Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Tình yêu anh Việt kiều đồng hành với người vợ ung thư

Khoa Nam (25 tuổi) khi đó đang ở Texas, Mỹ nghe tin vợ mới cưới bị ung thư anh như chết lặng bởi hai năm trước bố cũng qua đời vì ung thư. Anh quyết định về Việt Nam ngay để chăm sóc vợ, nhưng mọi người khuyên nên lùi đến tháng 5/2020. “Ung thư không phải ngày một ngày hai, ở nhà đã có ba mẹ lo”, mẹ Tường Lam khuyên con rể.

Trong phút bấn loạn, lời mẹ vợ như đánh thức Khoa Nam. Kinh nghiệm chăm sóc bố giúp anh hiểu căn bệnh này gây tổn thất tinh thần và tiền bạc nhiều thế nào. Bài toán dành cho chàng trai là làm sao vừa có thể an ủi vợ khi ở xa nhau vừa có kinh tế để lo cho bạn đời.

Tài chính là thử thách không dễ với Khoa Nam, một công nhân ở Mỹ. “Để có tiền mua nhẫn cầu hôn vợ, tôi đã phải trả góp một thời gian dài”, anh nhớ lại.





Vợ chồng Khoa Nam và Tường Lam kết hôn tại Việt Nam, tháng 10/2019. Ảnh nhân vật cung cấp

Vợ chồng Khoa Nam và Tường Lam kết hôn tại Việt Nam, tháng 10/2019. Ảnh nhân vật cung cấp

Năm 2018, hai mẹ của đôi trẻ tình cờ gặp nhau trong một quán cà phê rồi mai mối cho các con gặp nhau. Tường Lam nghĩ chỉ gặp anh một lần rồi thôi nhưng Khoa Nam lại “trúng sét” ngay từ lần đầu gặp. “Cô ấy dễ thương và phúc hậu. Từ lần đầu gặp tôi đã tự hứa sẽ ở bên cô gái này đến hết cuộc đời”, chàng trai nhớ lại.

Trước khi về Mỹ, anh một mình tới nhà bạn gái mới quen chơi, hứa sang năm sau sẽ về hỏi cưới Tường Lam. Bố mẹ cô gái cười, nghĩ chàng trai trẻ bông đùa, nhưng vẫn bảo: “Quan trọng là con với Tường Lam, cô chú không có quyền quyết định chuyện hai đứa”.

Trong những ngày xa nhau, Khoa Nam liên tục nhắn tin hỏi thăm, quan tâm Tường Lam. “Anh đi làm được 10 đồng thì gửi cho tôi 9,5 đồng. Khi tình cờ biết anh phải trả góp tiền mua nhẫn cầu hôn, tôi đã rất xúc động”, cô gái nói. Sự quyết liệt của chàng trai khiến cô gật đầu đồng ý. Họ làm đám cưới một tháng thì Khoa Nam bay về Mỹ, đặt vé tháng 5 quay lại Việt Nam, làm thủ tục đón vợ sang. Tai họa ập đến chỉ ít ngày sau khi anh về nước.

Cách nửa vòng trái đất, ban đêm của cô là ban ngày của anh. “Dẫu đi làm mệt mỏi, Khoa Nam vẫn thức canh giờ vợ thức dậy và buổi tối ở Việt Nam để hỏi thăm. Dù ở xa, anh nhớ giờ uống thuốc của vợ để nhắc nhở bạn ấy mỗi ngày”, Anh Thư, bạn thân của Tường Lam kể.

Đại dịch Covid-19 khiến kế hoạch về nước của chàng trai đổ bể. Chia cắt khiến lòng cả hai như lửa đốt, tinh thần cô vợ trẻ càng thêm yếu đuối.

Ngay khi phát hiện ung thư máu, Tường Lam phải truyền hóa chất. Những đợt hóa trị khiến tóc cô rụng nhiều, da đen xạm. “Nhưng anh lúc nào cũng nói ‘vợ xinh nhất’. Biết chồng an ủi vẫn thấy ấm lòng”, Tường Lam nói.

Khi ghép tủy, bác sĩ khuyên Lam nên cạo trọc đầu để tiện cho việc điều trị. Cô gái vào chùa cắt tóc. Nhìn vợ qua video call, Khoa Nam hứa sẽ “để đầu đôi” với vợ. Ngày hôm sau, anh cũng xuất hiện trên màn hình với cái đầu trọc.

“Đàn ông cạo đầu chẳng có gì to tát, quan trọng là tôi muốn Lam hiểu mình luôn đồng hành cùng vợ, dù ở đâu”, anh nói. Hàng tháng, tiền kiếm được ngoài chi tiêu cho cuộc sống, anh dồn gửi về cho vợ trị bệnh.

