Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Osin ngoại ở Sài Gòn

Người phụ nữ Philippines 43 tuổi làm giúp việc gia đình ở Việt Nam 8 năm, hai năm đầu cho một gia đình người nước ngoài, 6 năm làm cho các gia đình người Việt. “Mỗi tháng, trừ chi phí sinh hoạt tôi để dành được khoảng 12 triệu đồng gửi về quê cho chồng nuôi con”, Caren nói.

Cô cho biết khu trọ ở phường Thảo Điền được gọi là “xóm osin ngoại” bởi tập trung hầu hết người Philippines làm nghề này. Con đường sang Việt Nam của họ khá giống nhau. Ban đầu làm cho một gia đình người nước ngoài. Khi gia chủ đầu tiên về nước, những osin quyết định ở lại, chuyển sang làm việc cho các gia đình Việt.

“Làm cho các gia đình Việt có mức lương gần bằng cho người nước ngoài, khoảng 15-20 triệu đồng mỗi tháng, thậm chí còn hơn”, Caren cho biết. Công việc của cô hiện nay là trông nom, chăm sóc một em bé ba tuổi (con gia chủ) và dọn dẹp nhà cửa nhưng không phải nấu ăn.

“Chủ nhà muốn tự nấu để hợp khẩu vị món Việt, tôi chỉ phụ bếp”, cô nói.





Caren hiện đang ở trọ tại phường Thảo Điền, TP Thủ Đức cùng với ba người bạn Philippines khác, tối 20/4. Ảnh: Minh Tâm.

Caren đang ở trọ tại phường Thảo Điền, TP Thủ Đức với ba đồng hương người Philippines, tối 20/4. Ảnh: Minh Tâm

Không chỉ dọn dẹp, giám sát trẻ, Caren còn là gia sư cho em bé con gia chủ. Cô dạy tiếng Anh, hướng dẫn cách bảo vệ, chăm sóc cơ thể, những phép lịch sự tối thiểu và kèm học bài. Buổi tối trước khi bé đi ngủ, cô có nhiệm vụ đọc sách hoặc truyện cho bé nghe bằng tiếng Anh.

“Cô bé chỉ mới ba tuổi nhưng nói tiếng Anh mỗi ngày với tôi. Những lúc không có mẹ, con bé cứ quấn lấy tôi gọi to ‘Caren’ rồi chạy tới ôm”, cô kể.

Theo Caren, lương giúp việc ở Việt Nam không cao bằng ở Philippines nhưng người Việt rất thoáng, có tháng làm thiếu ngày vẫn trả đủ lương. Thêm vào đó, vật giá ở đây rẻ hơn nên số tiền để dành được cao hơn so với làm ở trong nước.

Anh Nguyễn Thanh Nhật, 35 tuổi, sống gần khu trọ của Caren ở phường Thảo Điền cho biết khoảng 5 năm trở lại đây số người nước ngoài sang Việt Nam làm giúp việc ngày càng đông. “Xóm osin ngoại” gần nhà anh có khoảng 20 người, thuộc nhiều quốc tịch nhưng đông nhất là Philippines. “Cứ buổi chiều cứ dạo ở khu chợ trời trên đường Quốc Hương sẽ thấy họ đi mua hàng hoặc dẫn trẻ đi dạo”, anh Nhật nói.

Chị Trần Thanh Phương (30 tuổi) nhà ở phường Thảo Điền cho biết trước đây từng thuê người Việt làm giúp việc gia đình. Khi chị sinh em bé, họ kiếm cớ đặt nhiều yêu cầu ngoài thỏa thuận gây khó chịu và buộc phải cho nghỉ.

“Đa phần osin người Việt đều qua công ty môi giới nên đôi lúc họ không vừa lòng chủ là nghỉ ngang. Tôi phải mất thêm phí dịch vụ một triệu đồng kiếm người khác”, Phương kể. Nhiều lần như thế nhưng giúp việc không đảm chất lượng buộc chị phải thuê người nước ngoài.

