Tiểu Hà, 26 tuổi, ở Tùy Châu, tỉnh Hồ Bắc có thói quen tiết kiệm từ khi còn tiểu học. Ngày đó mỗi tuần cô được bố mẹ cho 5 tệ (18 nghìn đồng) tiêu vặt, song vẫn tiết kiệm được một nửa. Số tiền này được Hà nuôi lợn đất, sau này chính nó đóng góp vào chi phí sinh hoạt đại học của cô.
Năm 2017, Tiểu Hà có bạn trai cùng quê, cũng là sinh viên tại Đại học Vũ Hán. Ngay từ lúc mới yêu họ đã thống nhất sẽ mua nhà và xe ở thành phố trước khi kết hôn.
Họ lên kế hoạch tiết kiệm ngay khi ra trường. Lương của Tiểu Hà chỉ 5.000-6.000 tệ (khoảng 20-21 triệu đồng), lương của bạn trai cao hơn một chút, từ 7.000-8.000 tệ (khoảng 27-28 triệu đồng). Nhưng ở Vũ Hán chi phí sinh hoạt của hai người không hề thấp vì phải thuê nhà, điện, nước và phí cầu đường. Để tạo dựng chỗ đứng ở tại đây, họ tập trung tối đa cho tiết kiệm.
Họ chỉ chi 650 tệ mỗi tháng thuê nhà (2,2 triệu đồng), một khoản nhỏ cho giao lưu đồng nghiệp. Còn việc ăn uống tại nhà chỉ trong khoảng 300 tệ mỗi tháng cho cả hai người. Cụ thể, chi phí mua 10 kg gạo hết 40 tệ (140.000 đồng), 30 tệ rau (100.000 đồng). Có những thời điểm Tiểu Hà nấu cà tím, khoai tây xào, xúc xích và mỳ để lấp đầy cái bụng đói suốt một tháng. Hiếm khi họ ăn thịt.
Cả hai không ăn ngoài, không đi chơi. Cô gái trẻ kể thời mới yêu bạn trai thường tặng quà cho cô vào các dịp lễ, khi là bó hoa giá 70 tệ, dây chuyền hơn 100 tệ, túi xách 500 tệ. “Tất cả đều quá xa hoa và lãng phí. Tôi bảo anh nên để dành cho quà cưới thì tốt hơn”, Tiểu Hà nói.
Nhờ vào tiết kiệm, tăng thu nhập và thưởng cuối năm Tết 2023, họ đặt cọc mua chiếc ôtô 200.000 tệ và đến tháng 3/2024 đã đặt cọc mua ngôi nhà 114 m2, giá 830.000 tệ. Số tiền đặt cọc có sự hỗ trợ 100.000 tệ của nhà trai, 50.000 tệ của nhà gái, còn lại là tiền tiết kiệm của cả hai.
Hiện tại, mức lương chồng sắp cưới của Tiểu Hà là 14.000 tệ (gần 50 triệu đồng); còn cô mới thất nghiệp, đang chuyển sang kiếm tiền bằng sáng tạo nội dung. Hàng tháng họ phải trả 2.000 tệ mua nhà (sử dụng quỹ dự phòng), 3.125 tệ mua ôtô và 1.800 tệ thuê nhà. Chi tiêu ăn uống vẫn duy trì tiết kiệm, chỉ là không quá khắt khe như trước. Tổng chi tiền ăn và mua quần áo vẫn không quá 1.000 tệ mỗi tháng. Trừ đi các khoản, họ vẫn tiết kiệm được 6.000-7.000 tệ.
Cách chi tiêu vẫn đang đúng định hướng. Họ có thể trả hết khoản vay mua ôtô vào cuối năm nay và cố gắng để dành 120.000 tệ (420 triệu đồng) để làm nội thất nhà vào đầu năm tới.
Mục tiêu tiếp theo của đôi trẻ là đính hôn và tổ chức đám cưới, sau đó đi du lịch Hồ Nam, điều họ dự định bấy lâu chưa thực hiện được. “Tôi sẽ không bị chủ nghĩa tiêu dùng tẩy não. Tôi có lý tưởng và mục tiêu của riêng mình”, Tiểu Hà nói.
Lối sống khổ của đôi trẻ đã trở thành chủ đề được tìm kiếm nhiều nhất trong tuần qua. Rất nhiều người phê phán, với quan điểm cuộc đời sống được bao nhiêu để phải kham khổ như vậy. Một số cũng phân tích bữa ăn 300 tệ cho hai người, tương đương 5 tệ mỗi bữa gần như không thể thực hiện ở các thành phố.
Một số đồng tình việc kiếm tiền và tiết kiệm là chuyện đương nhiên nhưng theo lối sống này thì họ không thể làm được.
Tiểu Hà cho biết cách tiết kiệm tiền của mình có thể bị một số người coi thường nhưng cô không quan tâm và không hề có cảm giác tự ti hay thấp kém. Bởi cô đã sở hữu nhà và xe, đã có tài sản cố định. Đây là sự đảm bảo lớn nhất và chỗ dựa đáng tin cậy nhất cho cuộc sống tương lai.
“Để có được chỗ đứng ở thành phố lớn, tôi tin rằng trước hết là cay đắng, sau đó là ngọt ngào”, cô nói.
Bảo Nhiên (Theo Sohu)