Tập truyện ngắn khắc họa đời sống tinh thần trẻ em và giáo dục truyền thống của Việt Nam. Qua những trang sách, hình ảnh thầy đồ, giấy bản, bút nghiên hay những cô cậu học trò tinh nghịch hiện ra. Ngoài lớp của thầy đồ, Tô Hoài cũng tả lại các lớp học thời Tây trên phố, lớp truyền bá chữ Quốc ngữ diễn ra buổi tối tại đình làng.
Trong truyện Mực tàu giấy bản có đoạn mô tả quang cảnh một lớp học: ”Vừa bước chân vào đến ngõ nhà thầy đồ Biền, đã nghe tiếng quát ầm ĩ và tiếng trẻ con học à à. Thầy đồ ngồi ở tấm phản giữa. Học trò, anh thì ngồi, anh thì đứng – có những anh nằm bò ra – hỗn loạn, rối rít, líu tíu ở những phản bên, những bậc cửa và cả ở dưới đất”.
Tác phẩm kể về Cang, cậu bé thôn quê nhút nhát, suốt ngày quanh quẩn chơi cùng các con vật. Gia đình quyết định sắm bút nghiên, cho Cang ăn mặc tươm tất rồi dẫn cậu đến thầy đồ. Diện mạo của Cang được mô tả: ”Đầu tôi bị đánh đai bằng một vành khăn nhiễu thâm. Tôi mặc một tấm áo the ba chỉ mà đôi vạt thì chùng lê thê đến lưng ống chân; hai ống, nếu tôi buông thẳng xuống, chúng sẽ phủ kín mít cả năm đầu ngón tay. Thành ra lúc nào tôi cũng phải đứng khuỳnh hai cánh tay. Cho tay áo khỏi tụt. Tất nhiên là tôi được mặc quần hộp, được xỏ chân vào đôi guốc mới”.
Hay trong tác phẩm Nói về cái đầu tôi, nhà văn đưa người đọc đến khung cảnh ngôi trường đơn sơ ở đình làng: “Cái trường của tôi, nói rằng đó là một cái đình thì đúng hơn. Bởi vì, ở trong lớp lẫn lộn vào với bàn ghế, còn có những tấm bia đá mốc xanh. Trên tường, chỉ vẽ rặt những long, ly, quy phượng và ngoài cửa có tượng những ông tướng mặt đỏ, tay cầm thanh long đao, nom đến khiếp. Ra đây vốn trước là một cái đình hay cái chùa. Người ta mới chữa lại cho thành một trường học. Cái trường học tàng tàng. Học trò ngồi học trên những tấm bàn mọt rũa. Mực thì đựng vào chén, chứ không có lọ. Mỗi buổi sáng, anh nào đến lớp cũng phải thu thu cái giẻ lau ở trong cặp. Để lau cứt dơi. Bởi vì có hàng nghìn con dơi đêm về nằm ngủ trên xà nhà, cứ tự do tương những của thừa của chúng nó xuống. Chẳng ai cấm đoán nổi chúng nó. Và chúng tôi chỉ đành bịt mũi, lau đi mà thôi. Chao, nói ra thì còn dài lắm”.
Nói về lý do chọn tên ấn phẩm là Mực tàu giấy bản, đại diện Nhà xuất bản Kim Đồng cho biết tác phẩm này tiêu biểu cho các truyện viết về học sinh của Tô Hoài. Theo đơn vị, qua 10 truyện ngắn có thể thấy tình cảm trìu mến mà nhà văn dành cho trẻ em.
Tô Hoài tên thật là Nguyễn Sen, sinh năm 1920, trong một gia đình thợ thủ công ở huyện Thanh Oai, Hà Đông, Hà Nội. Ông lớn lên ở làng Nghĩa Đô, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội). Bút danh Tô Hoài gắn liền hai địa danh nơi nhà văn sinh ra và lớn lên là sông Tô Lịch, phủ Hoài Đức. Một trong những sáng tác nổi tiếng nhất của nhà văn là Dế Mèn phiêu lưu ký, tác phẩm gắn liền bao thế hệ thiếu nhi Việt Nam, được dịch ra gần 40 thứ tiếng trên thế giới.
Ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật (đợt 1 – 1996) cho các tác phẩm như Xóm Giếng, Nhà nghèo, O chuột, Dế Mèn phiêu lưu ký, Núi Cứu quốc, Truyện Tây Bắc, Vợ chồng A Phủ, Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ. Năm 2010, nhà văn nhận Giải thưởng lớn của Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội.
Phương Linh