Văn sĩ Quỳnh Dao – người được mệnh danh “bà hoàng dòng tiểu thuyết ngôn tình” – qua đời ở tuổi 86, ngày 4/12 tại Đài Loan, theo nguồn tin các tờ Ettoday, Next Apple, China Press.
Bà nổi tiếng với loạt cuốn sách như Yên vũ mông mông (Dòng sông ly biệt), Xóm vắng nhưng nhiều nhà phê bình hàn lâm từng không đánh giá cao tác phẩm của nhà văn. Thậm chí, họ xếp các sáng tác của bà là ”văn chương bình dân” (popular literature), cận văn học (sub literature). Tuy vậy, ở thị trường xuất bản của các quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á như Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Singapore, Malaysia hay Việt Nam, Quỳnh Dao có lượng độc giả đáng mơ ước với bất kỳ tác giả nào.
Trong Hồi ký Quỳnh Dao, bà tự nhận chỉ là ”người kể chuyện”. Khi cãi nhau với Khánh Quân – người chồng đầu tiên – về việc viết văn, đáp lại lời chê của ông, cho rằng văn của bà “thiếu chiều sâu”, Quỳnh Dao trả lời: ”Thì anh cứ lo viết những tác phẩm bất hủ, nổi danh, lưu truyền hậu thế của anh đi, để em viết những câu chuyện không có chiều sâu của em. Em chỉ muốn kể chuyện, thích kể chuyện. Em bất tài, thiếu học. Viết được, có chỗ đăng là em thấy thỏa mãn rồi”.
Quỳnh Dao xuất hiện ở Việt Nam qua bản dịch bốn truyện ngắn đăng trên tạp chí Văn học, số 68, xuất bản ngày 15/10/1966, của Vi Huyền Đắc – một tác giả tên tuổi trước năm 1945. Sau đó, Nhà xuất bản Hàn Thuyên cho in cuốn tiểu thuyết Song ngoại, Nhà xuất bản Khai Hóa in tác phẩm Cơn gió thoảng. Nhưng phải đến khi Cánh hoa chùm gởi được đăng dài kỳ trên tuần báo Đời, hiện tượng Quỳnh Dao mới gây sốt với độc giả miền Nam.
Một loạt sách của bà được dịch và ấn hành, chinh phục lớp công chúng trẻ thời đó, nhất là phụ nữ. Năm 1972, tạp chí Văn học dành riêng một số chuyên đề nói về Quỳnh Dao và lý giải vì sao tác phẩm của bà ăn khách. Năm 1973, khi cơn sốt Quỳnh Dao đỉnh điểm, nhà văn, nhà báo Đào Trường Phúc xuất bản một tập tiểu luận lấy tên là Hiện tượng Quỳnh Dao.
Mạch văn chương miền Nam từ đầu thế kỷ 20 vốn được mệnh danh là ”văn chương bình dân, đại chúng” với những tác giả ”kể chuyện” như Hồ Biểu Chánh, Bà Tùng Long. Do vậy khi Quỳnh Dao xuất hiện, công chúng đón nhận vì có sự gần gũi về mặt tâm lý đọc, bối cảnh xã hội. Tác phẩm của bà miêu tả tình yêu lãng mạn, phù hợp với trình độ, thị hiếu đọc của các bạn trẻ, nhất là học sinh, sinh viên ở các đô thị miền Nam thời bấy giờ.
Các tác phẩm của Quỳnh Dao đều có bút pháp giống nhau, cách kể chuyện truyền thống theo trình tự thời gian, phân tích tâm lý nhân vật tỉ mỉ, miêu tả chi tiết và luôn có một kết thúc rạch ròi, không bỏ lửng hay đánh đố người đọc. Môtíp thường thấy là đôi lứa tình cờ gặp gỡ rồi yêu nhau, trải qua nhiều trắc trở, thậm chí liên quan nhiều ân oán tình thù của cả thế hệ trước rồi mới được hạnh phúc, đoàn viên.
Đặc trưng xuyên suốt tác phẩm của Quỳnh Dao là chỉ kể chuyện, ca ngợi tình cảm đôi lứa. Dù kết thúc hạnh phúc hay phải chia lìa, các nhân vật của bà đều sống hết mình, trọn vẹn với tình yêu, thậm chí đến mức vượt qua cả những rào cản đạo đức, lễ giáo, chấp nhận làm ”người thứ ba”.
Những chi tiết éo le, đầy nước mắt cùng các sắc thái tình cảm từ tình yêu trong sáng, ngây thơ của thiếu nữ tuổi học trò đến nỗi u uẩn của thiếu phụ lỡ làng duyên phận, được Quỳnh Dao miêu tả từ chính trải nghiệm tình yêu và cuộc đời của bà.
Sau năm 1975, những cuốn sách của Quỳnh Dao không được nhắc đến và nếu có thì được xếp vào các tác phẩm “không nên đọc”, thậm chí bị phê phán. Tuy nhiên, cùng sự thay đổi và bầu không khí mở cửa của đất nước cuối những năm 1980, đầu 1990, những sáng tác của bà trở lại với loạt bản dịch của Liêu Quốc Nhĩ, tiếp tục được xuất bản khá rầm rộ cho đến những năm đầu thế kỷ 20.
Khi bối cảnh thời đại và xã hội thay đổi, truyện ngôn tình của Quỳnh Dao hạ nhiệt với công chúng trong nước. Lúc này, các tác phẩm của nữ văn sĩ đến với bạn đọc Việt Nam dưới một hình thức khác, qua các bộ phim dài kỳ của Đài Loan, Hong Kong. Tiểu thuyết của bà được chuyển thể thành phim truyền hình nổi tiếng như Xóm vắng, Trôi theo dòng đời, Dòng sông ly biệt, Mùa thu lá bay, Bên dòng nước, Trâm hoa mai, Hoàn Châu cách cách, “làm mưa làm gió” một thời.
Sự chuyển hướng đề tài, không viết về những người cùng thời mà đi theo hướng dã sử, cung đình là sự nhạy bén của nhà văn khi tự biết phải thay đổi cho phù hợp thị hiếu công chúng đương đại. Từ đó, tên tuổi của Quỳnh Dao lại hiện diện sống động.
Có thể ví tác phẩm của Quỳnh Dao như những bức tranh truyền thần trong hội họa, cụ thể và rõ ràng. Ở một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí, bà thừa nhận: ”Tôi không thích viết những điều khó hiểu. Văn học là công cụ biểu lộ tư tưởng, nếu viết một tác phẩm mà chỉ để cho mình hiểu, việc bày tỏ tư tưởng chẳng đem lại lợi ích gì” (Đào Trường Phúc, Hiện tượng Quỳnh Dao).
Hà Thanh Vân