Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Nữ cầu thủ Việt và lời hứa với anh trai đã mất

Đó là cách nữ cầu thủ đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam tưởng nhớ người anh gần hai mươi năm trước khi cô vừa tốt nghiệp cấp 3.

“Khi biết tin anh mất, tôi như bị mắc kẹt trong những cơn ác mộng và không thể thức dậy”, Trần Thị Thùy Trang hồi tưởng. Nhưng nhớ tới lời hứa theo nghiệp thể thao để thực hiện ước mơ còn dang dở của anh, Trang lại lao vào ôn thi đại học.

Hai tháng sau, cô gái sinh năm 1988 đỗ Đại học Thể dục thể thao TP HCM và là người duy nhất trong gia đình 9 anh em vào được đại học. Hoàn thành bốn năm cử nhân, Trang mới chính thức theo bóng đá chuyên nghiệp khi đã sang tuổi 22.





Trần Thị Thùy Trang ăn mừng sau khi ghi bàn giúp đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam thắng Myamar 3-1 tại vòng bảng bóng đá nữ Seagame 32. Ảnh: Đức Đồng

Trần Thị Thùy Trang ăn mừng sau khi ghi bàn giúp đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam thắng Myamar 3-1 tại vòng bảng bóng đá nữ Seagame 32. Ảnh: Đức Đồng

Ba mươi năm trước, người dân thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam biết đến Thùy Trang là một cô bé luôn chạy cùng trái bóng. Mỗi lần đi học về, trong khi các bạn nữ khác tụm năm tụm ba chơi đồ hàng, Trang đá bóng cùng anh trai và đám bạn quanh xóm. Ngay cả khi không có ai chơi cùng, Trang vẫn luôn mang theo trái bóng và “bạn chơi” là những bức tường. “Có lúc tôi sút bóng vào tường cả buổi chiều. Đến bữa mẹ phải chạy đi tìm, gọi về ăn cơm”, cô kể. Kỹ năng chơi bóng của Trang dần được cải thiện bởi những buổi chiều như thế.

Huấn luyện viên của Trang là anh Năm, người thân thiết với cô nhất trong nhà. Ngay từ nhỏ, anh Năm luôn coi em gái như đồng đội cùng lứa. Nhưng bố mẹ họ lại không nghĩ vậy. “Tại sao con gái lại đá bóng? Bêu nắng vừa đen vừa xấu có ra hồn người không?”, bà Hồ Thị Lệ Hồng, mẹ Trang thường xuyên mắng khi lôi con gái về từ sân bóng.

Để khiến Trang bỏ bóng đá, không ít lần bà Hồng dùng roi răn đe. Mỗi lần như thế cô bé dỗi, bỏ ăn cả ngày. Nhưng thấy cách này vừa mệt, vừa không hiệu quả, Trang đổi chiến thuật, chăm học hơn để mẹ không có cớ bắt nghỉ đá bóng. Dần dà, thấy thành tích học tập của con vẫn tốt, nhà trường lại liên tiếp cử đi thi đấu cấp huyện rồi cấp tỉnh, bà Hồng cũng nguôi ngoai.

Năm lớp 12, anh Năm định hướng cho Trang thi Đại học Thể dục Thể thao TP HCM, nơi cô có cơ hội trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Đây cũng là ước mơ dang dở của anh. Trước đây vì một khiếm khuyết nhỏ trên cơ thể mà anh vuột mất cơ hội trở thành thủ môn cho một đội bóng cấp tỉnh.

“Anh không làm được thì mày làm thay”, anh Năm vỗ vai Trang khi dẫn cô nộp hồ sơ đại học. Thế nhưng chưa kịp nhận giấy báo thi, anh mất đột ngột trong một vụ tai nạn sau đó vài ngày.

Vào đại học, Thùy Trang mang theo ước mơ còn dang dở của anh trai mình.

Năm 2009, trong giải Futsal sinh viên TP HCM, Trang được bầu là cầu thủ xuất sắc nhất. Cô được mời lên đội tuyển nữ TP HCM nhưng vì muốn chú tâm hơn cho việc học, Trang từ chối.

Trong lễ tốt nghiệp đại học một năm sau đó, Trung tâm Thể dục Thể thao thành phố tiếp tục mời cô lên tuyển. Cô gái 22 tuổi lại nhìn lên trời tự nhủ: “Giờ em đã đủ tự tin để thực hiện ước mơ của anh”.

Vào đội tuyển, so với những cầu thủ trẻ có sức bật, bền và khả năng đi bóng tốt, thể lực và kỹ thuật của Trang không bằng. Cô thi đấu hết hiệp một là đuối sức, thường xuyên bị chuột rút. “Lúc này tôi hiểu, phải học cách trưởng thành nhanh chóng, nếu không sẽ khó tồn tại”, Trang nói.

Kể từ đó, cô tự lên giáo án tập thêm vào ban đêm, từ tập sút bóng, chuyền rồi làm hàng rào tập sút phạt. Năm 2010, Trang được bổ sung vào danh sách đội tuyển thành phố để tranh giải Futsal toàn quốc. Năm đó, cô cùng đội giành huy chương đồng. Từ thành tích này, năm 2011, cô được gọi vào đội tuyển Futsan Việt Nam và thi đấu tại SEA Games 26, 27, đổi màu huy chương từ bạc sang vàng. Đến năm 2014, Thùy Trang được gọi vào đội tuyển bóng đá nữ quốc gia, khi vừa bước sang tuổi 26.

