Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Những thói quen gây ngạc nhiên cho người nước ngoài ở Việt Nam

“Thật kỳ lạ, họ mất thời gian đứng lại chỉ vì hiếu kỳ”, chàng trai người Anh, 29 tuổi, ở TP Thủ Đức nói. Josh sống ở Việt Nam 5 năm và có hàng chục lần chứng kiến cảnh này.

Năm 2019, anh quyết định rời khỏi TP Nottingham sau khi được ký hợp đồng giảng dạy ở một trường quốc tế tại TP HCM. Vài tháng đầu, Josh có thói quen chạy xe máy quanh các con đường trung tâm thành phố.

Một lần, anh gặp vụ ôtô va quẹt xe máy ở quận 5, khiến mọi người tập trung vây quanh. Ban đầu, họ đến hai, ba người, sau đó là 7,8 xe máy dừng lại và theo dõi diễn tiến trong lúc đợi công an đến. Họ bàn tán, bày tỏ sự lo lắng cho nạn nhân, một số người cố chụp ảnh. Điều này tương tự với bất kỳ vụ việc bất thường nào đó như cãi nhau, đánh nhau hoặc thậm chí hỏa hoạn.

Anh ngạc nhiên nên hỏi một người bạn ngoại quốc khác đã sống ở Việt Nam lâu năm và được biết “đó là bình thường”. Ở Anh, khi tai nạn giao thông xảy ra, mọi người dừng lại vài phút và tiếp tục di chuyển.

Thói quen này của người Việt khiến Josh cảm thấy phiền bởi nhiều lần phải bò trên đường để thoát khỏi đám đông tụ tập, gây tắc đường trong khi anh đang rất vội.

“Nhưng nghĩ khác đi tôi nhận ra rằng họ không dừng lại để làm khán giả mà luôn sẵn lòng giúp đỡ người xa lạ gặp hoạn nạn”, Josh nói. “Hiếm ai chịu bỏ thời gian cá nhân của mình như thế”.

Chàng trai người Anh nhận ra đây là một nét văn hóa “kỳ lạ” nhưng đáng quý của người Việt sau khi chứng kiến nhiều người dừng xe để đỡ người bị nạn, đưa họ vào lề, theo dõi tình hình sức khỏe, số khác dắt xe giúp và gọi nhà chức trách.

Sau 5 năm sống ở Việt Nam, Josh nói mình đã chuyển từ ngạc nhiên sang thấu hiểu và thích nghi với thói quen này. “Sự tò mò đôi khi cũng giúp đỡ ai đó miễn là không quá nhiều”, anh nói.

Một số người tụ tập ở đường Võ Văn Kiệt, quận 5, TP HCM để xem một vụ hỏa hoạn tháng 4/2024. Ảnh minh họa: Ngọc Ngân

Một số người tụ tập ở đường Võ Văn Kiệt, quận 5, TP HCM để xem một vụ hỏa hoạn tháng 4/2024. Ảnh minh họa: Ngọc Ngân

Khi chuyển đến TP HCM sống vào năm 2019, Charles, 31 tuổi, vẫn nhớ bức ảnh đầu tiên mình chụp để gửi cho bạn bè là nhiều người Việt Nam đang thư giãn trên chiếc ghế massage, giữa trung tâm thương mại đông đúc.

“Tiếng ồn ở khu vui chơi không ngăn cản họ thư giãn”, anh kể.

Điều này càng được củng cố trong thời gian anh sống ở quận Tân Phú. Charles quan sát họ có thể ngủ trưa ở nhà, quán cà phê, trong tiếng nhạc có âm lượng lớn. Một số người xem đây là thói quen để dỗ giấc ngủ. Thậm chí, anh còn thấy người lao động có thể ngả lưng giữa hè phố giữa ồn ào của còi xe và người qua lại. Mọi người cũng mời anh hát karaoke để thư giãn và đây gần như là phần không thể thiếu trong các buổi tiệc, dù đôi khi tiếng hát làm họ không thể nghe thấy nhau.

