Trước khi sang quê chồng năm 2022, chị Hoài Nhân sinh ra và lớn lên ở Bà Rịa Vũng Tàu. 14 năm trước, chị gặp và yêu chàng trai giáo viên tiếng Anh người Mỹ Jason Sciss tại một trung tâm của phố biển.
Khi Jason cầu hôn, điều kiện duy nhất của chị là anh phải ở rể. Chàng trai gật đầu, dù trước đó chỉ coi những năm tháng dạy tiếng Anh ở Việt Nam là một phần trong hành trình khám phá thế giới.
Hai con gái Lily và Violet chào đời càng gắn kết thêm mối tình của họ. Cuộc sống của cặp vợ chồng Việt – Mỹ đủ đầy và bình yên như mong ước, cho đến khi các con đến tuổi đi học. ”Tôi nhận ra nhiều người rất nỗ lực mới có thể cho con sang Mỹ học, còn con tôi có thể dễ dàng đến vậy tại sao tôi lại không đi”, chị nói.
Hai đứa trẻ cũng đã được tắm trong ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam và tình yêu của quê ngoại. Chị nghĩ cũng đã đến lúc cho các con được hòa vào cuộc sống ở quê cha, một nửa dòng máu đang chảy bên trong chúng.
Sau cuộc chiến tâm lý của chính mình, Hoài Nhân đồng ý với Jason sang Mỹ sống. Năm 2021, chồng chị và con gái lớn sang trước sắp xếp cuộc sống. Hơn một năm sau, Hoài Nhân và con nhỏ sang đoàn tụ.
Người phụ nữ Việt cùng gia đình đến sống tại thành phố Clinton, thuộc bang Arkansas. Với Jason, đó là cuộc trở về. Hai đứa trẻ cũng bắt nhịp nhanh với cuộc sống Mỹ. Chỉ người mẹ thấy khó thích nghi vì đến Mỹ đúng mùa đông nên thời tiết rất lạnh. Chị nhốt mình trong nhà suốt ba tháng vì sợ rét.
Khi dần bắt nhịp được với cuộc sống mới thì bố mẹ chồng chị, sống ở thung lũng, muốn về ở chung với các con. Jason nhiều lần gợi ý với vợ về ở cùng bố mẹ nhưng cô từ chối. Tôn trọng quyết định của nàng dâu Việt, bố mẹ anh dự định bán nhà, mua một nơi ở mới trong thành phố cho gần con cháu.
Trước khi bán, anh Jason rủ vợ về thăm bố mẹ chồng một lần để biết nơi anh từng gắn bó cả tuổi thơ. Điểm đến thuộc thành phố Jasper, quận Newton, cách Clinton khoảng hai giờ lái xe. Vừa đến nơi, chị Hoài Nhân đã bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp của vùng đất này, khi đất trời đang lúc xuân sang.
Thấy chị hào hứng với cảnh sắc nơi đây, anh Jason và bố mẹ chồng gợi ý: ”Hay ở lại, đừng bán nhà nữa”. Biết con dâu Việt còn băn khoăn về việc học của bọn trẻ, mẹ chồng xung phong đưa Nhân đến thăm trường học gần đó. Thấy chương trình học giống ở Clinton và cơ sở vật chất hiện đại, chị Hoài Nhân đồng ý chuyển về.
Họ sắp xếp mọi thứ trong ba tháng và chuyển tới nơi mới vào mùa hè. Nhưng lần này cô gái Việt lập tức hối hận. Vào mùa hè nên ấm áp, cây cối và cỏ chen nhau mọc. ”Tôi như bị lọt vào rừng, đường về nhà chỉ còn lối chạy xe, còn lại là cỏ cao hơn đầu người”, chị kể. Không chỉ có rắn, nơi đây còn có rất nhiều muỗi, ong, côn trùng hút máu.
Ở đây, mọi người sinh hoạt bằng nước ngầm, chủ yếu sống tự cung tự cấp. Vùng này không có người Việt sinh sống còn hàng xóm liền kề cách vài kilomet.
Bị sốc, nhưng xác định sẽ sống lâu dài ở đây nên người phụ nữ Việt chưa từng làm nông cũng xỏ ủng theo chồng ra vườn. Có điều, đi được vài bước chị đã hết hồn vì thấy rắn, rết bò dưới chân. ”Tôi nhớ nhà quay quắt, nhớ những hàng xóm cứ mở cửa ra là đụng nhau, nhớ phố xá và những món ăn quê nhà”, chị nói.
Thương vợ, Jason dành tất cả những cuối tuần đi cắt cỏ, phát quang không gian sống. Bố mẹ chồng chị cũng lái máy cày, máy cắt cỏ cùng con cải tạo nhà cửa. Hai con Hoài Nhân ban đầu hoảng sợ nhưng dần có thói quen xách cào theo bố ra vườn dọn dẹp. Người lớn làm gì cũng bắt chước.