Ở đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam, Trang luôn là sự lựa chọn hàng đầu của huấn luyện viên Mai Đức Chung khi cần một tiền vệ trung tâm đủ tin cậy. Cô luôn có mặt trong danh sách thi đấu chính thức tại các giải lớn có đội tuyển tham gia.

Nhận xét về đồng đội cũng là người chị của mình, cầu thủ Huỳnh Như chia sẻ, Trang là cô gái có ý chí mãnh liệt, chơi futsal tốt, chơi bóng đá 11 người cũng tốt. “Đồng đội gọi Trang với biệt danh là ‘người không phổi’ bởi sự nhiệt huyết, thi đấu, đeo bám đối thủ không biết mệt mỏi”, Huỳnh Như nói.

Suốt 11 năm đá bóng chuyên nghiệp, Thùy Trang có 7 lần vô địch quốc gia, ba lần vô địch Cúp quốc gia, một huy chương vàng và hai huy chương bạc Đại hội TDTT toàn quốc, bốn huy chương SEA Games.

Năm 2022, Trang cũng đạt danh hiệu Quả Bóng Bạc và là một trong 12 gương mặt tiêu biểu của TP HCM.





Trần Thị Thùy Trang và mẹ trong lễ trao giải Quả bóng vàng Việt Nam năm 2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trần Thị Thùy Trang và mẹ trong lễ trao giải Quả bóng vàng Việt Nam diễn ra năm 2022 tại TP HCM, tháng 2/2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thành tích là vậy nhưng mỗi tháng lương vận động viên của Trang chỉ 5 triệu đồng. Để kiếm thêm, Trang nhận làm trọng tài cho các giải phong trào với thu nhập 100.000-200.000 đồng mỗi trận và thường kết thúc công việc lúc tối muộn. Số tiền này đủ để cô trang trải cuộc sống cũng như gửi về quê phụ giúp ba mẹ.

Sáu năm trước, mẹ Trang phát hiện ung thư dạ dày giai đoạn ba. Thời điểm đó, vì gia cảnh khó khăn nên cô được bạn bè và mạnh thường quân quyên góp ủng hộ. Nhưng một bi kịch nữa xảy đến với gia đình khi người anh thứ 7 vì bệnh nặng cũng qua đời. Thời điểm này bố cô cũng bị tai biến, nằm liệt một chỗ.

Biến cố xảy ra liên tiếp, thời điểm bế tắc nhất, Trang có ý định giải nghệ. Khi đó cô xin phép nghỉ một tháng chăm mẹ trong viện. Có lần thấy con gái lặng lẽ nhìn xa xăm, bà Hồng động viên: “Dù mọi việc thế nào, con cũng không được từ bỏ đam mê”.

Trang hiểu, đam mê của cô chính là bóng đá. Cô thấu hiểu những nỗ lực mà bản thân đã trải qua, những cố gắng và sự giúp đỡ của ba mẹ để con gái theo đuổi ước mơ. Rồi còn đồng đội, cổ động viên và người hâm mộ, Trang nhận ra nếu từ bỏ trái bóng, trái tim cô dường như đã chết một nửa.

Lá đơn xin nghỉ nhàu nát vì nhiều lần đắn đo mở ra gấp lại, cuối cùng được cất lại trong tủ. Giờ mục tiêu duy nhất của cô gái này là cùng đồng đội tập trung thi đấu tại World Cup 2023 sắp tới. Đến giờ, Trang vẫn không thể quên tiếng còi kết thúc trận đấu playoff với tuyển nữ Đài Loan để xác định đội vào vòng chung kết hơn một năm trước.

“Lúc đó tôi đã òa khóc vì quá hạnh phúc. Chắc chắn ở trên đó, anh trai vẫn dõi theo và chứng kiến tôi thi đấu 200% sức lực của mình”, cô nói.





Thùy Trang (áo đỏ) dùng tiền thưởng của mình mua quà tặng người nghèo, bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn tại Bệnh viện phía Bắc Quảng Nam trước khi trở lại tập trung cùng đội tuyển sau SEA Games 32, ngày 20/5. Ảnh nhân vật cung cấp.

Thùy Trang (áo đỏ) dùng tiền thưởng của mình mua quà tặng người nghèo, bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn tại Bệnh viện phía Bắc Quảng Nam trước khi trở lại tập trung cùng đội tuyển sau SEA Games 32, ngày 20/5. Ảnh nhân vật cung cấp.

Chưa từng tìm hạnh phúc cho riêng mình, với Trang, hạnh phúc của cô chính là nhìn thấy bố mẹ, anh chị em trong nhà được bình yên, vui vẻ. Nhiều năm nay, nữ tuyển thủ còn tham gia nhiều chương trình thiện nguyện, ủng hộ đồ ăn thức uống cho những hoàn cảnh khó khăn từ những khoản tiền thưởng sau mỗi lần thắng giải.

Có thể sau World Cup 2023, ở tuổi 35, Thùy Trang sẽ giải nghệ, trở thành huấn luyện viên hoặc một giáo viên thể dục giống như mong muốn của ba mẹ. Trước mắt cô gái này vẫn đang nỗ lực tập luyện hết mình vì màu cờ sắc áo Việt Nam ở World Cup, giải đấu mà mọi cầu thủ đều mong một lần được góp mặt.

Hải Hiền



Leave a Comment

0.0/5