực Bắc Bộ và Hà Nội có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa phổ biến khu vực Đồng bằng Bắc Bộ là 30-100 mm, cục bộ có nơi trên 150 mm.
Sông Tô Lịch có tổng chiều dài khoảng 14 km từ hạ lưu cống Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy) đến sông Nhuệ. Con sông này đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu thoát nước cũng như tạo cảnh quan cho thành phố. Hiện hai bên bờ sông đang tiếp tục triển khai công trình thu gom nước thải thuộc Dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá nhằm giảm bớt ô nhiễm cho dòng sông.
Chuyển về sống gần sông Tô Lịch hơn 30 năm, bà Thanh Thủy nói mong muốn lớn nhất là có thể hồi sinh dòng sông, trả lại cảnh quan xanh, sạch trước cửa nhà.
“Thay vì năm vài lần được thấy dòng sông chuyển màu, không còn mùi hôi thối, tôi muốn được thấy cảnh tượng này mỗi ngày”, cụ bà 80 tuổi nói.
Quỳnh Nguyễn