Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Vì sao khi già đi ta thấy thời gian trôi nhanh?

Các chuyên gia cho biết, nhận thức của chúng ta về thời gian thay đổi rất nhiều khi già đi. Điều này khiến một số khoảng thời gian nhất định có cảm giác trôi qua nhanh.

“Nhận thức về ngày, tuần, năm và loại thời gian đó dường như bị ảnh hưởng đặc biệt bởi quan điểm của chúng ta: Ta đang trải nghiệm nó ở hiện tại hay đang nhìn ngược về quá khứ?”, Cindy Lustig, giáo sư tâm lý học ĐH Michigan (Mỹ), cho biết.

Theo giáo sư, nhận thức về thời gian cũng bị ảnh hưởng bởi trí nhớ và mức độ bạn trải qua. Với một đứa trẻ 8 tuổi, một tuần là phần quan trọng nhưng với người 80 tuổi, một tuần chỉ là chấm nhỏ trong cuộc đời họ. Điều này góp phần tạo cảm giác nó trôi qua nhanh chóng.

Nhìn lại thời gian cũng góp phần tăng cảm giác thời gian trôi nhanh.

Một ngày trong cuộc đời của cụ già 80 tuổi đã nghỉ hưu có thể chậm hơn so với một đứa trẻ bận rộn ở trường. Tuy nhiên, khi cả hai cùng nhìn lại một tháng hay một năm, khoảng thời gian đó đối với người lớn tuổi dường như trôi nhanh hơn.

Với những người 80 tuổi, cuộc sống của họ có lẽ không quá khác biệt so với khi 78 hoặc 79 tuổi. Vì vậy, trong trường hợp đó, họ nhìn lại, thấy ít sự kiện hơn. “Khi bạn nhìn lại, sự thể hiện của bạn càng ít phong phú bao nhiêu thì thời gian có vẻ trôi qua nhanh bấy nhiêu”, Lustig nói.

Nói cách khác, bộ não của chúng ta gộp thời gian lại với nhau khi ngày hoặc tuần tương tự nhau. Những điều mới mẻ và thú vị trong một ngày là điều làm cho ngày tháng có cảm giác khác biệt. Từ đó, chúng trở nên khác biệt trong tâm trí.

Vì vậy, với một người 80 tuổi, những người hầu như chỉ làm một việc mỗi ngày, sẽ cảm thấy như thời gian trôi qua thật nhanh.

Ảnh minh họa: Huffpost

Ảnh minh họa: Huffpost

Những thay đổi về thói quen cũng ảnh hưởng đến cảm nhận năm tháng

Theo giáo sư Adrian Bejan của ĐH Duke (Mỹ), bộ não của chúng ta được thiết kế để ghi lại sự thay đổi. Nhiều trải nghiệm mà trẻ nhỏ có trong một ngày góp phần tạo nên quan niệm rằng thời gian dồi dào hơn và có nhiều hoạt động hơn trong thời gian đó. Khi nhìn lại, thời gian có thể chậm hơn.

Điều này cũng đúng với người lớn. “Khi ta nhìn lại một khoảng thời gian với rất nhiều trải nghiệm mới, ta thấy điều đó như kéo dài ra”, giáo sư Lustig nói. Nếu bạn không thêm vào cuộc sống của mình những trải nghiệm mới, thời gian có thể trôi qua nhanh hơn nhiều.

Một số chuyên gia cho rằng cách não hấp thụ hình ảnh ảnh hưởng đến nhận thức thời gian

Theo Bejan, cách chúng ta xử lý những gì nhìn thấy có thể ảnh hưởng đến cách nhìn nhận thời gian. Bộ não được đào tạo để tiếp nhận nhiều hình ảnh từ khi ta còn là trẻ sơ sinh. Bởi còn nhỏ, chúng ta đang tiếp thu rất nhiều hình ảnh mới nên cảm thấy tháng năm rất dài.

Khi trưởng thành, bộ não nhận được ít hình ảnh hơn so với mức nó được đào tạo để tiếp nhận khi còn trẻ, nên thấy thời gian trôi nhanh hơn. Nói cách khác, có những yếu tố sinh lý tác động đến nhận thức của chúng ta về thời gian. Điều đó có nghĩa càng già, cảm giác thời gian trôi càng nhanh.

Nhiều người hỏi Bejan, làm thế nào để thời gian trôi chậm lại, bởi mọi người đều muốn sống lâu hơn và làm nhiều điều tốt đẹp hơn với quỹ thời gian hiện có. Có một cách là trải nghiệm những điều mới mẻ, khác với chế độ thông thường.

Hãy chọn một sở thích thời thơ ấu để học, có chuyến qua đêm ở thành phố bạn chưa từng đến hoặc đăng ký một lớp học nấu ăn. “Học những điều mới là cách hay khiến thời gian dài hơn khi nhìn lại đời mình”, chuyên gia nói.

Bejan nhấn mạnh câu ngạn ngữ “sự đa dạng là gia vị của cuộc sống”: Bạn nên thoát khỏi thói quen của mình và tận dụng thời gian bạn có. Điều này sẽ chỉ giúp bạn cảm thấy như một năm có nhiều thời gian hơn.

Lustig khuyên việc tham gia đầy đủ và tận hưởng hết khoảnh khắc có thể khiến khoảnh khắc đó dường như kéo dài hơn.

Trên thực tế, các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy các bài tập chánh niệm giúp kéo dài nhận thức của chúng ta về thời gian. Vì vậy, đừng cố tập trung vào nhiều nhiệm vụ cùng lúc. Thay vào đó, chỉ tập trung vào trải nghiệm trong tầm tay.

“Không ai trong chúng ta biết mình có bao nhiêu thời gian, nhưng thật thú vị, chúng ta có nhiều quyền kiểm soát cách ta trải nghiệm khoảng thời gian đó. Vì vậy, tôi khuyến khích mọi người tận dụng tối đa thời gian mình có”, Lustig nói.

Nhật Minh (Theo Huffpost)

Leave a Comment

0.0/5