Trong năm ngày, có 400 người từ 50 công ty đã quét mã QR liên hệ với Xiang Yaohan. Anh có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và hy vọng tìm được công việc liên quan ngành nhưng nhiều công ty livestream, bảo hiểm và bất động sản cũng gọi. Tuy chưa tìm được việc nhưng Xiang nói đây là trải nghiệm ít tốn kém và thú vị.
Xiaotu, 23 tuổi, đang nỗ lực tìm bạn gái nhưng ứng dụng hẹn hò không hiệu quả với anh. Chàng trai quyết định đặt quảng cáo cá nhân trên áp phích kích thước ngang 6,5 mét và dài 1,7 mét ở Quảng Châu.
Anh chọn hình ảnh mình mặc vest, mỉm cười, mô tả bản thân yêu nhiếp ảnh, cung hoàng đạo là Thiên Bình mong tìm được người phù hợp. Trong năm ngày, có 200 người bạn đã kết bạn với Xiaotu bằng hình thức quét mã QR.
Tương tự với Li Linyu, 30 tuổi, đang là nhân viên công nghệ. Cô muốn mừng sinh nhật chồng bất ngờ nên tự thiết kế ảnh chồng với đồ họa hoạt hình, vẽ bánh sinh nhật và vương miện. Li đã mua quảng cáo ở lối vào ga tàu điện ngầm khiến chồng ngạc nhiên khi thấy bản thân trên màn hình LED khổng lồ.
“Anh ấy đã choáng váng bởi chưa bao giờ nghĩ mình có thể xuất hiện trên một tấm biển quảng cáo tàu điện ngầm”, cô kể.
Quảng cáo bản thân trên ở các ga tàu điện ngầm đã trở thành làn sóng ở các thành phố lớn như Quảng Châu, Bắc Kinh, Thành Đô, Hàng Châu và Trịnh Châu.
Nhà quản lý tàu điện ngầm đã mở rộng quảng cáo sang nội dung cá nhân chẳng hạn như tìm kiếm việc làm, cầu hôn, lời chúc mừng sinh nhật hoặc bày tỏ lòng biết ơn với giáo viên.
Thành phố 19 triệu dân Quảng Châu có 50% người đi tàu điện ngầm mỗi ngày. Tuyến tàu điện ngầm Quảng Châu có mật độ hành khách cao nhất Trung Quốc với lượng hành khách trung bình hàng ngày là 8,57 triệu người vào năm ngoái và doanh thu vé gần một triệu USD.
Giá quảng cáo cá nhân dao động 52-140 USD, tùy thuộc vào vị trí, loại quảng cáo và thời gian khác nhau. Fang Xiaochang, giám đốc bộ phận tiếp thị tàu điện ngầm Quảng Châu, nói dịch vụ quảng cáo cá nhân ra mắt đầu 2024 và nhanh chóng trở thành cơn sốt, nhu cầu tăng cao từ tháng 6.
So với quảng cáo thương mại, quảng cáo cá nhân kết nối tốt hơn với hành khách, thu hút chú ý của người qua đường và thường được chia sẻ trên phương tiện truyền thông xã hội.
Zhou Xiaopu, giáo sư khoa Báo chí và Truyền thông của Đại học Nhân dân Trung Quốc, nói giới trẻ đã không còn dè dặt như thế hệ trước. Họ háo hức thể hiện bản thân, cá tính và chia sẻ cuộc sống của họ. Quảng cáo cá nhân tại các ga tàu điện ngầm là dịch vụ đáp ứng được nhu cầu này.
Bà nói trong khi mạng xã hội đang tạo không gian để mọi người chia sẻ ý kiến thì việc thể hiện cá nhân trực tiếp trên phương tiện truyền thông công cộng vẫn còn hiếm.
Do đó, bằng cách cho phép quảng cáo cá nhân, tàu điện ngầm ở thành phố lớn đang hướng đến mục tiêu mở rộng khách hàng, đa dạng doanh thu và giải quyết tình trạng suy giảm quảng cáo thương mại.
Ngọc Ngân (Theo Think China, CNN)