Wilson, một sinh viên đại học Mỹ, sinh ra tại Trung Quốc nhưng bị cha mẹ bỏ rơi 19 năm trước vì lo sợ bị phạt do đã vi phạm chính sách một con.
Ngay sau khi chào đời, cô bị bỏ bên ngoài một nhà máy hoang ở thị trấn Điếm Giang, Trùng Khánh. Cô được đưa đến trại trẻ mồ côi, sau đó được cặp vợ chồng người Mỹ nhận nuôi.
Wilson là một trong số ngày càng nhiều người Trung Quốc được cho làm con nuôi ở nước ngoài đang tham gia vào làn sóng về quê tìm lại cha mẹ ruột. Theo số liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ, có hơn 82.000 trẻ em sinh ra tại Trung Quốc đã được các gia đình Mỹ nhận nuôi từ năm 1999. Chủ yếu là các bé gái do văn hóa Trung Quốc thích con trai hơn.
Bà Corinne, mẹ nuôi của Wilson, là người sáng lập The Roots of Love, một trong nhiều tổ chức được thành lập trong những năm gần đây nhằm mục đích kết nối những người con nuôi với người thân ở Trung Quốc.
Tháng 6, gia đình Wilson lên đường tìm kiếm cha mẹ đẻ của cô ở vùng nông thôn Điếm Giang, cách Trùng Khánh khoảng 150 km. Họ phát tờ rơi ghi tên, tuổi và ảnh của cô cùng những người con nuôi khác, đồng thời kêu gọi những người từng cho con cung cấp mẫu ADN.
Nhưng việc tìm kiếm rơi vào bế tắc do hồ sơ lưu trữ không thống nhất, rào cản ngôn ngữ, trí nhớ phai mờ và sự cảnh giác của người dân địa phương. Một số người không muốn khơi lại quá khứ đau thương.
Ở Điếm Giang, người thợ mộc Yi Enqing, 57 tuổi, có một gái được cho làm con nuôi vào đầu những năm 1990. Trên danh nghĩa chính sách một con đã được nới lỏng ở địa phương này. Vợ chồng được phép sinh con thứ hai nếu con đầu là con gái. Nhưng bất kỳ gia đình nào sinh thêm đều phải đóng phạt khá nặng.
Ông Yi đang đi tìm lại con nhưng không tin mình sẽ thu được kết quả. “Tôi sợ con sẽ không chấp nhận chúng tôi”, người cha nói.
Đây cũng chính là điều cản trở những đứa con tìm lại người sinh ra mình. Bà Grace Newton, Đại học Chicago, chuyên gia nghiên cứu về việc nhận con nuôi xuyên quốc gia, cho biết nhiều trẻ em gốc Trung Quốc thể hiện sự bất hòa về văn hóa do lớn lên trong môi trường khác, màu da khác.
Cassidy Sack, một tình nguyện viên nhận con nuôi của dự án Nam Xương có trụ sở tại Mỹ, nơi đã kết nối hàng chục gia đình ruột thịt kể từ năm 2018, cho biết đứa trẻ sẽ mất bản sắc, văn hóa nơi sinh, ngôn ngữ mẹ đẻ, gia đình ruột thịt nếu được nhận nuôi.
Trung Quốc đưa ra chính sách “một con” vào năm 1979 vì lo ngại dân số nước này sẽ tăng trưởng quá mức. Ông He Yafu, một nhà nhân khẩu học độc lập, cho rằng “nó đã gây ra chấn thương tinh thần nghiêm trọng cho nhiều người Trung Quốc”.
Nước này chính thức nới lỏng hạn chế sinh con từ 2016 và các cặp vợ chồng Trung Quốc được phép sinh ba con từ 2021. Nhưng tỷ lệ sinh vẫn tiếp tục giảm, khiến người trẻ ngày càng ít đi, áp lực dân số già tăng cao.
Cuộc tìm kiếm cha mẹ ruột của Wilson vẫn tiếp diễn. “Tôi chỉ muốn họ biết rằng tôi hạnh phúc, khỏe mạnh và biết ơn cuộc sống mà tôi đang có”, Loulee nói.
Nhật Minh (Theo AFP)