Nhà thiết kế thời trang Yena Kim gọi chú chó shiba Bodhi là người bạn tâm giao. Sở thích nuôi chó của cô bắt đầu cách đây 15 năm, ngay sau lần đầu bế Bodhi. “Định mệnh đã sắp đặt để chúng tôi gặp nhau”, Kim, 37 tuổi, nói.
Tình cảm với chú chó cưng lớn đến mức 10 năm trước Kim quyết định nghỉ công việc mơ ước để dành nhiều thời gian hơn chăm sóc Bodhi. “Nhìn khuôn mặt buồn bã của nó khi tôi rời nhà đi làm, tôi đã chết lặng”, cô giải thích.
Thương hiệu trang phục cho chó mèo Menswear Dog của Kim đã ra đời sau đó. Kim thiết kế còn Bodhi làm mẫu. Nhưng cô chỉ có thời gian ban đêm và cuối tuần để đeo đuổi việc gây dựng thương hiệu. Ban ngày cô làm tư vấn tiếp thị để có thu nhập và đủ khả năng thuê một nơi ở có sân vườn cho Bodhi và Luc (một chú chó khác của cô) vui chơi.
Kim thậm chí còn không có bảo hiểm y tế bởi đã dồn tiền chăm sóc chó và mua bảo hiểm cho chúng.
Yena Kim không phải là người duy nhất thuộc thế hệ Millennials (người sinh từ 1981 đến 1995) dành cả cuộc đời vì thú cưng.
Cô Hayley Kellard, 40 tuổi, ở Anh chưa bao giờ có hứng thú với việc sinh con. Người phụ nữ cho biết cô hài lòng với cuộc sống cùng chú chó. Gia đình Kellard luôn chế giễu sở thích này và nói rằng cô thích chó hơn người.
Hayley thừa nhận điều này. Cô nói thích thú cưng hơn trẻ em vì chúng đòi hỏi ít trách nhiệm hơn. “Bạn có thể đi nghỉ một tuần và để chó ở nhà. Bạn có thể ra ngoài ăn một bữa ngon và để chó ở nhà. Nhưng có con, bạn không thể làm được những điều đó”, cô nói.
Gần 1/3 số người nuôi thú cưng ở Mỹ thuộc thế hệ Millennials, chiếm tỷ lệ cao nhất trong các nhóm dân số. Người Mỹ sẵn sàng dành tất cả những gì mình có cho thú cưng. Trong một khảo sát về những người nuôi thú cưng ở Mỹ hồi tháng 4, hơn 30% số người được hỏi thuộc thế hệ Millennials cho biết sẽ từ chối công việc lương cao hơn nếu bị thu hẹp thời gian dành cho người bạn đồng hành bốn chân của mình.
Tỷ lệ người nuôi thú cưng tăng liên tục qua các năm trong khi tỷ lệ người có mong muốn làm cha mẹ lại giảm mạnh. Năm 2022, cơ quan dân số ghi nhận tỷ lệ phụ nữ Mỹ 30-39 tuổi chưa bao giờ sinh con đạt mức cao nhất.
Phong trào nuôi thú cưng ghi nhận những cột mốc mới. Một báo cáo của MarketWatch cho biết chi tiêu cho thú cưng đã tăng 67% trong giai đoạn 2013-2021.
Nhiều lĩnh vực kinh doanh mới đã ra đời, nhắm đến việc phục vụ thú cưng, ví dụ quán cà phê, khách sạn sang trọng dành cho chó mèo. Vào năm 2022, San Francisco đã chào đón Dogue, một nơi phục vụ các món ăn thủ công dành cho chó. New York cũng có những địa điểm như District Dog, nơi làm bánh sinh nhật thân thiện với chó con và Love Thy Beast, nơi bán quần áo may đo cho chó. Các khách sạn thú cưng sang trọng như Chateau Poochie ở Pompano Beach, Florida, phục vụ chó và mèo với các dịch vụ lưu trú cao cấp như mèo thư giãn trong căn hộ cao cấp ba tầng với phòng vệ sinh riêng, trong khi chó được thưởng thức các bữa ăn ngon, liệu pháp spa và dịch vụ chăm sóc 24/7.
Một nghiên cứu được công bố gần đây trên tạp chí The Lancet dự đoán đến năm 2100, hơn 97% quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ có tỷ lệ sinh thấp hơn mức cần thiết để duy trì dân số. Trong khi đó, số người nuôi thú cưng vẫn tiếp tục tăng. Tại Trung Quốc, nơi dân số đang giảm, số lượng thú cưng ở thành thị dự kiến sẽ vượt qua số trẻ mới biết đi của cả nước vào năm 2030.
Trong các cuộc khảo sát thường niên, Hiệp hội sản phẩm dành cho vật nuôi Mỹ nhận ra rằng chủ nuôi đã báo cáo họ chi nhiều hơn cho những thứ như đồ ăn vặt, thức ăn, đồ chơi và quần áo của thú cưng mỗi năm.
Nhưng việc chủ nuôi “dành tất cả những gì có thể” cho thú cưng không phải lúc nào cũng tốt. Mark Van Wye, CEO của Zoom Room, một chuỗi phòng tập huấn luyện chó trong nhà tại Mỹ, cho rằng nhiều người đang sai lầm trong cách nuôi thú cưng.
Ông nhấn mạnh, chúng ta không phải là cha mẹ của thú cưng, chúng là loài hoàn toàn khác với con người và có một rào cản ngôn ngữ. Đối xử với một con chó như một “đứa con lông lá” và không tạo ra ranh giới có thể khiến chúng nghĩ rằng chúng có quyền được hưởng những thứ như đồ chơi, thức ăn hoặc thậm chí là một chỗ trên đùi chủ. Điều này có thể dẫn đến hành vi hung hăng, đặc biệt là nếu chúng cảm thấy quyền của chúng đang bị đe dọa.
Những chú chó được đối xử như trẻ em cũng có thể bị căng thẳng. Hiệp hội Sản phẩm thú cưng Mỹ phát hiện việc sử dụng các sản phẩm như thực phẩm bổ sung giảm lo âu, máy khuếch tán và đồ nhai, đã tăng 168% đối với chó và 174% đối với mèo kể từ năm 2018.
Van Wye nói những chú chó liên tục được cưng chiều thường phải vật lộn với chứng lo âu khi chúng bị bỏ lại ở nhà. Ông nói chúng đã quá quen với việc trở thành tâm điểm chú ý đến nỗi không biết cách đối phó khi không có sự chú ý đó, đồng thời nói thêm rằng điều này có thể dẫn đến những hành vi phá hoại.
Sức khỏe thể chất của thú cưng cũng là mối quan tâm ngày càng tăng. Một cuộc khảo sát năm 2022 của Hiệp hội Phòng chống béo phì ở vật nuôi cho thấy 59% chó được coi là thừa cân hoặc béo phì.
Thùy Linh (Theo Bussiness Insider)