Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Vì sao Gen Z ở Anh ngại vào đại học?

Theo thống kê của UCAS, Dịch vụ quốc gia về tuyển sinh đại học, cao đẳng Anh, lượng học sinh 18 tuổi nộp đơn vào các trường đại học năm nay đã giảm xuống còn 41,3%, mức thấp nhất kể từ trước đại dịch.

Nick Hillman, giám đốc Viện Chính sách Giáo dục Đại học, cho rằng nhu cầu vào đại học giảm sút là “rất đáng lo ngại” và có thể phản ánh những thách thức mà học sinh phải đối mặt do cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.

Tình hình tài chính hiện tại đã tác động lớn đến sinh viên, khiến nhiều người lo ngại về việc mắc nợ khi học đại học. Vì vậy, họ chọn cách tránh điều này. Thay vì phải vay tiền học phí, một số thanh thiếu niên lựa chọn chương trình đào tạo nghề cấp bằng của chính phủ. Được triển khai từ năm 2015, chương trình này “mang lại cho bạn chính xác những gì bạn nhận được từ trường đại học nhưng không phải mắc nợ”.

Jamie Nicholls đang theo đuổi chương trình học nghề luật sư thay cho việc vào đại học. Ảnh nhân vật cung cấp

Jamie Nicholls đang theo đuổi chương trình học nghề luật sư thay cho việc vào đại học. Ảnh nhân vật cung cấp

Jamie Nicholls, 18 tuổi, đến từ London hy vọng theo đuổi sự nghiệp luật sư nhưng chưa nộp đơn vào trường đại học. Thay vào đó, anh quyết định theo học chương trình học nghề luật sư kéo dài 6 năm. Cậu sẽ dành bốn năm đầu tiên để lấy bằng, hai năm tiếp theo là hợp đồng đào tạo. Cậu cho biết chương trình được thiết kế theo công thức một ngày mỗi tuần để học và bốn ngày còn lại để làm việc tại một công ty luật. Đối với Jamie, sức hấp dẫn lớn nhất của chương trình học nghề này chính là kinh nghiệm làm việc nó mang lại. “Học đại học ra trường chưa chắc bạn có các kỹ năng làm việc”, nam sinh nói.

Khác với Jamie, đối với Oluwatosin Ewetuga, quyết định không học đại học một phần là do học phí, một phần là do muốn thoát khỏi lớp học theo lối truyền thống. Cậu muốn có được một số kinh nghiệm trực tiếp. “Học nghề có vẻ là con đường hiệu quả hơn do có kinh nghiệm thực tế và được cố vấn phù hợp”, Oluwatosin nói.

Sophie Seymour, một cô gái 19 tuổi, dự định trở thành giáo viên và đã được một số trường đại học nhận vào học. Tuy nhiên, cuối cùng cô nhận ra đó không phải là điều khiến cô hạnh phúc và hiện cô muốn khởi nghiệp trong ngành du lịch. Do đó, cô quyết định học nghề, dù nhiều người ngạc nhiên trước quyết định của cô.

Nghiên cứu mới từ Corndel, nhà cung cấp dịch vụ đào tạo tại nơi làm việc, cho thấy 33% người trưởng thành ở Anh cho rằng chương trình học nghề cấp bằng hữu ích hơn bằng đại học.

James Kelly, đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Corndel, cho biết các chương trình học nghề cấp bằng cung cấp một giải pháp thay thế hấp dẫn vì chúng thu hẹp khoảng cách giữa giáo dục đại học và thế giới việc làm. Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, không có gì ngạc nhiên khi ngày càng nhiều sinh viên tìm kiếm các cơ hội cho phép họ xây dựng kinh nghiệm làm việc và các kỹ năng chuyên nghiệp tại nơi làm việc cùng với kiến thức của họ, đồng thời cũng kiếm được tiền lương.

Theo các chuyên gia, không quá ngạc nhiên khi Gen Z đang tự tạo ra con đường riêng của mình. Chuyên gia hướng nghiệp Eloise Skinner giải thích đây là sự thay đổi phản ánh rất rõ xã hội ngày nay.

“Chúng ta đang bước vào thời đại những kỳ vọng truyền thống về sự nghiệp hay lộ trình thăng tiến không còn cố định nữa”, Eloise nói. Điều này có thể dẫn đến việc đặt câu hỏi về các giá trị đã được duy trì trước đây, như tầm quan trọng của việc học thêm và các mục tiêu giáo dục cao hơn.

Thùy Linh (Theo Metro)



Leave a Comment

0.0/5