You không tìm việc làm và tự ngắt kết nối với xã hội cho đến năm 2021. Anh chỉ bước ra khỏi cửa nhờ chương trình phục hồi của K2 International, một doanh nghiệp cộng đồng của Nhật Bản. Hai năm qua, người đàn ông này không ngừng hỗ trợ những người giống mình ở Hàn Quốc.
You cho biết thời gian anh trong trung tâm phục hồi, Hàn Quốc ít có dữ liệu về những người tự cô lập với xã hội. Họ không có lựa chọn khác ngoài tham gia chương trình thiết kế cho tất cả mọi người có nguồn gốc từ Nhật Bản. K2 International rút khỏi Hàn Quốc năm 2021.
Chương trình của K2 muốn giải quyết hiện tượng “cô lập xã hội cấp tính”, thường được biết đến với tên “hikikomori” tại Nhật Bản. Hàn Quốc cũng đang đối mặt với thách thức tương tự, đặc biệt trong thế hệ trẻ.
Tính đến tháng 1, chính quyền thành phố Seoul ước tính 129.000 người trong độ tuổi 19 đến 39 đang sống ẩn dật. Họ chọn lối sống này do khó khăn khi tìm việc làm, vấn đề sức khỏe tinh thần, khó tạo ra các mối quan hệ xã hội.
Khảo sát hơn 5.500 người từ 19 đến 39 tuổi tại Seoul, số người sống ẩn dật chiếm khoảng 4,5%. Khoảng một thập kỷ trước, tỷ lệ này ở Nhật Bản chưa đầy 2%.
Theo dữ liệu của Seoul, gần 30% những cá nhân sống tách biệt tự nhốt mình trong nhà hơn 5 năm. Thành phố chỉ ra các nguyên nhân dẫn đến tình trạng “cô lập xã hội cấp tính” là liên tục tiếp xúc với văn hóa cạnh tranh quá mức, bạo lực gia đình, bắt nạt học đường.
Dịch Covid-19 cũng đóng vai trò không nhỏ trong việc ngăn cản những người ẩn dật hòa nhập cộng đồng. Nghiên cứu năm 2021 của Viện Sức khỏe và các vấn đề xã hội Hàn Quốc chỉ ra, tổn thất do hikikomori gây ra mỗi năm lên tới 500 tỷ won (374,4 triệu USD) nếu họ không được phục hồi để gia nhập lực lượng lao động, chỉ sống nhờ trợ cấp suốt phần đời còn lại.
You và những người khác đang từng bước giúp đỡ người ẩn dật thoát khỏi tình trạng này. You thành lập công ty Not Scary (Không sợ hãi) cùng ba người khác tham gia chương trình của K2 trước đây. Anh giúp khoảng 10 người mỗi năm bằng chương trình phục hồi riêng.
Chính quyền Seoul cũng vừa thông báo kế hoạch xác định nơi ở của những người sống ẩn dật, giúp họ lấy lại tự tin, khuyến khích họ trở thành cố vấn cho người giống mình. Seoul còn dự định mở 20 trung tâm để hỗ trợ 5.000 người đến năm 2025. Ngoài ra, còn có các biện pháp dành riêng cho từng giai đoạn, nguyên nhân ẩn dật khác nhau.
Tại cấp độ khu vực và trung ương, chính phủ đưa ra các biện pháp chính sách, nhưng không có định nghĩa chính xác về cô lập xã hội. Chẳng hạn, Seoul định nghĩa những người cô lập về thể chất hoặc tâm lý trong ít nhất 6 tháng, không tìm kiếm việc làm trong ít nhất một tháng là cô lập xã hội. Trong khi đó, chính phủ lại định nghĩa một người cô lập xã hội là không mấy khi ra khỏi nhà để tận hưởng thú vui hay mua đồ thiết yếu tại cửa hàng tiện lợi, không đo lường thời gian. Văn phòng điều phối chính sách chính phủ xác định có khoảng 244.000 người thuộc diện này vào năm 2022.
Theo You, Hàn Quốc còn nhiều việc phải làm để thiết lập hạ tầng đủ tốt dành cho những người muốn vượt qua cô lập xã hội. Cần thời gian và nguồn lực đáng kể để giúp một người ẩn dật tự bước đi trên đôi chân của mình. Ngay cả những cố vấn giàu kinh nghiệm nhất cũng phải đến thăm họ trong nhiều tháng, thậm chí cả năm, để họ có thể mở lòng. Các chuyên gia tại trung tâm phục hồi phải làm việc với cường độ cao nên chính họ thường kiệt sức và bỏ việc. Nếu không hiểu rõ cần phải làm gì, mọi nỗ lực và tiền bạc đều sẽ đổ sông, đổ bể, You chia sẻ.
Huy Phương (Theo Korea Herald)