Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Đạo diễn phim Công tử Bạc Liêu: ‘Tôi không tô hồng nhân vật’

Tác phẩm điện ảnh lấy cảm hứng từ hình tượng “công tử Bạc Liêu”, kể quá trình trưởng thành của thiếu gia Ba Hơn (Song Luân) và câu chuyện anh xung khắc với cha – ông Hội đồng Lịnh (Thành Lộc). Một tuần sau khi phim ra rạp, đạo diễn nói về quá trình thực hiện dự án, cảm xúc khi doanh thu không như kỳ vọng.

– Nhiều người xem đánh giá câu chuyện tô hồng một nhân vật từng nổi tiếng ăn chơi, xài tiền phung phí. Anh nói sao?

– Tôi không lường trước những ý kiến tiêu cực. Ban đầu, tôi tự tin tác phẩm sẽ được mọi người đón nhận. Khi khai thác “công tử Bạc Liêu” – nhân vật có trong đời thực, chúng tôi tìm hiểu ở hai góc độ: Chân dung một người từng được đông đảo công chúng biết đến, và những tính cách, góc khuất chỉ có gia đình ông biết. Ba Hơn thuộc vế thứ hai, và chúng tôi nỗ lực khắc họa phim theo hướng đó.

Tôi hiểu lý do một bộ phận khán giả cho rằng phim “tẩy trắng” nhân vật, vì trong đầu họ mặc định ông là kẻ phá gia chi tử, như các giai thoại miêu tả. Tuy nhiên, chúng tôi từng về quê hương ông Trần Trinh Huy – nguyên mẫu nhân vật, trò chuyện với người thân ông. Tôi được họ cho biết công tử nức danh chơi ngông này còn có nhiều điểm tốt ít ai rõ. Ông rộng rãi, luôn chia sẻ của cải lẫn vốn hiểu biết của một người từng đi du học ở phương Tây. Ông còn giúp đem lại niềm vui, giá trị tinh thần cho người dân trong bối cảnh thời ấy đời sống và văn hóa giao thoa Việt – Pháp.

Hậu trường Song Luân đóng 'Công tử Bạc Liêu'

 
 

Hậu trường đạo diễn Lý Minh Thắng chỉ đạo diễn xuất trên trường quay. Video: Đoàn phim cung cấp

– Nhiều nhận xét cho rằng kịch bản thiếu cao trào, mắc lỗi kỹ xảo hình ảnh. Anh giải thích gì?

– Tôi thừa nhận câu chuyện còn khá hiền, do không đi theo xu thế “drama” (kịch tính). Trong phim, tôi không cố cài cắm những biến cố, tình tiết náo loạn – như gu của số đông khán giả hiện tại, mà chỉ muốn kể một câu chuyện chân phương về tình cha con. Tuy nhiên, tôi không hối hận khi khai thác phim theo hướng này. Tôi tin 5-10 năm nữa, xem lại, mọi người sẽ có hình dung khác về giá trị tư liệu của tác phẩm.

Về kỹ xảo, dù không muốn chống chế, theo tôi, điều kiện sản xuất CGI trong nước còn nhiều hạn chế. Việc đạt được tiêu chuẩn như các phim trên Netflix, Hollywood cần thời gian cũng như sự dày công, đội ngũ nhân lực. Tôi nghĩ bản thân và êkíp đã làm tốt nhất có thể, riêng kinh phí ở khâu hình ảnh, bối cảnh chiếm khoảng 50% khoản đầu tư cho dự án.





Lý Minh Thắng trong buổi ra mắt phim đầu tháng 12 tại TP HCM. Ảnh: Huy Trần

Lý Minh Thắng trong buổi ra mắt phim đầu tháng 12 tại TP HCM. Ảnh: Huy Trần

– Sau 10 ngày, phim thu 30 tỷ đồng (theo Box Office Vietnam), được cho là không thể hòa vốn. Nhận định của anh về doanh thu này?

