Sau khi đi xăm lông mày, cấy lông mi về, chị Thu háo hức ra mắt chồng, nhưng anh Cường nhăn mặt, bảo nhìn như có hai con đỉa bò dưới trán vợ.
“Anh đúng là không có thẩm mỹ”, chị Nguyễn Thị Thu, 38 tuổi, ở Nam Định trách chồng, nhưng cũng thấy chột dạ. Từ bữa ấy, cứ thấy mặt chị là ông xã lắc đầu, thở dài thườn thượt. Còn chị cứ mong “mấy hôm mực trôi bớt sẽ đẹp” như lời quảng cáo.
Nhưng đợi nửa tháng, một tháng, lông mày của chị Thu không bớt mực mà lại đỏ, sưng và có mủ. Bình thường đau đầu chị vợ cũng sẽ than với chồng, nhờ thuốc thang. Lần này, chị không dám kêu, âm thầm gọi cho em gái nhờ chở đi phòng khám da liễu lấy thuốc.
Vợ chồng Thu bằng tuổi nên sau sinh hai đứa con, chị thường bị nhà ngoại chê già hơn chồng, giục phải chăm chút hình thức để giữ chồng. Nghĩ xăm môi, xăm mày cũng đơn giản, không đau bằng đẻ mổ mà lại đẹp lên nên chị âm thầm đi làm, tạo bất ngờ cho anh Cường.
Ở Hà Nội, chị Hồng Hạnh, 32 tuổi, cũng quyết định phẫu thuật nâng ngực và cắt da bụng sau hai lần sinh con vì thấy thiếu tự tin khi gần gũi chồng.
Chị tham gia hàng chục nhóm về phẫu thuật thẩm mỹ trên mạng xã hội để chọn. Sau một tuần lặn lội, Hạnh tìm được bác sĩ phẫu thuật, lên lịch đi “đại tu” nhan sắc. Chị hỏi ý kiến chồng nhưng anh khuyên không nên phẫu thuật ngực vì nguy hiểm và quan trọng nhất là “vợ như cũ vẫn yêu”.
Nhưng chị không tin lời chồng. Bằng chứng là từ khi chị sinh con thứ hai xong, anh không còn muốn đụng chạm đến vợ nữa. Tranh thủ dịp hè, chị xin phép đưa các con về ngoại chơi hai tháng, thực chất là để đi làm ngực.
Ca phẫu thuật thành công ngoài mong đợi. Hồng Hạnh tự tin với diện mạo, tưởng tượng chồng sẽ ngạc nhiên thế nào khi ngoại hình mình thay đổi. Nhưng trái với mong đợi của chị, anh Đức mặt hằm hằm tức giận, bảo vợ đua đòi, không được sự đồng ý của chồng nhưng tự ý làm. “Anh ấy bảo bỏ tiền thật đi làm đồ giả, nói thấy ghê khi cảm giác vợ mình như ma nơ canh”, chị nói.
Hai vợ chồng xa nhau suốt vài tháng liền, nay ngủ chung giường nhưng anh Đức không chạm vào người vợ, dù chị chủ động. Họ bực dọc với nhau, nói chuyện gì cũng được đôi câu lại cãi lộn.
Phẫu thuật thẩm mỹ để cải thiện nhan sắc, giữ chồng như chị Hồng Hạnh hay chị Thu ngày càng là lựa chọn của nhiều người. Trong một hội thảo về phẫu thuật thẩm mỹ, chuyên gia cho hay mỗi năm, chỉ tính riêng ở TP HCM có khoảng 250.000 người quyết định can thiệp dao kéo, trong đó có 100.000 người ở độ tuổi 25-35 tuổi.
TS. BS Phạm Thị Việt Dung, trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội cho biết có ba nhóm phụ nữ thường can thiệp thẩm mỹ, đó là những người mất tự tin về ngoại hình, phụ nữ muốn làm mới mình sau đổ vỡ hôn nhân và cũng không ít phụ nữ vì có chồng đẹp, trẻ, thành đạt nên tìm đến thẩm mỹ để giữ chồng.