Bất chấp những điều đó, Hoài Nhân vẫn hay khóc thầm trong đêm. Ý định quay về Việt Nam thường xuyên xuất hiện trong đầu chị. ”Người ta sang Mỹ để sống ở nơi hiện đại, sầm uất hơn còn mình lại chui về vùng quê. Việt kiều Mỹ về nước thì thơm tho, mình thì bị muỗi cắn nát người”, chị nhớ lại.
Cố nén những ý nghĩ tiêu cực trong đầu, nhưng càng cố chị lại càng thấy mình không ổn. Chỉ những lý do rất nhỏ cũng khiến cô vợ Việt giận dỗi, nổi cáu với chồng. Có lần, hai vợ chồng cãi vã, chị Hoài Nhân buồn nên ra gốc cây lớn sau vườn ngồi khóc.
Bà Juanita Blanchard, 60 tuổi, mẹ chồng chị đi làm về tìm mãi không thấy con dâu. Đầu giờ chiều bà thấy Nhân đi về, mắt đỏ hoe. Người mẹ ôm con vỗ về: ”Con làm sao thế. Con có muốn đi đâu không, mẹ sẽ chở con đi. Mẹ xin lỗi vì không thể giúp con vui hơn”.
Nhìn mẹ chồng, đột nhiên chị Nhân áy náy. ”Mình trẻ con quá, phải học cách thích nghi với tâm thế xem đây là nhà mới được”, chị tự nhủ.
Sau bữa đó, chị Nhân học làm nông dân đích thực.
Chị bắt đầu đọc sách, lên các hội nhóm làm vườn ở Mỹ để học kinh nghiệm, hiểu rõ ở thổ nhưỡng, khí hậu bang của mình, mùa nào trồng cây gì sẽ tốt. Chị cũng kết nối với người Việt ở các bang khác nhờ gửi giống rau, quả Việt trồng. Cô vợ Việt chia đất thành từng ô, trồng rau thơm, rau quế, diếp cá, sả… những thứ gần như không có ở khu chợ thị trấn cách nhà chị 20 phút lái xe.
Hoài Nhân không còn nghĩ máy cưa cây là thứ chỉ dành riêng cho đàn ông. Dù đó là công việc chồng và bố chồng vẫn làm, nhưng chị muốn học để khi cần là làm được ngay. ”Nhớ lần đầu cầm cưa, nó ồn và giật lên, tôi chỉ muốn quăng máy bỏ chạy. Nhưng giờ, tôi đã có thể làm thành thạo”, chị kể và tiết lộ đang nhờ chồng và ba chồng dạy dùng máy cắt cỏ, máy cày, nhưng vẫn chưa tự tin cầm lái.
Thời tiết ở Arkansas bốn mùa rõ rệt như Việt Nam. Mùa lạnh cây cối ngủ đông, đợi sang xuân ươm mầm trong nhà, đến hè mới mang ra ngoài trời trồng được. ”Vất vả như chăm con, nhưng ngắm thành quả thật sự tự hào”, chị nói.
Thành quả đang đến với chị Nhân, khi ở Mỹ thời điểm này là mùa hè. Những cây rau cải, cà chua, đậu bắp, cà tím, rau gia vị đua nhau mọc, gia đình chị Nhân ăn không xuể. Nàng dâu Việt tha hồ trổ tài nấu các món phở, bánh cuốn đãi cả gia đình chồng.
”Anh rất tự hào và biết ơn em”, anh Jason hay nói với vợ, khi thấy chị đẫm mồ hôi, lấm lem vì bùn đất nhưng miệng lúc nào cũng nở nụ cười.
Bà Nguyễn Thị Lan, 70 tuổi, mẹ chị Hoài Nhân, khi thấy các con cháu qua video phải thốt lên vì bất ngờ. ” Ở Việt Nam, con rể tôi lúc nào cũng ăn mặc đẹp đẽ, giờ về Mỹ như một nông dân đích thực. Các cháu ở Việt Nam hiếm khi được bà và mẹ cho làm việc nhà, giờ cái gì cũng biết”, bà nói.
Là mẹ, chị Hoài Nhân cũng ngỡ ngàng vì sự thay đổi của hai con 9 và 12 tuổi. Các con chị tự vào bếp chuẩn bị bữa ăn cho gia đình 6 người và yêu công việc nhà nông như sinh ra để dành cho nơi này.
Mỗi sáng, tối, cả gia đình chị giữ thói quen quây quần bên những món ngon tự làm, vừa thưởng thức, vừa ngắm mặt trời lên hay hoàng hôn buông xuống.
Đi qua bốn mùa ở thung lũng, chứng kiến thiên nhiên biến đổi mỗi lần chuyển mùa và được góp mình vào những đổi thay ấy, chị Hoài Nhân thêm yêu mến cuộc sống thôn quê.
”Giờ tôi lại thấy mình đã lựa chọn đúng”, chị nói.
Phạm Nga