– Trước khi phim ra rạp, tôi và nhà sản xuất động viên nhau rằng toàn bộ êkíp đã làm hết sức, còn số phận tác phẩm ra sao tùy vào “tổ nghiệp” thương đến đâu, và sự quan tâm của khán giả.

Ngoài ra, vài năm gần đây, nhà làm phim sẽ có nhiều cách để tăng doanh thu. Không chỉ phát hành ngoài rạp, chúng tôi còn có nhiều đường bán khác, do đó khả năng huề vốn của một dự án không phải chuyện khó. Kế hoạch tiếp theo của chúng tôi là ra mắt phim đầu năm sau tại Australia, New Zealand, sau đó là Mỹ và thị trường Đông Nam Á, Đài Loan.

Hậu trường Thành Lộc, Hữu Châu đóng đại gia xưa

 
 

Đạo diễn (1:07) nói về quá trình làm việc với các nghệ sĩ Thành Lộc, Hữu Châu trong phim. Video: Đoàn phim cung cấp

– Xem lại tác phẩm ngoài rạp, cảm xúc anh như thế nào?

– Tôi không muốn quay lại cảnh nào, bởi đã có quá trình tiền kỳ suốt ba năm. Dàn diễn viên cũng chuẩn bị kỹ lưỡng để đóng tốt nhất trong khả năng của họ. Tôi chỉ mong có nhiều thời lượng hơn cho phim để dựng một bản hoàn chỉnh với các cảnh bị cắt. Trong quá trình dựng, chúng tôi có cảm giác phim khá dài, nên buộc phải cắt những tình tiết không nằm trong định hướng ban đầu.

Chẳng hạn, chuyện tình nhân vật chính và người đẹp Bảy Loan (Hoa hậu Đoàn Thiên Ân) đáng lẽ phải diễn ra trọn vẹn, song chúng tôi muốn tập trung vào câu chuyện cha con Ba Hơn. Tôi buồn khi đọc những lời chê dành cho phim, nhưng xem đó là bài học để cân đo, đong đếm nội dung tốt hơn.





Song Luân - vai công tử Ba Hơn và Đoàn Thiên Ân - vai người đẹp Bảy Loan. Ảnh: Đoàn phim cung cấp

Song Luân – vai công tử Ba Hơn và Đoàn Thiên Ân – vai người đẹp Bảy Loan. Ảnh: Đoàn phim cung cấp

– Vì sao anh theo đuổi thể loại cổ trang, như “Mẹ chồng”, “Công tử Bạc Liêu”, dù dòng phim này khó thực hiện?

– Tôi sinh ra ở TP HCM, lớn lên trong giai đoạn thập niên 1980-1990. Từ bé, tôi được tiếp xúc với tuồng cổ, chịu ảnh hưởng từ sở thích của mẹ và bà ngoại. Không biết từ bao giờ, các tuồng tích xưa trở thành một phần trong con người tôi. Tôi mê xem cải lương Hồ Quảng với các tên tuổi như nghệ sĩ Vũ Linh, Tài Linh, Ngọc Huyền, Kim Tử Long. Sau này, học trường Mỹ thuật và Sân khấu Điện ảnh, tôi thường vẽ tranh, làm phim lấy cảm hứng từ các vở xưa.

Việc phim mới không được đón nhận tốt như kỳ vọng khiến tôi phần nào ngần ngại, lo lắng cho các dự án sắp tới. Vài năm qua, tôi ấp ủ Quỳnh hoa nhất dạ – phim điện ảnh về Thái hậu Dương Vân Nga, song đang gác lại vì cảm giác thị trường hiện khá nhiều rủi ro. Tuy nhiên, tôi không nản lòng, vẫn kiên định trên con đường tìm lại những giá trị xưa cũ, giàu hoài niệm.

Mai Nhật



Leave a Comment

0.0/5