Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

‘Cổ học tinh hoa’ tổng hợp 250 bài học từ tích xưa

Dựa trên bản in đầu tiên của Vĩnh Long Thư Quán năm 1926-1929, Omega+ tái bản Cổ học tinh hoa hồi tháng 3, bổ sung thêm hệ thống chú thích.

Công trình biên khảo của bộ đôi Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc – Tử An Trần Lê Nhân xuất bản lần đầu vào năm 1926-1929, có giá trị vượt thời gian, giúp người đọc tiếp cận tinh hoa văn hóa, đạo đức từ nghìn xưa cùng loạt tư tưởng lớn như Khổng Tử, Mạnh Tử, Lão Tử, Trang Tử, Mặc Tử hay Hàn Phi Tử.

Hai tác giả tái hiện 250 mẩu chuyện xưa của Trung Quốc một cách súc tích, đồng thời lý giải “tuy cổ, chân lý luôn là một và bao giờ cũng mới”. Các bài học trong Cổ học tinh hoa có thể ứng dụng vào bất cứ thời đại nào và bất kỳ nơi đâu.





Bìa sách Cổ học tinh hoa. Ảnh: Omega+

Bìa sách “Cổ học tinh hoa”. Ảnh: Omega Plus

Từng truyện được đặt tên ngắn gọn, rõ thông điệp như: “Không được quên cái cũ”, “Lúc đi trắng, lúc về đen”, “Cách cư xử ở đời”, “Tu thân”, “Ngọc trong đá”, “Lòng cương trực”, “Người con có hiếu”, “Vì nghĩa công quên thù riêng”, “Chữ tín”, “Không nên sát phạt lẫn nhau”, “Cứu người lúc nguy cấp”, “Ba điều khó học”, “Liêm sỉ”, “Cách biết lòng người”, “Tham thì chết”…

Không chỉ thuật lại những bài học dung dị đời thường, tác giả còn tuyển chọn truyện hay về cách trị quốc, đạo làm quan, đạo làm người, lời hay ý đẹp. Nhiều tích dân gian, kinh điển xuất hiện trong sách như mẹ Mạnh Tử ba lần chuyển nhà để con thấy điều hay mà học. Tích về Tử Tang với hàm ý cách nhìn nhận cuộc đời.

“Nghèo như Tử Tang, đến đói không có ăn, mà trong lòng không oán cha mẹ, không trách trời đất. Không bù với kẻ mới nhỡ bước, gọi là hơi nghèo đã vội lên giọng oán trách cả người sống, người chết, trời đất, chực muốn làm càn. Còn hỏi tự đâu mà hóa nghèo, nếu đổ tại số mệnh như Tử Tang thì cũng hợp với phương ngôn: Số giàu của đến dửng dưng, số nghèo con mắt tráo trưng vẫn nghèo”, Ôn Như – Tử An viết.

Ở mẩu chuyện Lúc đi trắng, lúc về đen, tác giả diễn giải sự thay đổi tâm sơ, tính thiện ban đầu qua tình huống thú cưng không nhận ra chủ, phản ứng mạnh vì người này trước đó ra khỏi nhà mặc áo trắng, khi về lại diện trang phục khác.

“Lỗi tại mình thay đổi, không phải do con chó cắn xằng. Ở đời, khi làm điều gì khác thường mà người ta không rõ, tất nhiên họ sẽ bàn trái, bàn phải. Nếu bản thân không tự xét mình hay, dở, chỉ biết trách người nghị luận nọ kia thì chẳng khác nào như Dương Bố đánh chó trong truyện”, sách có đoạn.

Tác giả cũng tâm đắc với trang viết về đạo làm quan, sự thanh liêm và lòng nhân ái của ông Phạm Trọng Yêm thời Bắc Tống. Dù làm đến chức tể tướng, nhà vẫn rất nghèo vì có bao nhiêu tiền lẫn thóc gạo, ông đều chia người nghèo, thậm chí chiếc thuyền duy nhất cũng cho nốt. Con trai Phạm Trọng Yêm sau này cũng tiếp bước cha, đề cao nhân nghĩa, lấy việc giúp người khốn khó làm niềm vui, lẽ sống.

Phương châm, lời răn dạy của người xưa được lồng ghép khéo léo như: “Cắn chặt răng để chịu thiệt, đứng vững gót để làm người” (Cổ ngữ) hay “Lập thân không gì khó bằng làm thế nào cho khỏi tủi thẹn; thủ thân không gì khó bằng làm sao cho khỏi điếm nhục; phòng thân không gì khó bằng làm cách nào cho ít bệnh tật” (Tuân Sinh Tiên).

Qua cách truyền tải của hai nhà biên soạn, thế giới “cổ học” tưởng xa vời trở nên gần gũi. Từ thiếu nhi, phụ huynh, người lao động, trí thức, chủ doanh nghiệp đến chính trị gia cũng có thể học hỏi được điều hay lẽ phải, nhận thấy cốt cách đẹp của người phương Đông và tìm thấy chính mình qua từng mẩu chuyện.

Bìa sách có gam xanh lá chủ đạo, biểu trưng cho sự sống và vĩnh cửu, hàm ý triết lý, tư tưởng của cổ nhân trường tồn theo thời gian, giữ nguyên tính nhân văn, giáo dục dù qua nhiều thế hệ.

Hình ảnh trung tâm lấy cảm hứng từ tranh Tứ quý (tùng, cúc, trúc, mai) – đại diện cho bốn mùa xuân, hạ, thu, đông trong năm lẫn bốn đức tính của người quân tử. Chi tiết bông cúc cổ đại đóa, họa tiết viền đặc trưng văn hóa phương Đông, vừa cổ điển, vừa gần gũi với tâm thức người Việt.

Bên cạnh đó, cổng bán nguyệt bên dưới – kiến trúc quen thuộc tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam, thường xuất hiện trong các tòa nhà cổ, chùa và công trình quan trọng – mang ý nghĩa khai mở, dẫn lối độc giả vào khu vườn trí tuệ đầy hương sắc của người xưa.

Tác giả Nguyễn Văn Ngọc (1890-1942) tự Ôn Như, là nhà văn, nhà giáo, nghiên cứu văn hóa Việt Nam. Ông ra mắt nhiều tác phẩm bằng tiếng Pháp, Hán hay quốc ngữ, tham gia biên soạn sách giáo khoa như Quốc văn giáo khoa thư, Luân lý giáo khoa thư, Giáo khoa văn học An Nam. Ông cũng xuất bản nhiều ấn bản khảo cứu như Nam thi hợp tuyển, Đào nương ca, Truyện cổ nước Nam, Tục ngữ phong dao.

Trần Lê Nhân (1887-1975) hiệu Tử An, am tường triết học phương Đông lẫn Tây. Ngoài dạy học, ông còn tham gia biên soạn, dịch thuật nhiều sách, trong đó có Hán học danh ngôn, được tin chọn ở trường trung học thời bấy giờ.

Thiên Lam

Leave a Comment

0.0/5