Từ ngày 13 đến 22/9, Nhà xuất bản Kim Đồng và các đối tác tổ chức triển lãm Từ Đôrêmon tới Doraemon, 30 năm hành trình mèo máy ở Việt Nam, trưng bày các ấn bản đầu tiên, một số bìa sách đẹp, gắn với nhiều mốc phát triển của bộ manga ở Việt Nam. Lượng người đến triển lãm dịp cuối tuần lên đến 4.000 – 5.000, các ngày còn lại khoảng 250-300 người. Độc giả của Doraemon thuộc nhiều thế hệ, từ 8x, 9x đến các em bé cấp một.
Tác phẩm của Fujiko F. Fujio ra mắt ở Nhật năm 1969, kể về chú mèo máy của thế giới tương lai, giúp cậu bé Nobita hậu đậu. Năm 1990, ông Nguyễn Thắng Vu – Giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng thời ấy – quyết định dịch và biên tập sách từ bản tiếng Thái, với sự cộng tác của họa sĩ Bùi Đức Lâm. Ngày 11/12/1992, tập một Chiếc khăn biến hóa phát hành, được coi là ngày Doraemon đến Việt Nam. Các cuốn truyện đầu tiên có giá 3.000 đồng, sau đó xuống còn 2.800 đồng rồi tiếp tục xuống 2.500 đồng. Hiếm có cuốn truyện nào càng phát hành càng giảm giá, do số lượng bản in ngày một lớn, chi phí được điều chỉnh.
Trong bài viết đăng trên báo Phụ nữ TP HCM số tháng 12/1992, sau đó được nhà xuất bản in lại vào cuối tập sáu – Cá mập lên bờ – của bộ truyện Doraemon, tác giả Lưu Hồng Cúc điểm lại những kỷ lục của bộ truyện khi mới xuất bản trong nước. Theo chị, sau một tuần phát hành, bốn tập đầu bán hết 40.000 bản ở TP HCM. Nhà xuất bản nhanh chóng in thêm 30.000 bản vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu. Cuối cùng, họ quyết định phát hành 160.000 bản cho bốn tập.
“Ngày 22/12/1992, do trục trặc ở khâu in ấn (cúp điện), sách ra chậm hơn thông báo. Một quang cảnh nhộn nhịp diễn ra ở sân Nhà xuất bản Kim Đồng: Dân phát hành sách đứng đầy nghẹt, họ chờ đợi Doraemon từng giờ, câu hỏi ‘Chừng nào có sách’ liên tục truyền miệng. Giới cho thuê sách truyện quanh các trường cấp một không bỏ lỡ dịp may hiếm có: Cho thuê truyện Doraemon tại chỗ – với giá 200 đồng mỗi tập. Thế là lợi cả đôi đường: Trong một ngày, người thuê thu được từ 4.000 đồng – 8.000 đồng, còn độc giả nhí chỉ việc nhịn ăn hai bữa”, Lưu Hồng Cúc viết.
Tên các nhân vật được Việt hóa thành Đôrêmon, Chaien Lồi Rốn, Xêkô Mỏ Nhọn, Đêkhi. Từ tập 16, nhà xuất bản mở một chuyên mục nhỏ mang tên “Văn phòng Đôrêmon”. Độc giả thời ấy thường gửi thư tâm sự, các bài dự thi về văn phòng.
Năm 1996, tác giả Fujiko F. Fujio đến Việt Nam ký thủ tục bản quyền bộ truyện. Ông cùng nhà xuất bản Shogakukan góp một tỷ đồng (tiền bản quyền bộ sách trong bốn năm đầu ở Việt Nam) vào quỹ học bổng Doraemon. Nhà xuất bản Kim Đồng cũng góp thêm một tỷ đồng từ lợi nhuận bộ truyện. Đến nay, quỹ vẫn hoạt động, trao nhiều phần quà cho các học sinh nghèo vượt khó mỗi năm.
Năm 1998, Đôrêmon tái bản lần thứ nhất với tranh bìa theo bản gốc tiếng Nhật, giữ tên nhân vật theo bản in năm 1992. Đến năm 2006, có khoảng 40 đến 50 triệu bản Đôrêmon phát hành ở Việt Nam.
Năm 2010, Nhà xuất bản Kim Đồng ngưng phát hành các đầu sách với tên Đôrêmon, thay thế bằng Doraemon, với bản dịch bám sát tiếng Nhật. Các nhân vật khác cũng được đổi về tên gốc thành Shizuka, Jaian, Suneo, Dekisugi. Hình thức sách cũng thay đổi, với việc in từ phải qua trái, giống cách đọc manga ở Nhật. Sau thời kỳ này, ngoài bản truyện tranh truyền thống, Doraemon tiếp cận độc giả qua các kênh như phim điện ảnh, phim hoạt hình dài tập, truyện tranh màu.
Lý giải về sức hút của Doraemon, giám tuyển, nhà nghiên cứu truyện tranh độc lập ChuKim nói: “Theo Fujiko F. Fujio, những câu chuyện của ông thường có yếu tố khoa học viễn tưởng nhưng không nhất thiết phải là khoa học viễn tưởng cứng nhắc hay phức tạp. Thay vào đó, chúng mang đến những điều kỳ diệu, thú vị và có phần huyền bí, tạo nên sức hút đặc biệt”.
* Một số ấn phẩm tại triển lãm
Bài, ảnh: Hà Thu