“Khi bạn thấy nước nhỏ giọt bên ngoài thế này nghĩa là đường ống cao su đang bị rò rỉ”, Lulu nói trong một video đăng trên Bilibili với tên gọi Tutorials for Independent Girls – hướng dẫn các cô gái sống độc lập.
Trước đó, Lulu từng chia sẻ kỹ năng sống ở các nền tảng khác nhưng nó chỉ thật sự bùng nổ trong năm nay với tỷ lệ người độc thân Trung Quốc đang gia tăng.
Hộ gia đình một người đang chiếm 16,77%, theo Cục Thống kê Trung Quốc. Báo cáo của tổ chức nghiên cứu thị trường Beike Institution cho thấy người độ tuổi 20-39 sống một mình sẽ tăng đến mốc 40-70 triệu vào năm 2030.
“Nhu cầu tìm hiểu cách sửa chữa thiết bị trong nhà ngày càng lớn”, Lulu nói. Cô đã sống độc thân 13 năm, tự học cách sửa chữa nhiều thứ nên muốn giúp các cô gái giống mình.
Lulu tin rằng phụ nữ đang đối mặt với nhiều thách thức khi sống độc thân và lấy mình làm ví dụ. Từ nhỏ, cô có đam mê tháo rời máy móc và nghiên cứu các thiết bị nhưng bố mẹ cô không ủng hộ.
“Họ tin rằng có những điều con gái nên và không nên làm”, Lulu nói. “Nhưng tôi nghĩ bản thân mình mới có quyền quyết định mình sẽ học những gì”.
Phần lớn người theo dõi Lulu là Gen Z. Cô tự nhận mình không giỏi nhưng cam kết luôn học hỏi, thực hành để dạy lại người theo dõi.
Nhưng không phải lúc nào cô cũng may mắn. Lulu từng làm hỏng máy giặt khi cố kết nối thiết bị này với vòi nước. Cô phải thuê thợ tháo gỡ và trong quá trình đó, cô đã học được phương pháp đúng.
Cô gái đang học chứng chỉ dành cho thợ điện để mở rộng kiến thức và cung cấp nội dung đa dạng cho người xem. “Thuê thợ thì đơn giản nhưng các cô gái biết sửa điện sẽ tiết kiệm được tiền và nhiều rắc rối kèm theo”, Lulu nói.
Đầu tháng 5, video dạy pha dung dịch rửa kính ôtô của Lulu đã thu hút hơn 774.000 lượt xem. Cô không chỉ hướng dẫn quy trình mà còn chia sẻ những mẹo hữu ích, giới thiệu vài loại dung dịch chống đóng băng cho những người sống ở miền Bắc Trung Quốc.
“Nhiều phụ nữ độc thân cảm thấy sợ hãi vì họ không quen thuộc với các thiết bị”, Lulu nói.
Một người theo dõi của Lulu kể rằng cô từng chán nản khi nhận nhiều chỉ trích của bố mẹ và xã hội. Cô tự hỏi việc trở thành con gái liệu có ý nghĩa không. Nhưng nhờ video của Lulu, người này đã tự tin và thử sửa chữa mọi thứ mình cần.
Thậm chí, một số người theo dõi là nam cũng theo dõi video của Lulu. Họ gọi cô là chị gái.
“Tôi hạnh phúc khi mọi người thích học hỏi và làm chủ cuộc sống của mình”, Lu nói.
Ngọc Ngân (Theo China Daily)