Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Nỗi đau của những đứa con có cha mẹ ngoại tình

“Bố kể mẹ xuống thành phố học, thuê phòng ở chung với một đồng nghiệp”, Tuyết Nhung kể. Còn mẹ nói tình nhân của bố đã có thai từ trước khi họ ly hôn.

Người mẹ đòi quyền nuôi con nhưng gửi Nhung về ngoại khi vào lớp 1. “Em hoang mang chẳng biết ai nói sự thật”, Tuyết Nhung, 23 tuổi, ở Hà Nội kể.

Ảnh minh họa:Shutterstock

Ảnh minh họa:Shutterstock

Đức Tùng (37 tuổi, ở TP HCM) chưa học hết cấp 3 đã biết tin bố ngoại tình với cô gái chỉ hơn con mình 10 tuổi. “Kể từ đó, mẹ phải uống thuốc trầm cảm còn tôi nhiều lúc như có ai đó chích điện vào người”, anh mô tả.

Bố Đức Tùng là một quản lý cấp cao, mẹ anh chỉ ở nhà nội trợ. Trong mắt Đức Tùng, bố như tượng đài để anh hướng tới. Ông xây dựng hình ảnh người đàn ông thành đạt, yêu thương vợ con và được những người xung quanh kính nể.

Nhưng vào một đêm mưa lạnh, anh thấy mẹ trở về nhà ngã quỵ xuống giường, bố chầm chậm đi sau. Ông lặng lẽ thu xếp đồ đạc, dọn ra khỏi nhà. Hai người ly hôn. Bố anh bất chấp mọi lời can ngăn, quyết định cưới người mới. Đức Tùng tuyệt giao với bố từ đó.

Thống kê của Viện nghiên cứu Gia đình và Giới cho biết ngoại tình là nguyên nhân thứ hai dẫn đến khủng hoảng hôn nhân (25,9%). Nghiên cứu của Viện nghiên cứu và phát triển (ODI) cho biết thêm, cha mẹ ngoại tình, ly hôn là nguyên nhân hàng đầu gây ra khủng hoảng tâm lý, sức khỏe tâm thần của những đứa con.

Chuyên gia tâm lý Hồng Hương (Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam) lý giải cha mẹ là những người tin tưởng nhất của trẻ ở cấp độ gia đình. Bởi vậy, khi biết cha hoặc mẹ ngoại tình, âu yếm người không phải bố, mẹ mình, niềm tin của những đứa con sẽ đổ vỡ. “Kèm theo đó là những biểu hiện sợ hãi, xấu hổ, sợ người khác biết chuyện nên co mình lại, học hành sa sút”, bà Hồng Hương nói.

Từ khi bố mẹ đường ai nấy đi, Tuyết Nhung từ đứa trẻ hay nói, hay cười trở nên lầm lì, ít nói. Nhớ bố, nhớ mẹ, cô bé dán ảnh hai người vào nhật ký, kèm dòng chữ “Con chỉ ước bố mẹ và con được ở cùng nhau”. Nỗi cô độc, thèm khát một buổi tối có bố mẹ nằm cạnh bên như trước đây biến Tuyết Nhung thành cô bé chỉ thích lặng lẽ một mình. “Mọi người hay nói em tự kỷ, em không biết mình có như vậy không nữa”, cô nói.

Theo bà Hồng Hương, mất niềm tin vì cha mẹ ngoại tình còn ảnh hưởng trực tiếp đến mối quan hệ của trẻ với những người xung quanh. Trẻ thường mất niềm tin về giới, nghĩ rằng người đáng tin nhất mà gian dối thì còn tin được ai.

Đó là nguyên nhân khiến Đức Tùng bị nhấn chìm trong nỗi đau khổ của tình yêu. “Tôi không tin ai có thể chung thủy với một người cả đời”, Tùng nói.

Niềm tin đó ban đầu không quá lớn. Tùng vẫn có một mối tình kéo dài hơn 5 năm và dự định tiến đến hôn nhân. Thiệp đã phát đi nhưng khi nhà gái biết tin bố Tùng ngoại tình, họ không đồng ý cho con gái lấy anh. Chỉ còn hai ngày nữa đến đám cưới, anh năn nỉ cô thuyết phục gia đình. Nhưng cô gái chọn cách buông xuôi. “Từ đó tôi thêm hận bố và càng thêm mất niềm tin vào tình yêu”, anh nói.