Chàng trai người Anh từng du lịch 15 quốc gia nói đây là điều khiến anh cảm thấy kỳ lạ và ngạc nhiên nhất. “Tôi thấy thú vị trước khả năng nghỉ ngơi, thư giãn trong tiếng ồn của người Việt”, anh nói.

Dù vậy anh thừa nhận tiếng ồn đôi khi chỉ là đặc trưng của thành phố lớn chứ không phải của người Việt Nam. “Dường như đây là xã hội có sự tin tưởng cao, mọi người cảm thấy thoải mái khi ngủ xung quanh những người lạ”, Charles nhận xét.

Người dân tập thể dục ven sông Hàn, Đà Nẵng, tháng 5/2024. Ảnh: Nguyễn Đông

Người dân tập thể dục ven sông Hàn, Đà Nẵng, tháng 5/2024. Ảnh: Nguyễn Đông

Charles và Josh nằm trong 60% người nước ngoài bị sốc văn hóa khi sống ở Việt Nam, theo khảo sát của Tập đoàn nhân sự Navigos. Các yếu tố phổ biến bao gồm rào cản ngôn ngữ, khác biệt giữa thực tế với kỳ vọng và thiếu thấu hiểu cộng đồng. Đa số người nước ngoài thừa nhận thiếu sự chuẩn bị về tâm lý lẫn kỹ năng ứng xử khi sang đây.

Tuy vậy, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có nhiều ứng viên quốc tế mong muốn đến làm việc nhất Đông Nam Á với tỷ lệ 30%, xếp sau là Singapore với 24% và Thái Lan với 17%. Trong số này, khoảng 50% ứng viên muốn ở lại vì hứng thú với văn hóa lẫn môi trường làm việc.

Năm 2024, sự thuận lợi càng được củng cố khi Việt Nam đứng đầu về chi phí sống rẻ nhất thế giới với lao động nước ngoài, theo InterNations. 86% lao động nước ngoài đánh giá Việt Nam là môi trường tích cực, hơn gấp đôi trung bình toàn cầu.

Ông Baro Mohamed ở TP HCM, tháng 6/2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ông Baro Mohamed ở TP HCM, tháng 6/2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đó là lý do Mohamed Baro, 48 tuổi, chưa bao giờ cảm thấy chán Việt Nam sau 6 năm sinh sống.

Trong kỳ nghỉ ở Bến Tre, người đàn ông Ai Cập thức dậy cầu nguyện lúc 4h. Từ ban công khách sạn, ông ngỡ ngàng thấy nhiều người đang tản bộ dọc bờ sông. Baro nhẩm đếm họ có 50-60 người nhưng đang chia ra thành nhiều nhóm.

“Tôi hoảng hốt nghĩ rằng có chuyện gì nghiêm trọng đang diễn ra”, Baro kể. Nhưng chỉ vài phút sau, ông thở phào bởi họ chỉ đang tập thể dục. Ông cho rằng đây là điều không bao giờ có ở Ai Cập.

“Người Việt thích dậy sớm”, ông nói. Ở quê hương ông, người lớn thường dậy lúc 7h làm vệ sinh cá nhân, ăn sáng để đến công sở lúc 9h. Trẻ con sẽ vào lớp khoảng 8h, do đó, chúng không cần phải dậy trước 6h.

Nhưng điều này ngược lại ở Việt Nam. Sau cú sốc ở Bến Tre, ông nhận ra đó là điều bình thường ở tất cả các tỉnh thành khác khi người ta thức dậy khi trời chưa sáng.

Baro quan sát thấy hàng xóm của mình, đặc biệt là người lớn tuổi thường dậy sớm tập thể dục. Khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) và các bãi biển Đà Nẵng luôn có người chạy bộ vào buổi sáng. Họ tràn đầy năng lượng và làm được nhiều việc để bước vào ngày mới.

Cuối tháng 6, trang mạng xã hội của những Digital nomad (du mục số) đã chia sẻ đoạn video về người tập thể dục ở Việt Nam lúc 5h, nhận được bốn triệu lượt xem khiến Baro không khỏi thích thú.

“Thói quen này khiến họ khỏe mạnh và vui vẻ hơn”, ông bình luận.

Ngọc Ngân



Leave a Comment

0.0/5