Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Tranh mua nhà ‘ma ám’

Gần đây, thị trường bất động sản thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang nổi sóng khi giao dịch thành công ngôi nhà từng là nơi xảy ra vụ án mạng nổi tiếng năm 2020.

Nam chủ nhân nhảy từ tầng 7 xuống đất, quyên sinh. Người vợ sau đó cũng được phát hiện đã chết, chỉ còn lại đứa con nhỏ. Vì chủ nhân cũ còn nợ ngân hàng, người thừa kế tuổi còn quá nhỏ nên ngôi nhà bị kê biên.

Nằm tại trung tâm thành phố nên ngôi nhà 83 m2 ngay từ khi được chào bán đã thu hút hơn 40.000 lượt xem. Vì từng có án mạng xảy ra nên giá bán của nó giảm 30%, chỉ còn 1,7 triệu tệ (gần 6 tỷ đồng).

Sau khi giao dịch thành công, trên mạng xã hội Trung Quốc xảy ra tranh luận. Nhiều ý kiến cho rằng người mua quá dũng cảm, sống trong những ngôi nhà đó rất đáng sợ, dễ gặp vận rủi. Nhưng cũng có người phản bác rằng “trên đời không gì đáng sợ hơn thiếu tiền”.





Một biệt thự tại Hàng Châu từng xảy ra án mạng nên bị liệt vào danh sách những ngôi nhà ma ám. Ảnh: 163.com

Một biệt thự tại Hàng Châu từng xảy ra án mạng nên bị liệt vào danh sách “những ngôi nhà ma ám”. Ảnh: 163.com

Ở Trung Quốc có khá nhiều “nhà ma” hạ giá tương tự. Năm 2021, một vụ án chấn động xảy ra ở Nam Kinh khi một người đàn ông bị vợ và bố vợ sát hại ngay trong gara của gia đình rồi phân xác phi tang. Sau đó ngôi nhà được đem bán đấu giá, thấp hơn nhiều so với giá trị thực là 4,5 triệu tệ. Còn một vụ án khác xảy ra ở thành phố Hàng Châu vài năm trước khi tên trộm giết tới ba người trong một gia đình. Biệt thự này mới có người mua và giá thấp hơn giá thị trường hai triệu tệ.

Bất chấp bi kịch, những ngôi nhà “ma ám” vẫn thu hút được lượng khách hàng lớn. Thậm chí còn tranh nhau mua vì giá thấp hơn nhiều giá thị trường.

“Nhà ma ám” đang trở thành một trong những lựa chọn mua nhà của một bộ phận người Trung Quốc, thậm chí còn hình thành thị trường. Tại các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Hồng Kông, cơ sở dữ liệu “nhà ma ám” đã được thiết lập. Ví dụ ở Bắc Kinh, nhiều công ty bất động sản đã thu thập dữ liệu và tiến hành phân loại những ngôi nhà từng xảy ra cái chết bất thường, tổng kết có gần 3.000 căn. Tuy nhiên, theo một số phương tiện truyền thông, thực tế còn cao hơn nhiều.

Vì nhu cầu thị trường, vài năm gần đây tại Trung Quốc xuất hiện thêm nghề sống thử trong nhà ma ám để chắc chắn “mọi thứ bên trong không có gì bất thường”.

Một “ngôi nhà ma ám” vừa đấu giá thành công ở Tô Châu. Nhằm bán được, bên môi giới đã live stream thử thách 24 giờ sống trong nhà với yêu cầu đi quanh từng phòng vào ban đêm hoặc nhìn xuống gầm giường mà không bật đèn. Buổi phát trực tiếp thu hút hơn 50.000 người theo dõi và cuối cùng căn nhà được bán giá gần 1,3 triệu tệ. Nếu không có nỗi sợ “ma ám”, nó được định giá 2,2 triệu tệ.

“Nhà ma ám tuy đáng sợ nhưng không ngăn được nhu cầu của nhiều người trong xã hội”, cô Hoàng, nhân viên kinh doanh bất động sản tại Tô Châu nói. Người phụ nữ này từng xử lý nhiều vụ tịch thu nhà xảy ra án mạng gây chấn động xã hội, tuy nhiên sau đó đều bán thành công.

“Người mua cho rằng có chỗ ở quan trọng hơn những lời đồn thổi. Chỉ cần giá bán hợp lý, không lo không bán được”, Hoàng nói.





Một căn hộ ma ám được rao bán trên trang web bất động sản thuộc vùng Giang Nam, Trung Quốc. Ảnh minh họa: 163.com

Một “căn hộ ma ám” được rao bán trên trang web bất động sản thuộc vùng Giang Nam, Trung Quốc. Ảnh minh họa: 163.com

Tại Hong Kong, giá nhà “ma ám” thấp hơn nhà bình thường 20% đến 30%. Thậm chí những ngôi nhà là hiện trường của những vụ giết người nghiêm trọng có thể giảm 50% giá trị. Một phụ nữ họ Từ từng mua nhà “ma ám” ở Hong Kong cho biết, cô đang mang thai và không muốn tiếp tục sống trong “căn hộ quan tài” rộng vài mét vuông, dùng chung WC chật hẹp cũng như không đủ ánh sáng.

Giá bất động sản cao cắt cổ và thời gian chờ được xếp chỗ ở kéo dài đã đẩy những cư dân nghèo như người phụ nữ này vào cảnh sống tạm bợ trong các căn hộ quan tài hoặc lều dựng bất hợp pháp tràn lan trên tầng mái của các tòa chung cư ở Hong Kong. Ban đêm, cô phải nghe đủ mọi âm thanh từ những cú đấm hay đá phát ra từ bộ phim võ thuật của căn hộ bên cạnh đang xem tivi hoặc những cuộc cãi cọ xem ai là người dùng phòng tắm tiếp theo. Ngay cả những căn nhà như thế, tiền thuê hàng tháng cũng từ 3.000 đến 4.000 tệ.

“Mua nhà ma ám không hẳn toàn ưu điểm, nhưng ít nhất chúng tôi có thể duỗi chân thoải mái khi ngủ, con cái có bàn học riêng thay vì mang tất cả lên giường”, cô Từ nói.

Theo người phụ nữ này, không nên dè bỉu những người mua nhà “ma ám”, bởi ngôi nhà gắn liền với những sự kiện quan trọng cuộc đời, khi họ đã phải nỗ lực hết mình để mua.

Trang Vy (Theo 163.com)

Leave a Comment

0.0/5