Trải qua gần chục mối tình, anh đều là người chủ động chia tay trước, vì không muốn rơi vào thế bị động, không muốn người khác làm mình đau. Năm 35 tuổi, mới có một cô gái kiên nhẫn bên Tùng. Đó cũng là người anh chọn làm vợ. Ngày ăn hỏi, nhà gái muốn cả ba và mẹ anh đều đến nói chuyện người lớn chứ không phải chỉ có mẹ. Vết thương đã dịu lại như bị xới tung lên, Đức Tùng chủ động đề nghị hủy hôn.

Thạc sĩ công tác xã hội Trần Minh Hải cho biết, cú sốc cha mẹ ngoại tình còn biến những đứa trẻ vốn chăm ngoan, lễ phép bỗng không vâng lời, cãi lời người lớn và nổi loạn để giải tỏa.

Tuyết Nhung lầm lì, ít nói, nhưng từng không ít lần một mình đánh cả nhóm khi bị trêu chọc là “đồ không có cha lẫn mẹ”. Đến năm lớp 10, khi nghe bố kể chuyện mẹ ngoại tình, cô hoang mang hơn. Cô không dám hỏi thẳng mẹ, nhưng cũng không thể không để tâm đến lời của bố. Lẳng lặng tìm hiểu, Nhung phát hiện cả hai đều nói sự thật về đối phương nhưng lại nói dối về chính mình với con.

“Em chán đời nhưng cũng chưa đến mức bất cần đời. Dù sao em vẫn còn ông bà yêu thương để nương tựa”, Tuyết Nhung nói và cho biết, nhiều bạn đồng cảnh em kết thân trên mạng bỏ đi bụi vì thấy không được ai yêu thương.

Ông Minh Hải cảnh báo, những đứa trẻ nổi loạn vì cha mẹ ngoại tình có thể có hành vi phạm tội, gây mất an ninh xã hội. Là người làm việc với trẻ em đường phố hàng chục năm, ông từng tiếp xúc với không ít trẻ vi phạm pháp luật vì có cha hoặc mẹ ngoại tình.

Chuyên gia cho rằng yêu, kết hôn và chia tay là chuyện bình thường. “Nếu cuộc hôn nhân không thể cứu chữa hãy nói thật với con. Trẻ sốc, nhưng khi bình tâm lại, chúng không bị mất niềm tin vì cha mẹ gian dối”, ông Hải nói.

Với những đứa trẻ bị sốc tâm lý khi cha mẹ ngoại tình, ông cho rằng thay vì tâm sự với bạn bè, những người chưa đủ trưởng thành để đưa ra lời khuyên, hãy nói chuyện với người lớn mà mình tin tưởng (ông bà, cô bác, giáo viên hoặc cán bộ tâm lý). Tuyệt đối không nên chia sẻ chuyện riêng của gia đình lên mạng xã hội vì không ai hiểu hết chuyện của gia đình mình để đưa ra nhận xét khách quan, trẻ vẫn sẽ bị tổn thương nhiều nhất. Hơn nữa, nó sẽ rất tồi tệ nếu bố mẹ muốn quay lại với nhau.

Chuyên gia tâm lý trẻ em Hồng Hương khuyến nghị, ngay khi cuộc sống đang bình yên, cha mẹ nên dạy con cách “vệ sinh cho tâm hồn”. Tối thiểu 4 lần một tháng, trẻ hãy viết ra để trả lời những câu hỏi như: “Điều gì xảy ra không như ý của tôi?”, “Còn điều gì nữa?”, “Nếu còn điều cuối cùng, đó là gì?” và cuối cùng là câu thu gom “rác tâm hồn” bằng cách trả lời câu hỏi “Tôi đã có thêm bài học gì để vui hơn?”.

Đức Tùng thấy mình may mắn khi tìm được cô gái chấp nhận anh. Sau phản ứng của Tùng, hôn thê thuyết phục bố mẹ cô đồng cảm và chiều theo ý đôi trẻ. Giờ đây, khi nghĩ lại bố mình, Tùng xem đó là gương xấu, để anh không phạm vào.

Phạm Nga

* Tên nhân vật trong bài đã thay đổi.

Leave a Comment

0.0/5