Có điều nhiều người trong số đó tìm đến bà Việt Dung do phẫu thuật ở các cơ sở không uy tín khiến họ không đẹp lên mà xấu đi, thậm chí gặp biến chứng nguy hiểm. “Họ mong làm đẹp để giữ chồng, nhưng cuối cùng lại nảy sinh mâu thuẫn, cãi vã với bạn đời. Thậm chí có người phải ly hôn”, bà Việt Dung nói.
Tuy nhiên, bác sĩ cũng thấy có người dù biến chứng không đáng kể thì chồng cũng có thái độ khó chịu. Theo tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thị Minh, giảng viên Học viện hành chính quốc gia TP HCM, sở dĩ có những ông chồng khó chịu khi vợ phẫu thuật thẩm mỹ bởi họ là kiểu người truyền thống, thích vợ đẹp tự nhiên chứ không phải đẹp nhờ can thiệp thẩm mỹ.
Khảo sát của VnExpress với hơn 1.000 độc giả củng cố thực tế này khi có đến 58% cho biết không ủng hộ vợ/ bạn gái phẫu thuật thẩm mỹ vì cho rằng quan trọng là vẻ đẹp tự nhiên, bản chất con người chứ không phải vẻ bề ngoài. 15% không ủng hộ vì không thích đồ giả.
Không chỉ đàn ông Việt, theo kết quả một cuộc điều tra, có đến 62% đàn ông Pháp trả lời dứt khoát là “Không” khi được hỏi có thích người yêu (hoặc vợ) của mình đi giải phẫu thẩm mỹ. 52% đàn ông được hỏi nhận định rằng lưỡi dao, hóa chất botox, silicon chẳng có tác dụng gì, chúng chẳng giúp phụ nữ trông đẹp hơn.
Hồng Hạnh thừa nhận trước khi phẫu thuật nâng ngực, vợ chồng chị vẫn quấn quýt. “Tôi muốn đổi diện mạo, quyến rũ hơn trong mắt chồng vì không tự tin thôi”, chị nói.
Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thị Minh cho rằng làm đẹp là quyền của phụ nữ, nhưng nếu hiểu đàn ông, các bà vợ sẽ không thu hút chồng bằng cách đi phẫu thuật thẩm mỹ. “Ông bà ta có câu quen xem dạ, lạ xem quần áo”, bà nói.
Với cánh mày râu, nếu chẳng may vợ đi làm đẹp nhưng không như kỳ vọng cánh mày râu cần hiểu là vợ mình đã sẵn thất vọng, nên an ủi, cảm thông, thay vì chê trách, cười cợt.
“Vợ chồng sống với nhau bằng tình nghĩa, đạo đức chứ không phải vẻ ngoài. Bởi cái đẹp bên ngoài rồi cũng sẽ phai nhạt theo thời gian”, bà nói.
Bà Việt Dung cho rằng phẫu thuật thẩm mỹ nói chung và nâng ngực nói riêng, nếu đúng quy định về y khoa không chỉ giúp ngoại hình đẹp hơn mà còn cải thiện chất lượng cuộc sống, cải thiện tình dục.
Trừ những trường hợp phẫu thuật lỗi gây thủng bao xơ, cơ thắt bao xơ hoặc cơ da tuyến ngực bệnh nhân quá mong mới phát hiện ra túi ngực hoặc cảm thấy khác ngực thật. “Không có nguy cơ thủng túi ngực nếu phẫu thuật đạt tiêu chuẩn nên không phải lo lắng”, bác sĩ cho hay.
Tuy nhiên, phụ nữ chỉ nên đi phẫu thuật thẩm mỹ khi mất tự tin về hình thể, đồng thời đáp ứng đủ điều kiện kinh tế, thời gian, sức khỏe. Người làm phẫu thuật cũng cần nghiên cứu ai là người can thiệp cho mình, phẫu thuật ở đâu, người phẫu thuật và cơ sở đó có được cấp phép hay không để tránh tiền mất, tật mang, ảnh hưởng hạnh phúc gia đình.
Dù không đạt được mục đích ban đầu là đẹp hơn trong mắt chồng, chị Hồng Hạnh không hối hận khi nâng ngực. “Làm đẹp là quyền của tôi, còn chồng không thích cũng là quyền anh ấy”, chị nói.
* Tên nhân vật đã thay đổi.
Phạm Nga