Xa nhau trong lúc cả hai cùng yếu mềm nhất khiến tình yêu của họ đôi lần sóng gió. Tường Lam luôn tự ti với vẻ ngoài không còn sức sống của mình. Đôi lúc cô ghen tuông vô cớ, hờn dỗi chồng chẳng lý do. “Anh chẳng làm gì cả, nhưng thi thoảng tôi lại gửi ảnh cô nọ cô kia kêu ‘anh lấy cô đó đi, xinh kìa'”, người vợ kể.

Hàng trăm lần, Tường Lam đề nghị chia tay chồng để anh được tự do tìm cuộc sống mới. Đáp lại, Khoa Nam lúc nào cũng vỗ về, gạt ngoài tai những dòng tin nhắn đòi ly hôn, những câu đòi cắt đứt của vợ.

Nhưng bỗng một ngày, Nam dừng liên lạc. Cô không thể nhắn tin, gọi điện cho anh. “Tôi tá hỏa, chỉ sợ anh gặp chuyện chẳng lành. Cũng lúc đó, tôi nhận ra anh quan trọng đến nhường nào”, Tường Lam nói.





Nhìn vợ cắt tóc điều trị ung thư, Khoa Nam ở Mỹ cắt theo, như một cách ủng hộ tinh thần cô. Ảnh: Tường Lam

Nhìn vợ cắt tóc điều trị ung thư, Khoa Nam ở Mỹ cắt theo, như một cách ủng hộ tinh thần cô. Ảnh: Tường Lam

Cô cầu cứu mẹ chồng. Sau một tuần, Khoa Nam gọi lại cho vợ. Dịch Covid-19 khiến công việc của anh trục trặc, rơi vào khủng hoảng tinh thần. Không có người để chia sẻ, vợ đau yếu, chàng trai muốn buông xuôi tất cả. “Anh xin lỗi, anh chưa từng có ý định bỏ rơi em, nhưng anh stress quá”, Nam nói với vợ.

Tường Lam cũng nhận ra cô không phải người duy nhất cần được an ủi. Những người xung quanh đều tổn thương và muộn phiền vì căn bệnh của cô. Họ an ủi nhau cho qua đi những ngày khó khăn nhất.

Năm ngoái, khi Covid-19 tạm lắng, Tường Lam được chồng bảo lãnh sang Mỹ. Ba tháng sau, mẹ cô sang phụ chăm sóc con gái. Gặp lại nhau, mọi nhớ nhung, muộn phiền, ngờ vực của Lam đều được giải tỏa khi cô nhìn thấy chồng đang dang tay đợi sẵn ở sân bay. Cũng từ đây, Khoa Nam vừa đi làm, vừa trực tiếp chăm vợ bị bệnh.

Cứ 4h sáng, anh chồng trẻ đi làm, chiều lại về lái xe đưa vợ đến bệnh viện điều trị. “Khó khăn nhất là cả mẹ và tôi đều chưa biết tiếng Anh nên tất cả đều phụ thuộc chồng”, Lam kể.

Để có tiền cho vợ điều trị, Khoa Nam phải đóng chi phí khoảng 7.000 USD một năm và mua bảo hiểm 600 USD mỗi tháng. Làm công nhân không đủ sinh hoạt phí và lo chữa trị, anh phải bán bớt bộ sưu tầm mũ yêu thích. “Ngày chưa cưới tui anh toàn mua mũ về trưng, khi vợ sang đây thì toàn bán, hơn 100 chiếc rồi”, Tường Lam nói.

Tình yêu anh Việt kiều vực dậy người vợ ung thư

 
 

Anh chồng giúp vợ cạo tóc. Sau video, Khoa Nam cũng cạo trọc đầu cùng vợ

Trải qua ba đợt điều trị (hai đợt ở Việt Nam, một đợt ở Mỹ), cơ thể Tường Lam yếu dần, ăn không được, ngủ không biết ngon. Hoàn toàn phụ thuộc vào chồng khiến cô đôi khi rơi vào stress. Dẫu vậy, tình yêu, sự săn sóc của Nam vẫn là liều thuốc tinh thần giúp cô muốn thức dậy mỗi bình minh và bớt đau đớn, mệt mỏi hơn.

“Hai người yêu nhau rất nhẹ nhàng, đầy sự trân trọng. Tôi rất mừng khi bạn thân tìm được một người luôn đồng hành cùng cô ấy vượt bão giông thế này”, Anh Thư, bạn Lam, nói.

Từng không thiết sống, nhưng giờ đây, Tường Lam ước một ngày sẽ hết bệnh và sẽ sinh cho chồng những đứa con hoặc xin con nuôi, rồi cùng nhau sống tới năm 65 tuổi.

“Với những người bình thường, đó là chuyện đương nhiên, nhưng với chúng tôi, đó là điều kỳ diệu của tình yêu”, cô nói.

Phạm Nga



Leave a Comment

0.0/5