Theo Phương, osin ngoại rất tự giác trong công việc, không bao giờ phải để chủ nhắc. Họ còn chủ động làm những việc không phải bổn phận của mình. “Đơn cử như khâu giặt đồ, họ phân thành loại màu đậm, nhạt giặt riêng, kỹ lưỡng từ khâu ủi đồ, từ chăn ga, gối nệm và cả nội y”, chị nói.

Những osin ngoại có thêm lợi thế tiếng Anh nên thuận lợi hơn trong việc dạy ngoại ngữ từ sớm cho trẻ em. “Hài lòng nhất là họ làm rất chuyên nghiệp, chỉ hết việc chứ không hết giờ và không bao giờ ‘buôn chuyện’ của nhà chủ với người ngoài”, Phương cho biết thêm.

Nguyễn Thu Trang, 35 tuổi, ở khu Phú Mỹ Hưng, quận 7 có trải nghiệm giống chị Phương. “Người Việt qua các trung tâm không chăm chỉ. Họ có tư tưởng dễ dàng bỏ việc vì nghĩ mình có thể quay lại trung tâm tiếp tục kiếm việc khác”, chị nói.

Gia đình chị Trang hiện thuê một giúp việc người Philippines với mức lương 20 triệu mỗi tháng. Chị thấy hài lòng với số tiền bỏ ra bởi người giúp việc không chỉ biết làm việc nhà, nấu ăn ngon, chăm sóc trẻ em kiêm gia sư dạy tiếng Anh mà còn biết sơ cứu và lái ôtô. “Họ làm chỉ hai, ba tiếng đã xong hết việc trong gia đình. Cái gì không biết, họ sẽ chủ động lên mạng tìm thông tin”, nữ chủ nhà kể.

Theo khảo sát của VnExpress, tại TP HCM, lao động nước ngoài giúp việc gia đình tập trung nhiều ở quận 7 và TP Thủ Đức. Họ sống tại các khu trọ khoảng 20-30 người.

Ông Trần Phương Nam, Phó chủ tịch phường Thảo Điền, cho biết trên địa bàn hiện có hơn 8.600 người nước ngoài, từ 109 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký cư trú. Trong đó, người có quốc tịch Philippines là 376. Tất cả đều đăng ký và có giấy tờ cư trú, giấy phép lao động hợp pháp. “Có 84 người đăng ký làm giúp việc toàn thời gian”, ông Nam nói.





Bà Rosemarie chia sẻ bức ảnh gia đình chủ nhà người Hà Lan, nơi làm việc mà bà cảm thấy trân quý nhất. Ảnh: Minh Tâm.

Bà Rosemarie chia sẻ bức ảnh gia đình chủ nhà người Hà Lan, nơi làm việc mà bà cảm thấy trân quý nhất. Ảnh: Minh Tâm

Giải thích vì sao người giúp việc Philippines được ưa chuộng tại TP HCM, bà Rosemarie (59 tuổi) cho biết trước khi sang Việt Nam, họ đều phải tham gia một khóa đào tạo gần một năm chuyên về giúp việc nhà, chăm sóc người già, em bé và các kỹ năng như sơ cứu, cứu hỏa.

Rosemarie kể năm 2011 sau khi chồng mất, gánh nặng kinh tế đè nặng lên vai. Một người họ hàng xa rủ Rosemarie sang Việt Nam làm việc. Ban đầu, bà làm trợ giảng tại một trung tâm Anh ngữ ở quận 7, lương 300 USD mỗi tháng. Mức này quá thấp không đủ sống và nhận ra làm bảo mẫu cho các gia đình có thể kiếm được nhiều hơn, bà quyết định đổi việc.

Rosemarie đang giúp việc cho một gia đình Việt Nam ở phường Thảo Điền, lương 15 triệu đồng mỗi tháng.

“Tôi thấy may mắn khi được làm việc tại Việt Nam. Công việc ổn định, thu nhập khá. Nhờ vậy mà cuộc sống các con tôi ở quê nhà cũng được cải thiện”, bà nói.

Minh Tâm



Leave a Comment

0.0/5