Anh Của, 39 tuổi, ở huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La đang điều trị ung thư vòm họng tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, huyện Thanh Trì. Nghỉ việc từ tháng 6 nên người đàn ông dân tộc Mông cố tiết kiệm hết mức.
Trong chiếc balo hành trang xuống Hà Nội của anh luôn có chiếc chăn mỏng và gối, thấy ghế đá trống hoặc nơi vắng người sẽ trải ra ngủ trưa. Đến đêm, anh thử lên khoa đang điều trị tìm giường trống xin ngủ nhờ hoặc vạ vật ngoài hành lang, nơi kê các hàng ghế dài.
Ngày 24/9, anh Của xuống Hà Nội truyền hóa chất và được người bạn mách có hộ dân trong ngõ 4 đường Cầu Bươu, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì cho ở miễn phí.
Vừ A Của được mời vào ở trong căn nhà rất khang trang. Chủ nhà kê bốn giường tầng, có đầy đủ chiếu, chăn, gối ở phòng khách. Phía sau là khu vệ sinh, bếp nấu ăn cùng không gian phơi đồ. “Từ nay không còn sợ những ngày mưa gió, bản thân cũng an tâm chữa bệnh”, anh Của nói.
Nơi anh Của là nhà của chị Nguyễn Thị Kiều Oanh. Gia đình chị mới chuyển về đây hai tháng. Chứng kiến bệnh nhân và người nhà thường xuyên phải vạ vật trong khuôn viên bệnh viện, quán nước, vỉa hè chờ lấy kết quả hoặc đợi đến lượt khám, chị nảy ý định cải tạo không gian tầng một làm nơi ở miễn phí. Tầng hai là nơi sinh hoạt của gia đình.
“Ban đầu tôi muốn mở bếp ăn miễn phí nhưng có nhiều đoàn từ thiện đang làm việc này nên quyết định biến tầng một thành chỗ nghỉ ngơi cho bà con”, chị Oanh nói.
Trước khi đón mọi người vào ở, vợ chồng chị nâng nền nhà cao thêm 50 cm, lát gạch và sơn tường cho sạch sẽ, tránh ẩm mốc. Họ tìm mua bốn chiếc giường tầng loại lớn, đủ cho 16 người sử dụng.
Biết chị Oanh tìm giường làm phòng trọ miễn phí cho bệnh nhân ung thư, người bán nói không lấy tiền. Một số cá nhân khác gửi tặng chăn, gối hoặc tiền.
Nhờ sự góp sức của vợ chồng chị Oanh và cộng đồng, căn phòng trọ 0 đồng hoàn thiện và đi vào hoạt động hôm 22/9.
Bà chủ nhà 45 tuổi chia sẻ thông tin lên trang cá nhân và phát tờ rơi trước cổng bệnh viện để người cần biết đến. Sau một ngày, chị Oanh liên tục nhận các cuộc gọi hỏi chỗ ở miễn phí của bệnh nhân ở các tỉnh. Có người muốn đến từ đêm để kịp sáng sớm vào viện khám, số khác nói qua nghỉ trưa trong lúc chờ kết quả. Chị đã đón được 6 người vào ở, một số khác đang hẹn lịch đến.
Một số bệnh nhân xin được ở lâu dài nhưng chị Oanh buộc phải từ chối. Chị giải thích mục đích mở phòng trọ là muốn tạo chỗ ở tạm thời trong vài ngày cho người cần, cơ sở vật chất cũng chưa thể đáp ứng để ở dài ngày, dù bản thân rất muốn.
“Mọi người có thể đến bất kể giờ nào, khi cần”, chị Oanh nói. Trong thời gian tới chị dự định cải tạo không gian sau nhà rộng 30 m2 để đặt thêm 6 giường tầng và khu sinh hoạt chung.
Biết có chỗ tá túc miễn phí gần Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, Mai Ngọc, 28 tuổi, ở Hải Phòng liên lạc để người thân đến ở trong lúc chờ làm thủ tục nhập viện.
“Nhờ có điểm dừng chân khang trang, sạch sẽ tôi không còn lo phải vạ vật ngoài đường hay cắn răng chi vài trăm nghìn đồng tiền thuê phòng trọ mỗi ngày”, Ngọc nói.
Quỳnh Nguyễn