Thế kỷ 11, tác giả Murasaki Shikibu sáng tác Truyện Genji, cuốn sách gồm 54 chương kể về cuộc đời và những cuộc phiêu lưu tình ái của của Hoàng tử Hikaru Genji. Truyện Genji được ghi nhận là cuốn tiểu thuyết đầu tiên xuất hiện trên thế giới.
Đến nay, mọi người ở khắp nơi vẫn tìm đọc thể loại tiểu thuyết, mặc cho sự lên ngôi của công nghệ khiến những câu chuyện xuất hiện trên smartphone được chú ý hơn câu từ trên mặt sách.
“Đọc là một hành động phức tạp nhưng đầy phong phú và mang tính nhận thức cao”, Anne Cunningham, nhà tâm lý học tại Đại học California, Berkeley, cho biết trên Scholastic. Bà phát biểu rằng trí thông minh của những người thích đọc sách sẽ phát triển rõ rệt theo thời gian và ngược lại, những ai không đọc sẽ khó tiếp thu thông tin khi về già. Ngoài ra, thói quen đọc cũng góp phần làm giàu trí tưởng tượng, nâng cao trình độ học vấn và tăng khả năng xử lý của não.
Theo Healthline, trong cuộc thí nghiệm được thực hiện vào năm 2013, một nhóm các nhà nghiên cứu đã sử dụng chức năng quét MRI để đo lường mức độ tác động của việc đọc một quyển tiểu thuyết lên não. Những tình nguyện viên đọc cuốn Pompeii trong vòng chín ngày. Các tín hiệu cho thấy vùng não hoạt động nhiều nhất khi câu chuyện đến đoạn cao trào. Quan sát thêm nhiều ngày, các nhà nghiên cứu phát hiện khả năng kết nối thông tin của não được tăng lên, nhất là phần vỏ.
Một lợi ích khác của việc đọc sách là gia tăng vốn từ vựng. Từ những năm 1960, các nhà nghiên cứu sách đã thảo luận về khái niệm “Hiệu ứng Matthew” – được hiểu như việc người giàu sẽ càng giàu và ngược lại. Trong đời sống, “Hiệu ứng Matthew” được áp dụng khi bàn đến khía cạnh tiền bạc và vốn từ vựng. Healthline cho biết những người có thói quen đọc sách từ nhỏ sẽ có vốn từ vựng phát triển hơn, từ đó giúp ích cho nhiều mặt của cuộc sống, bao gồm việc thi cử hay tìm việc làm.
“Trẻ em thích đọc sách ở độ tuổi 10 đến 16 có xu hướng giỏi về từ vựng, chính tả và cả tính toán”, một nghiên cứu của Đại học London, Anh, cho biết.
Năm 2019, công ty chuyên mảng giáo dục Cengage thực hiện một cuộc thăm dò và kết quả cho thấy 69% nhà tuyển dụng ưu tiên các ứng viên có kỹ năng giao tiếp tốt. Đọc sách là một phương pháp hiệu quả giúp trẻ biết thêm từ và tiếp xúc với nhiều ngữ cảnh trong giao tiếp, từ đó mở ra nhiều cơ hội trong tương lai.
Đối với người lớn tuổi, đọc là phương thuốc ngăn chặn não lão hóa. Tổ chức Bệnh Alzheimer Quốc tế cho biết có 55 triệu người mắc bệnh sa sút trí nhớ vào năm 2020 trên thế giới. Dự kiến con số này tăng gần gấp đôi mỗi năm, chạm mốc 78 triệu người vào năm 2030 và 139 triệu người vào năm 2050. Cũng theo tổ chức trên, phần lớn dân số mất trí nhớ nằm ở các nước đang phát triển.
Nghiên cứu của Viện Lão hóa Quốc gia (Mỹ) cho biết đọc sách và giải toán góp phần duy trì chức năng nhận thức. Còn trung tâm y tế thuộc Đại học Rush chứng minh những người thích đọc khi về già có phần trăm mắc chứng mất trí nhớ ở mức thấp. Đọc sách cũng góp phần kéo dài tuổi thọ. Các nhà khoa học thuộc Đại học Yale thực hiện khảo sát trên 3.635 người hơn 50 tuổi và phát hiện những người dành ít nhất 30 phút đọc sách mỗi ngày sống lâu hơn trung bình 23 tháng so với nhóm không đọc.
Sự phát triển của xã hội mang đến cho người dân nhiều lựa chọn trong việc giải trí, nhưng đồng thời cũng làm gia tăng các bệnh tâm lý, đặc biệt là thời kỳ hậu Covid-19.
Sách là công cụ giúp tiết chế căng thẳng và giảm sang chấn tâm lý, theo Healthline. Một nghiên cứu từ Đại học Sussex vào năm 2009 cũng cho biết việc đọc giúp giảm thiểu stress đến mức 68%, từ đó hạn chế phát sinh các bệnh tâm lý. Bên cạnh đó, theo The Reading Agency, sách còn là phương pháp làm giảm sự cô đơn và khiến người bệnh có cảm giác được sẻ chia khi tiến vào thế giới của các nhân vật.
Ngoài những lợi ích trên, thói quen đọc sách còn giúp cải thiện giấc ngủ, tăng tư duy sáng tạo, tăng sự tập trung.
Quốc Bảo