Karik phát hành album đầu tay 421 sau 15 năm bước vào làng nhạc hồi tháng 7. Dịp này, rapper nói về chặng đường làm nghề, cuộc sống cá nhân.
– Album mới có ý nghĩa gì với sự nghiệp của anh đến nay?
– Qua sản phẩm, tôi muốn cho khán giả thấy phong cách âm nhạc, sự trưởng thành. Trong số này, có bài tôi chuẩn bị trong hai năm nhưng có bài chỉ mất vài tuần hoàn thiện.
Nhìn lại, tôi thấy bản thân có lúc lười biếng, không ra nhạc thường xuyên. Gần đây khi nhìn lại chặng đường làm nghề, tôi bừng tỉnh bởi “chẳng lẽ làm nghề 15 năm mà không có nổi một album”. Thế là, tôi dồn lực phối hợp êkíp thực hiện tác phẩm.
Niềm vui của tôi không chỉ là có ca khúc đạt triệu view, mà còn để nhận ra đam mê chưa bao giờ tắt, sau trải qua một số biến cố trong cuộc sống cá nhân. Tôi tin mình còn sức trẻ để theo đuổi nghề, biết cách cập nhật xu hướng thế giới, tạo ra nhạc phù hợp cho khán giả.
– Nhìn lại chặng đường ca hát, anh cảm nhận điều gì?
– Khi sinh ra, tôi phát âm không tốt do lưỡi ngắn, từng tổn thương vì bị nhiều người chế nhạo rap đớt. Tôi đã phải nỗ lực tập luyện, đứng trước gương, tự thu âm nghe lại để cải thiện. Hiện mọi thứ chưa đạt hoàn hảo nhưng tôi không còn tự ti, biến hạn chế thành màu sắc riêng.
Từ lúc vào nghề đến nay, tôi luôn cô đơn, ít bạn bè trong giới. Vài năm trở lại đây, tôi hòa vào làng nhạc nhiều hơn thông qua các chương trình, thậm chí nói chuyện với đồng nghiệp ngày xưa vốn chẳng ưa mình. Nhờ đó, tôi thấy cuộc sống có nhiều màu sắc hơn.
Với nghề, ngày xưa phong cách rap của tôi gai góc, còn hiện tại mềm mại hơn. Khi khán giả bỏ tiền ra để nghe nhạc giải trí, tôi không thể khiến họ mệt mỏi bởi các tác phẩm mang màu sắc hơi tiêu cực, xuất phát từ câu chuyện cá nhân. Khi thay đổi, đứng trên sân khấu biểu diễn, tôi có cảm giác nhẹ nhàng, gần gũi với khán giả hơn.
– Điều gì ở nhạc rap thu hút, có thể chữa lành tâm hồn anh?
– Tôi từng suy sụp vì đặt niềm tin sai ở một số người thân, bạn bè. Bố mẹ tôi không sống chung với nhau. Tôi không thể nào quên giai đoạn hai mẹ con tôi phải chịu cảnh màn trời chiếu đất, thiếu thốn tiền bạc. Khi nhìn mẹ khóc, tôi nghĩ phải làm gì đó đúng trách nhiệm của người đàn ông trong gia đình. Cùng đó, thất bại trong tình yêu hay gặp chứng rối loạn lưỡng cực cũng là biến cố khiến tôi từng chán chường, tự nhốt mình trong phòng.
Âm nhạc “cứu” tôi khỏi cảm xúc tiêu cực. Khi viết rap, tôi dễ dàng trải lòng. Sau khi hoàn thiện một bản rap tâm đắc, tôi rất hạnh phúc. Như trong album, tôi chia ra hai sắc thái, đi từ phần tối tăm đến tươi sáng, thể hiện qua lời rap, cách đặt tên cho nhạc phẩm. Tất cả đều là tâm tư, xuất phát từ câu chuyện thật tôi từng trải qua. Chẳng hạn, trong bài Khắc cốt ghi tâm, có đoạn: “Cảm ơn lòng người đã dạy ta ba bài học sau những lần lỡ dại. Nên học cách sống một mình, bởi vì không phải ai đến cũng ở lại. Đứa trẻ trong ta sẽ chỉ trưởng thành khi được trực chiến với sợ hãi. Sống hay chết thanh thản. Nhất là ngoài gia đình ta không nợ ai”.
– Trong làng rap Việt hiện nay, anh tự nhận chỗ đứng của mình ra sao?
