Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

‘Bến lửa lòng’ – bi kịch tình tay tư chốn miệt vườn

* Bài tiết lộ một phần nội dung kịch

Vở ra mắt tại sân khấu kịch 5B Võ Văn Tần đầu tháng 10, do đạo diễn Vũ Trần và Trác Thúy Miêu đồng biên kịch. Lấy bối cảnh chính ở vùng quê nghèo miền Tây, câu chuyện xoay quanh một lò gạch đỏ lửa của bà chủ Vàng (Ngọc Duyên đóng).

Vàng vốn giỏi giang, dựng lại cơ nghiệp của cha mẹ từ hai bàn tay trắng. Hôn nhân bế tắc bởi người chồng nghiện ngập (Hoàng Ngọc Sơn), Vàng thèm khát tình cảm, “mùi mồ hôi pha lẫn mùi trấu” từ những người đàn ông xung quanh.

Trích đoạn 'Bến lửa lòng'

 
 

Cảnh bà chủ Vàng (Ngọc Duyên) tâm sự về cuộc đời với chàng thợ gạch Dũng (Bảo Kun). Video: Mai Nhật

Dũng (Bảo Kun) – chàng trai quê nghèo – tìm đến lò gạch xin làm công với giấc mộng thoát nghèo. Tham vọng cuốn Dũng vào mối quan hệ vụng trộm cùng Vàng. Anh bỏ lại phía sau tấm chân tình của Bông (Gia Linh) lẫn người bạn thuở thiếu thời – Côi (Quách Ngọc Tuyên), chàng trai yêu đơn phương Bông. Bi kịch tình tay tư trở thành một vòng lặp luẩn quẩn, bị bao trùm bởi khói lửa của lòng tham và nhục dục.

Tác phẩm không có tên tuổi nào thuộc hàng ngôi sao, song vẫn tạo sức hút nhờ diễn xuất đồng đều, cách phân vai hợp lý. Ngọc Duyên – quán quân Kịch cùng Bolero 2017 – gây ấn tượng khi hóa thân một bà chủ sắc sảo, thành đạt, nhiều toan tính. Bề ngoài gai góc, sâu thẳm bên trong Vàng là nỗi cô đơn của một phụ nữ lạc lõng giữa chính cơ ngơi mình gây dựng.

Dũng giúp vơi đi nỗi trống trải, xoa dịu những khát khao bản năng bên trong Vàng. Lần đầu đóng chính trên sàn diễn, Bảo Kun – Top 3 Học Viện Ngôi Sao 2014 – diễn tròn trịa vai một thanh niên thông minh, bản lĩnh nhưng trượt dài trong sai lầm. Đằng sau vẻ lanh lợi, Dũng chôn giấu ẩn ức của một người con không cha, lớn lên “nhờ uống nước sông”, tự ti gia cảnh nghèo hèn.

Mối tình đôi nhân vật

Bảo Kun (phải), Ngọc Duyên khắc họa mối tình bà chủ, chàng thợ trong “Bến lửa lòng”. Ảnh: Khoa Trần

Cách đạo diễn dẫn dắt tình huống giúp khán giả đồng điệu với số phận hai nhân vật. Sau đôi lần mượn rượu tâm tình, Vàng và Dũng dần cuốn vào nhau. Có lúc, bối cảnh trở thành hình ảnh ẩn dụ – Vàng sống ở nơi “không có gì ngoài lửa”, Dũng đến từ chốn “chỉ toàn là nước”. Cả hai dung hòa, bù đắp những thiếu thốn cho nhau.

Côi và Bông chiếm cảm tình người xem với hình ảnh chân chất, mộc mạc. Trở lại sân khấu sau bảy năm, Quách Ngọc Tuyên khắc họa chiều sâu nhân vật Côi – chàng khờ một lòng theo đuổi người thương. Diễn viên 39 tuổi ghi dấu trong phân cảnh Côi chết lặng khi bị Bông cự tuyệt tình cảm, đôi mắt rưng rưng, giọng nói nghèn nghẹn vì tủi phận bên tô cơm thừa.

Đóng cặp Quách Ngọc Tuyên, Gia Linh là mảnh ghép vừa vặn. Nhân vật Bông cũng là vai hiếm hoi của tác phẩm có sự phát triển về tính cách. Trong suất công diễn, ở phân đoạn Bông đập vỡ con heo đất – biểu tượng tình cảm cô dành cho Dũng và nắm tay Côi, nhiều tiếng vỗ tay vang lên từ hàng ghế khán giả.

Câu chuyện Côi, Bông nhận được nhiều tình cảm từ khán giả. Ảnh: Khoa Trần

Câu chuyện Côi, Bông nhận được nhiều tình cảm từ khán giả. Ảnh: Khoa Trần

Nghệ sĩ Tú Sương – vai Bí, người mẹ nửa mê nửa tỉnh của Dũng – cũng ghi điểm với lối hóa thân tròn trịa. Cuối tác phẩm, chị diễn nhập vai khi nhân vật hồi tưởng một biến cố đau lòng, với lối dựng cảnh kịch tính của đạo diễn Vũ Trần. Tú Sương cũng tạo tiếng cười nhẹ nhàng khi tung hứng mảng miếng cùng đàn em, cho thấy lối diễn chắc tay của cô đào lâu năm.

Trích đoạn 'Bến lửa lòng 2' - Tú Sương

 
 

Tú Sương vào vai Bí – người mẹ nửa điên nửa tỉnh. Video: Mai Nhật

Khâu mỹ thuật, dàn dựng góp phần hỗ trợ cho dàn nghệ sĩ diễn thăng hoa. Đạo diễn chủ yếu sử dụng thủ pháp ước lệ, tối giản – phong cách quen thuộc của 5B. Ngọn lửa – hình ảnh chủ đạo – xuất hiện xuyên suốt vở diễn, tượng trưng cho những bức bối âm ỉ bên trong mỗi nhân vật.

Bục sân khấu được thiết kế linh hoạt, kết hợp cùng cách lắp đặt ánh sáng, giúp nghệ sĩ thay đổi góc diễn. Âm nhạc với âm hưởng miền Tây da diết, dẫn dắt người xem trong các phân cảnh ít thoại, giàu nội tâm. Kịch mở đầu bằng không khí lò gạch bỏng lửa nhưng khép lại trong cảnh sông nước mênh mang, bình lặng.

Trong vở mới, nghệ sĩ Mỹ Uyên – giám đốc 5B Võ Văn Tần – lui về vị trí sản xuất. Chị cho biết muốn tác phẩm là nơi cho các nghệ sĩ trẻ thể hiện đam mê diễn xuất, đồng thời đưa sân khấu trở lại dòng thể nghiệm, với các đề tài melodrama (tâm lý – tình cảm). Tác phẩm tiếp tục diễn vào tối 13-14/10, trước khi sân khấu tái diễn các vở Ái tình ngoài hôn nhân, Bồ công anh.

Mai Nhật



Leave a Comment

0.0/5