Khi ông Sơn về đến bàn, ba người bạn đã kiếm cốc và bê đồ nhậu về. Món nhắm của họ chỉ là một túi lạc luộc, mấy cái bánh đa. Bia được rót đầy những chiếc cốc thủy tinh xanh, tất cả cụng ly và uống. “Sau khi chơi thể thao, uống cốc bia này sảng khoái cả người”, ông Sơn nói.
Một bàn khác nơi góc hành lang của Trung tâm thể thao Ba Đình, phố Quán Thánh là “đại bản doanh” của nhóm B&B (Bơi và bia), với gần chục người hưu trí cả nam lẫn nữ đang uống bia với lạc luộc. Họ cho biết nhóm hình thành từ ngày Trung tâm chuyển về địa điểm này năm 2010, đến nay đã 14 năm.
Bất kể mùa đông hay mùa hè, sau khi bơi xong, nhóm đều ngồi tại góc này uống với nhau vài cốc rồi mới ai về nhà nấy. “Chúng tôi thích uống ở đây vì chất lượng bia ngon và cảm giác xếp hàng phảng phất không khí thời bao cấp”, ông Hoàng Ngọc Sinh, 74 tuổi, chia sẻ.
Chỉ mươi phút sau, dòng người ở khu vực quầy thanh toán và lấy bia mỗi lúc một dài. Cao điểm 17-18h, khắp các gian chật kín người. Việc tìm một chiếc bàn, chiếc ghế trở nên khó khăn.
Quán bia này thực chất là quầy giải khát trực thuộc Trung tâm thể thao Ba Đình – đơn vị được thành lập từ những năm 1980 với nhiệm vụ phục cán bộ trung, cao cấp đã nghỉ hưu, tập luyện thể thao. Qua một số lần thay đổi địa điểm, khi chuyển về số 115 Quán Thánh, quán vẫn giữ nguyên mô hình “bia bao cấp” – người mua phải dùng tem phiếu (tích kê), xếp hàng và tự tìm chỗ ngồi uống.
Bia ở đây được mọi người đánh giá là rẻ hơn bên ngoài, 12.000 đồng một cốc hoặc 60.000 đồng một ca. Giờ bán giới hạn từ 16h đến 18h30 hàng ngày, trừ lễ Tết.
Khách hàng của quán hầu hết đều đã gắn bó hàng chục năm. Đối với họ, thưởng thức bia hơi tại đây không chỉ như một thức uống giải khát sau giờ tập luyện thể thao, còn là cả “một trời hoài niệm”.
Ông Bùi Thanh Sơn, cán bộ ngoại giao nghỉ hưu, kể vào những năm 1960 khi nhà máy bia ở phố Hoàng Hoa Thám bắt đầu bán cho dân, nhiều người không quen còn chê có “mùi khai, vị đắng”. Vì thế cốc bia bấy giờ giá 1,2 hào lại phải tốn thêm 8 xu nữa mua siro trộn vào cho ngọt mới uống được.
Dần dần bia hơi len lỏi vào đời sống của người Hà thành, trở thành một món hàng xa xỉ bởi phải xếp hàng mới mua được một lượng giới hạn. Giá bia cũng tăng lên 3 hào một cốc.
Trong ký ức của ông Hoàng Ngọc Sinh, nguyên cán bộ của Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, các cửa hàng bán bia ngày xưa có hai bình hai vòi. Cùng lúc một bình xối bia, một bình xối khí CO2 vào cốc ở điều kiện tiêu chuẩn 2-4 độ C giúp tạo bọt, uống vào cảm giác mát lạnh. Ngày nay bia và khí CO2 được tích hợp trong một “bom” và vẫn được giữ ở điều kiện tiêu chuẩn.
“Và sẽ thật thiếu sót khi uống bia hơi mà không có chiếc cốc vại bằng thủy tinh xanh, lấm tấm bọt bóng, chứa được nửa lít, mỗi lúc chạm nhau nghe một tiếng ‘cạch’ rất đã”, ông Sinh nói.
Ở tuổi 82, ngày nào ông Nguyễn Cao Nghìn cũng đi bộ ba km, bắt xe buýt từ phố Ngọc Hà tới đây chơi thể thao rồi uống vài cốc bia. Có điều kiện được trải nghiệm nhiều loại bia rượu ngoại đắt tiền, nhưng ông chỉ thích loại bia dân dã này.
Nhà ở Xuân Thủy, quận Cầu Giấy cách 8 km, phải đi hai tuyến xe buýt nhưng uống bia tại đây là thú vui nhiều năm nay của bà Bích Thủy, 75 tuổi. Đều đặn tuần hai, ba lần, vợ chồng bà tới đây uống và mua thêm 3-5 lít về để dành cho những ngày không đến được.
Bà Thủy cho biết đã “say hơi men” từ ngày còn là cô bé theo chân bố đến đây. Đến tuổi này bà nói nhiều khi bữa chính không ăn nhưng bia thì không thiếu. Mất thời gian di chuyển song vợ chồng bà vẫn đi vì thấy bia ở đây giữ được vị nguyên chất của nhà máy.
Là một nơi để các hội viên được giao lưu gặp gỡ sau giờ thể thao, theo thời gian quầy bia Trung tâm thể thao Ba Đình còn được biết tới như một địa điểm văn hóa, thu hút nhiều người dân thủ đô, người trẻ. Thời gian gần đây hầu như tuần nào cũng có những đoàn khách du lịch nước ngoài đến để trải nghiệm văn hóa uống bia bao cấp trong tour tham quan Hà Nội.
“Chúng tôi hay nói với nhau, khắp Hà Nội có lẽ chỉ còn ở đây là thành lũy cuối cùng của bia bao cấp”, ông Nghìn nói.
Phan Dương