– Tôi chưa thành công trong công việc bởi còn nhiều việc chưa thể thực hiện. Mong muốn của tôi là thực hiện concert, mở trường học về âm nhạc trong tương lai.
Tôi không để tâm chuyện vị trí của mình ở đâu trong làng nhạc. Tôi từng trải qua, chứng kiến nhiều sự sân si, bới móc nhau trong giới này, cảm giác rất mệt. Niềm vui của tôi đơn giản là sản phẩm phát hành tạo được phần nào đồng cảm với người nghe. Sau Rap Việt mùa một và hai, tôi vui khi có nhiều cô chú lớn tuổi để lại lời nhắn rằng họ có thể tiếp cận thể loại nhạc tôi đang chọn.
Thị trường hiện xuất hiện nhiều gương mặt trẻ, phản ánh sự phát triển của âm nhạc. Tôi không xem điều này là áp lực bởi hiểu mỗi người sẽ theo đuổi phong cách, định hướng phát triển khác nhau. Tôi thích các giọng ca như Hiếu Thứ Hai, Wren Evans vì ở các bạn có màu sắc âm nhạc không bị trộn lẫn. Họ mang đến sự tươi trẻ, biết cập nhật xu hướng, lựa chọn thời điểm thích hợp để đưa sản phẩm tiếp cận thị hiếu khán giả.
– Hiện anh hướng tới điều gì lớn nhất trong cuộc sống?
– Tôi không tự chữa lành các tổn thương mà tìm cách sống chung để mọi thứ trở nên thoải mái. Sau chuyển nhà, tôi hướng tới cách sống nhẹ nhàng, tích cực.
Hiện sức khỏe tôi ổn định. Mỗi ngày tôi tập thể dục, thích ngâm mình trong bồn nước đá mỗi sáng. Cùng đó, tôi thay đổi thói quen sinh hoạt, tiêu xài. Khi căng thẳng, tôi nghe nhạc, nấu ăn, tự pha một ly cocktail rồi lên sân thượng ngồi thư giãn. Nhà tôi nuôi ba con chó, một ngày dọn dẹp, chơi với chúng cũng đủ vui thay vì ra ngoài. Ba năm qua, tôi tiết kiệm, ít khi mua sắm món đồ nào đắt tiền.
Giai đoạn khó khăn của tôi là khoảng năm 2008 đến 2010 khi chưa xác định rõ có thể kiếm tiền bằng nghề rap. Tôi từng đi học photoshop, quản lý khách sạn, bán hàng đa cấp, rồi nhận ra không thể làm việc gì tốt hơn âm nhạc. Sau đoạt một giải thưởng vào năm 2012, tôi mới dám đặt nhiều kỳ vọng.
Hiện tôi là lao động chính trong nhà. Gia đình cũng là điểm tựa tinh thần để tôi nỗ lực. Tôi và mẹ khá khắc khẩu nhưng khi ở cạnh nhau, tôi luôn thấy an tâm. Bà nội bên Mỹ lâu lâu gọi điện, hỏi “thằng Khoa (tên thật của Karik) dạo này ổn không?” hoặc nói “bà đã nghe hết các bài rap cháu viết rồi”, khiến tôi càng được cổ vũ về tinh thần.
– Quan điểm của anh về chuyện lập gia đình ở tuổi 35?
– Tôi không đi tìm tình yêu đã lâu vì không có cảm giác vui, bởi tâm trí còn bị chi phối thứ. Tôi chỉ muốn tập trung cho công việc. Kết hôn không phải đích đến của tôi hiện tại. Không phải vì tôi coi thường mà nghĩ mọi việc cần duyên số. Nếu có yêu đương, tôi sẽ không còn dám đăng tải lên mạng xã hội như trước đây hoặc có làm đám cưới cũng sẽ tổ chức rất nhỏ gọn.
Karik tên thật Phạm Hoàng Khoa, sinh năm 1989. Anh là chủ nhân nhiều ca khúc nổi tiếng như Hai thế giới, Anh không đòi quà… Nhiều bài hát có sự tham gia của Karik đều trở thành hit, tạo bệ phóng cho ca sĩ trẻ như Người lạ ơi (Orange), Tất cả tại anh (Emma), Đau vậy đủ rồi (Vũ Phụng Tiên). Anh từng đảm nhận vai trò huấn luyện viên của Rap Việt, đưa học trò Seachains chiến thắng mùa hai.
Tân Cao