Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Vì sao không nên đi bộ trên thang cuốn?

Ở Nhật Bản, người dân có một quy tắc ngầm khi sử dụng thang cuốn là đứng về một phía để dành làn trống cho những ai đang vội có thể đi bộ.

Tuy nhiên, công ty sản xuất và bảo trì thang cuốn Hitachi Building, trụ sở Tokyo, cho rằng hành động này tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi thang cuốn không được thiết kế để đi bộ. Sự khác biệt về chiều cao các bậc cầu thang cuốn, người đi bộ có thể bị vấp ngã hoặc bước nhầm.

Văn hóa nhường lối đi bộ trên thang cuốn cũng có ở Mỹ. Công ty thang cuốn Otis cho rằng việc đứng hai hàng sẽ an toàn và giảm nguy cơ ngã. Họ khuyến nghị mọi người chỉ bước lên, giữ tay vịn và luôn quan sát.

Trên thực tế, Nhật Bản cũng ghi nhận nhiều tai nạn liên quan đến thang cuốn do người đi bộ. Khảo sát của Hiệp hội thang máy Nhật Bản cho thấy trong số 1.550 vụ tai nạn thang cuốn năm 2018-2019 có 805 vụ do đi bộ hoặc không nắm tay vịn.

Nhà điều hành đường sắt cũng yêu cầu mọi người đứng yên trên thang cuốn và bỏ thói quen để trống một bên cho người đi bộ. Họ cũng khởi động chiến dịch Đứng yên trên thang cuốn ở ga tàu và sân bay, nơi số lượng người di động rất cao.

Tháng 10/2021, tỉnh Saitama trở thành địa phương đầu tiên ở Nhật ra quy định đứng yên trên thang cuốn, tiếp sau là TP Nagoya và lan ra cả nước. Đại diện Hitachi Building Systems cũng cho rằng trên thực tế, việc mọi người đứng yên hai hàng trên thang cuốn sẽ mang lại hiệu suất vận chuyển cao hơn.

Hệ thống Đường sắt London đã tiến hành khảo sát các ga có thang cuốn cao hơn 18,5 m cho thấy phần lớn phía bên trái không được sử dụng, gây ra tắc nghẽn và xếp hàng ở phía dưới. Đồng thời, một thí nghiệm vào năm 2015 cũng cho thấy việc đứng cả hai bên thang cuốn giảm tắc nghẽn khoảng 30%.

Ngọc Ngân (Theo NY Times, Mainichi)



Leave a Comment

0.0/5